Chọn ngành phù hợp với nhu cầu địa phương

02/03/2014 02:15 GMT+7

Nhiều học sinh quan tâm và thắc mắc về những đổi mới trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay và lựa chọn ngành nghề phù hợp ở địa phương tại chương trình Tư vấn mùa thi do Báo Thanh Niên và Bộ GD-ĐT tổ chức ở tỉnh Gia Lai hôm qua 1.3.

* Đài phát thanh - truyền hình Kon Tum phát sóng trực tiếp chương trình lúc 14 giờ 30 hôm nay
* Số điện thoại nóng: 0968060336 và 0968060337

Nhiều học sinh quan tâm và thắc mắc về những đổi mới trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay và lựa chọn ngành nghề phù hợp ở địa phương tại chương trình Tư vấn mùa thi do Báo Thanh Niên và Bộ GD-ĐT tổ chức ở tỉnh Gia Lai hôm qua 1.3.

Chọn ngành phù hợp với nhu cầu địa phương
Học sinh đặt câu hỏi trực tiếp với ban tư vấn - Ảnh: Nguyễn Tập

Thi riêng, đề chung hay riêng ?

Trà Thị Hồng Phúc, học sinh Trường THPT Pleiku, thắc mắc: “Năm nay nếu thi riêng thì cấu trúc đề thi này giống kỳ thi “3 chung” hay không?”. Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, thành viên Ban Chỉ đạo tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014, giải đáp: “Hiện nay đã có khoảng 50 trường ĐH, CĐ nộp đề án thi riêng để chờ Bộ GD-ĐT cho phép. Dự kiến trước ngày 10.3, Bộ sẽ công bố về vấn đề này. Về cơ bản, các trường tuyển sinh riêng có 2 dạng chính. Một là riêng hoàn toàn: hồ sơ riêng, tổ chức thi riêng, xét tuyển riêng... Phần lớn đây là các trường khối năng khiếu như mỹ thuật, văn hóa… Mỗi trường khối này sẽ có cấu trúc đề thi khác nhau. Thứ hai là các trường không tổ chức thi mà chỉ dùng kết quả ở kỳ thi tốt nghiệp THPT hoặc kết quả một số môn học các năm 10, 11, 12 để xét tuyển vào trường. Thời gian, địa điểm nộp hồ sơ sẽ do các trường thông báo cho thí sinh”.

Chương trình Tư vấn mùa thi trân trọng cảm ơn Công ty Vietravel đã hỗ trợ phương tiện vận chuyển cho đoàn tư vấn. Cảm ơn sự hỗ trợ của Viettel Gia Lai, Sở GD-ĐT, Tỉnh đoàn và Đài phát thanh - truyền hình Gia Lai. Cảm ơn Trường ĐH Lạc Hồng trao 5 suất học bổng Nguyễn Thái Bình cho học sinh.

Trả lời thắc mắc của một thí sinh người dân tộc về việc trường nào nhận thí sinh dự bị ĐH, tiến sĩ Nghĩa cho biết năm 2014 dự kiến sẽ điều chỉnh ưu tiên khu vực và đối tượng. Vì vậy, nhiều khả năng cũng sẽ có thay đổi về việc xét tuyển các thí sinh dự bị ĐH. Thí sinh cần theo dõi thêm thông tin trong thời gian sắp tới để tìm trường học cho mình.

Liên quan đến chính sách ưu tiên, Nguyễn Quốc Lập, học sinh Trường THPT chuyên Hùng Vương hỏi: “Năm nay em và các bạn có được ưu tiên 1,5 điểm như các năm trước hay không?”. Thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, thông tin: “Theo dự thảo sửa đổi, bổ sung quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014 của Bộ GD-ĐT thì chính sách ưu tiên theo khu vực được sửa đổi theo hướng chỉ ưu tiên cho những vùng khó khăn. Cụ thể: khu vực 1, trước đây được quy định là những địa phương thuộc miền núi, vùng cao, vùng sâu, hải đảo, trong đó có các xã thuộc vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của Chính phủ. Hiện nay khu vực 1 được quy định là các thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực 3 (xã có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn) theo quy định hiện hành. Tỉnh Gia Lai có 75 xã, cụ thể hơn là có 664 thôn thuộc khu vực đặc biệt khó khăn. Học sinh tại TP.Pleiku có thể sẽ không còn được hưởng ưu tiên 1,5 điểm như các năm trước mà sẽ được ưu tiên ít hơn. Tuy nhiên, đây chỉ mới là dự thảo và cần chờ quyết định chính thức của Bộ GD-ĐT”.

