|
Bia lạnh, cưỡi bò và khiêu vũ với người tình, căn bệnh thế kỉ AIDS đã khép lại tất cả ước muốn bình dị của môt gã cao bồi hoang dã, hay nói chính xác là gã thợ điện thạo nghề luôn khao khát cuộc sống đậm chất cao bồi. Ron Woodroof, vào cái đêm tuyệt vọng đang kéo anh xuống đáy vực, không phải do vi rút HIV mà vì cảm giác đơn độc trong cuộc chiến chống lại tử thần, anh đã thì thầm với cô bác sĩ Eve rằng: “Đôi khi anh thấy mình cố chống chọi cái chết mà không còn thời gian để sống”. Câu thoại có sức mạnh thức tỉnh cao độ.
|
Tiếng thở hùng hục đằng sau song gỗ. Cuộc làm tình tay ba diễn ra, có chút gì nhớp nhúa và trần trụi. Bên ngoài trường đấu kia, con bò tót đang điên cuồng hất tung mọi sinh vật khỏi cái lưng nhấp nhô của nó. Tiếng âm thanh bị kéo giãn rồi bất ngờ vỡ vụn đánh gục những cái đầu mong manh, ngay lúc ấy, còn bò chiến thắng và Ron Woodroof lên đỉnh. Như chuẩn bị cho một trận chiến sinh tử thực thụ, đạo diễn Jean Marc Vallee đã gấp gáp xoa nắn cảm xúc của người xem bằng các góc máy hẹp cùng âm thanh nhức nhối. Thêm vài ba tình tiết lừa bịp láu cá của lũ người bài bạc được giải quyết nhanh gọn đủ bao quát cuộc sống của nhân vật chính, giờ đây, Ron Woodroof nằm trên giường bệnh. Anh ta vừa biết mình nhiễm HIV.
Chuyển cảnh. Ron Woodroof trong tình trạng của một bệnh nhân chắc nịch rằng mình chỉ còn 30 ngày sống, mặc dầu anh ta vẫn cố gắng phủ nhận với chính mình thông tin khủng khiếp đó. Ron quay cuồng trong ma túy, rượu mạnh và tình dục. Bản nhạc rock n roll từ đâu vọng lại, nhắc nhớ người ta về giai đoạn buông thả của thanh niên Mỹ, trước khi dịch bệnh thế kỷ lan truyền. Ron Woodroof kéo khán giả vào những biến đổi nội tâm của anh, bắt đầu bằng chuỗi hành xử ngốc ngếch mà ai cũng dễ dàng thấu hiểu. Bởi phải làm thế nào khi ngay từ đầu phim, đạo diễn gần như đã xây dựng thành công một thế giới tràn ngập không khí viễn tây, biểu hiện của tự do, phóng đãng và thoát hẳn khỏi lề luật xã hội, vậy mà thoắt một phát, thực tế phũ phàng tựa phát súng đanh thép bắn thẳng vào huyết quản đang rạo rực nhựa sống, trường hợp này là Ron Woodroof? Không cường điệu cũng không tránh né, nỗi sợ vô hình vẫn bám lấy cuốn phim, nỗi sợ ấy tỉ lệ thuận với không khí tự do ban đầu.
Đầu thập niên 90, tài tử Tom Hanks từng có vai diễn bệnh nhân AIDS để đời trong Philadelphia. Vai diễn mang về tượng vàng Oscar đầu tiên cho sự nghiệp diễn xuất hoành tráng của “chàng khờ Forrest Gump”. Lẽ thường tình, rất nhiều khán giả coi xong Philadelphia đã nghiêng mình ngưỡng mộ sự hy sinh hình ảnh của Tom Hanks. Nhưng thú thật, chỉ đến khi chứng kiến thân hình tiều tụy sụt 23 kg của nam diễn viên từng được bầu chọn là người đàn ông quyến rũ nhất hành tinh Matthew McConaughey trong Dallas Buyers Club, người viết mới thực sự bị sốc. Nó không phải là thứ cảm giác e ngại như nhìn thấy cục mỡ to đì đùng phá tướng xuất hiện trên vòng hai của Christian Bale trong American Hustle, dù rằng phải thừa nhận chàng Batman cũng rất điển trai. Nó là thứ cảm giác lo lắng pha lẫn hoảng sợ. Trên thực tế, vai diễn của Matthew McConaughey có độ gai góc hơn vai diễn của Tom Hanks. Một bên là chàng luật sư đồng tính Andrew Beckett, một bên là gã dân chơi Ron Woodroof bê bối, cục súc, trụy lạc. Từ ngoại hình, Matthew McConaughey đã hoàn toàn thuyết phục người xem tin tưởng vô câu chuyện mà anh dồn tâm sức thể hiện. Chúng ta nhìn thấy trước mắt mình cả một thế giới của dịch bệnh AIDS vào những năm tám mươi của nước Mỹ.