“Khát” nhân lực có trình độ ở Tây nguyên

Một học sinh Trường THPT Nguyễn Chí Thanh hỏi: “Em được biết một số sinh viên Gia Lai sau khi tốt nghiệp không có việc làm và phải làm nghề tay trái. Vậy phải chọn ngành nào có mối liên kết với ngành khác để có thể làm việc trái chuyên môn vẫn có thể phát huy năng lực bản thân?”. Theo tiến sĩ Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, trong một hội thảo tại Tây nguyên do Bộ GD-ĐT tổ chức, có đưa ra số liệu: định hướng đến năm 2015, tổng số nhu cầu nhân lực tại khu vực này 180 sinh viên/vạn dân nhưng đến cuối năm 2013 mới chỉ đạt con số 136 sinh viên/vạn dân. Theo khảo sát và dự báo nhu cầu nhân lực, khu vực Tây nguyên còn cần rất nhiều nhân lực. Thậm chí một số ngành “khát” nguồn nhân lực nhưng thiếu nguồn tuyển.

Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm dự báo nhân lực và thị trường lao động TP.HCM, cho biết: “Tỉnh Gia Lai ở phía bắc Tây nguyên, từ năm 2012 Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo phát triển các tỉnh trọng điểm khu vực này và hình thành tam giác trọng lực Việt Nam - Lào - Campuchia tại đây. Tuy nhiên, tốc độ phát triển ở khu vực mới chỉ dừng ở mức 30%, trong khi quy hoạch của tỉnh hiện nay là từ 40 - 50%. Nhu cầu nhân lực hằng năm của tỉnh Gia Lai sắp tới là 24.000, cả khu vực Tây nguyên là 150.000 nhân lực theo hướng phát triển công nghiệp, công nghệ thông tin, cộng nghệ tự động hóa, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu, nông lâm, vận tải, dịch vụ, du lịch...”. Ông Tuấn kết luận: “Các nơi khác tôi còn khuyên học ngành này, ngành kia vì thừa nhân lực nhưng ở Gia Lai thì học ngành nào cũng rất thuận lợi”.

Chiều nay 2.3, chương trình Tư vấn mùa thi sẽ diễn ra tại Trung tâm văn hóa thể thao thanh thiếu niên tỉnh (quốc lộ 24, P.Duy Tân, Kon Tum), từ 14 giờ 30 - 16 giờ 30. Phụ huynh và học sinh có thể đặt câu hỏi qua số điện thoại nóng: 0968060336 và 0968060337.

Phiếu tặng CD luyện thi trắc nghiệm

Bạn đọc cắt phiếu này mang đến tòa soạn Báo Thanh Niên hoặc các điểm diễn ra chương trình Tư vấn mùa thi 2014 theo lịch trình.

- Tòa soạn tại TP.HCM: 248, Cống Quỳnh, Q.1

- Kon Tum: Trung tâm văn hóa thể thao thanh thiếu niên tỉnh (quốc lộ 24, P.Duy Tân), từ 14 giờ 30 - 16 giờ 30 ngày 2.3.

 Chọn ngành phù hợp với nhu cầu địa phương

Học sinh có một tháng để đăng ký môn thi tự chọn

Theo Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT, bắt đầu từ ngày 17.3 đến ngày 17.4.2014, học sinh lớp 12 trên toàn quốc sẽ đăng ký hai môn thi tự chọn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay.

Như vậy, học sinh có tròn một tháng để đăng ký môn thi tự chọn chính thức. Trong khoảng thời gian này, học sinh có thể thay đổi môn thi tự chọn đã đăng ký ban đầu.

Theo ghi nhận của Thanh Niên, hiện một số trường THPT ngoài công lập ở Hà Nội đã cho học sinh đăng ký môn thi tự chọn để thăm dò nguyện vọng của học sinh. Trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch ôn thi tốt nghiệp phù hợp cho các em. Trường THPT Lương Thế Vinh là trường đầu tiên công bố kết quả này với số học sinh đăng ký thi vật lý là 75,6%, tiếng Anh 56,3%, hóa học 50,8%, địa lý 11,4%, sinh học  5,3%. Riêng môn lịch sử không hề có học sinh nào đăng ký.

Vấn đề mà dư luận vừa quan tâm vừa lo ngại là liệu những môn thuộc lĩnh vực khoa học xã hội, đặc biệt là môn thi lịch sử, sẽ có rất ít học sinh lựa chọn.

Tuệ Nguyễn

Đăng Nguyên - Trần Hiếu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.