Không hề nhanh chóng tiếp nhận thực tế, Matthew McConaughey diễn như lên đồng qua những phản ứng rất người của Ron Woodroof. Hoảng loạn, đau đớn, ê chề…, Ron đã bước thật chậm theo từng cung bậc cảm xúc, tương ứng với hành vi miệt thị của đám bạn xưa cũ và chính những xung đột nội tại của anh. Chi tiết Ron phun nước bọt vào “bọn khốn” kia, nó hoàn tất bức chân dung về một con người vừa lỗ mãng, vừa yếu đuối, vừa đáng thương. Ron đã gục ngã. Vâng, từ thời khắc ấy cho đến hết phim, Ron chưa lần nào đứng vững lên lại giống thuở còn là gã trai lơ khỏe khoắn. Anh ta chỉ mạnh mẽ hơn những người chung định mệnh. Hãy chú tâm vào thước phim gần cuối khi Ron Woodroof run rẩy trèo lên lưng con bò. Nó đâu phải là tâm thế chinh phục. Nó là tâm trạng vỡ òa vì được sống lần nữa giấc mơ thời quá vãng. Bằng hóa thân tài tình, Matthew McConaughey chào mừng chúng ta đến với thế giới của những nỗi đau cùng những khát vọng sinh tồn, bất chấp tổn thương đã hằn lên da thịt chẳng thể xóa được.
Điều đáng quý ở Dallas Buyers Club chính là, đạo diễn không nuôi ý định biến Ron Woodroof thành người hùng. Chúng ta đang ở kỷ nguyên của điện ảnh mà trong mọi hoàn cảnh đều có thể xuất hiện người hùng. Chỉ cần một chút lên gân, câu chuyện sẽ lập tức trở nên xa cách. Bỗng dưng đem lòng biết ơn sự mộc mạc đấy. Nếu Ron Woodroof có hành động gì, thì ắt hẳn trước hết là vì bản thân anh ta. Chạy đôn chạy đáo để được thử nghiệm AZT, hối lộ y tá để ăn trộm thuốc, phiêu bạt sang Mexico để phước chủ may thầy…, Ron Woodroof làm mọi thứ nhằm tìm cơ hội tái sinh. Thế nhưng, ngay cả khi chỉ có mỗi gã đồng tính Rayon bên cạnh hỗ trợ, Ron vẫn sẵn sàng bảo lưu bản chất kỳ thị của hắn bằng cách cầm súng mà quát tháo: “Chỉ cần gọi tôi một tiếng Ronnie nữa, tôi sẽ giải phẫu giới tính cho cô với cái này liền”. Nhân tiện, Jared Leto quá tuyệt vời trong vai Rayon, anh chàng đồng tính bị nhiễm HIV. Giảm 15 kí, từ bỏ mọi đặc điểm liên quan đến đàn ông, khuôn mặt luôn được chăm chút quá tay và rẻ tiền: trắng bệt, má hồng, môi đỏ…, Rayon của Jared Leto thật đúng như lời Ron Woodroof miêu tả: “con búp bê lỗi của thượng đế”. Rayon gợi nhớ đến những kiếp sống về đêm với cơ thể bốc mùi ẩm mốc. Một tác phẩm điện ảnh xộc mùi ẩm mốc.
Nam diễn viên Jared Leto đón nhận tượng vàng đầu tiên trong sự nghiệp
Sự mộc mạc tựa chiếc cầu nối vững chắc giúp khán giả đến gần Ron Woodroof, để quan sát, để thấu hiểu và để yêu thương. Từ một kẻ ích kỷ ương ngạnh, Ron bước vào hành trình đi đòi quyền lợi cho nạn nhân đại dịch AIDS và lớp người anh từng ghê tởm. Có lẽ chính bản thân Ron cũng không ý thức được việc mình làm. Mọi thứ xảy đến tự nhiên. Tận cùng của điện ảnh vốn dĩ luôn cần sự tự nhiên giống vậy. Sau tất cả, Ron Woodroof vẫn nói: “Đôi khi anh thấy mình cố chống chọi cái chết mà không còn thời gian để sống”. Đỉnh cao của sự chân thật: phải tiếc nuối, phải vật vã, phải thèm thuồng được sống. Khi Ron Woodroof biết mình nhiễm HIV, đồng nghĩa với việc anh đã giã từ việc sống, mà sống ở đây không đơn giản là thở hay đi, đứng, ngồi... Dù cũng như những câu chuyện đời thường bên ngoài màn hình, AIDS chưa bao giờ đặt dấu chấm cho bất kỳ nỗ lực nào của số phận, song việc lần lượt vĩnh biệt những con người mang chung số phận đã ăn mòn lấy cơ thể Ron, nhanh hơn bất cứ loại vi rút nào.
Kết thúc hành trình chống lại tử thần của Ron Woodroof, đọng lại trên giác quan người xem là thứ dư vị tê tái của sự thật. Một cuộn phim tràn trề sự thật, thật như cái chết. Và cái hốc mắt u buồn trên cơ thể không chút sức sống kia sẽ còn mãi ám ảnh nước Mỹ về một giai đoạn tăm tối tột cùng.
Dallas Buyers Club dựa trên một câu chuyện có thật vào năm 1985, thời điểm đại dịch HIV/AIDS bùng nổ. Ron Woodroof chết năm 1992 (7 năm sau khi được chẩn đoán bị HIV dương tính) đã kịp cho nhà biên kịch Craig Borten phỏng vấn. Phim giành chiến thắng ở hai hạng mục quan trọng: Nam diễn viên chính xuất sắc cho Matthew McConaughey và Nam diễn viên phụ xuất sắc cho Jared Leto. |
Ngân Vi
Ảnh: Reuters
>> Ngắm sao Hollywood rạng rỡ trên thảm đỏ Oscar 2014
>> Oscar 2014: '12 years a slave' đoạt giải Phim hay nhất
>> Oscar 2014: Mỹ tăng cường an ninh cho lễ trao giải
>> Trước thềm Oscar: '12 years a slave' lại gom giải thưởng
>> Khám phá những thú vị trong đề cử Oscar 2014
Bình luận (0)