|
Trao đổi với Thanh Niên, đại diện nhiều trường THPT trên địa bàn Hà Nội cho rằng, với quy định mới trên của Bộ GD-ĐT, tỷ lệ HS đạt tốt nghiệp sẽ gần như tuyệt đối.
PGS Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh dự báo: năm nay sẽ có ít nhất… 99,9% HS đỗ tốt nghiệp.
Thầy Cương lý giải: từ 6 môn thi bắt buộc, giờ chỉ còn 2 môn bắt buộc và 2 môn tự chọn đã giảm rất nhiều áp lực đối với HS. Hơn nữa, nếu như các năm trước, HS thi 6 môn, mỗi môn phải đạt trung bình 5 điểm mới đỗ tốt nghiệp, thì năm nay, thậm chí mỗi môn thi chỉ cần 3 điểm, cộng với học lực lớp 12 đạt 7,0 điểm, chia đôi kết quả này là các em đã đủ điểm trung bình đỗ tốt nghiệp THPT.
Một học sinh Trường THPT Trần Hưng Đạo, quận Thanh Xuân, cho biết: “Trường em có đầu vào thấp nên mọi năm, việc chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT rất căng thẳng, phải thi thử mấy lần, nhưng năm nay chưa thấy có “động tĩnh” gì. Cô giáo chủ nhiệm chỉ khuyên nên chọn những môn thi trắc nghiệm, thời gian làm bài nhanh nhất để thi, chứ đừng chọn theo cảm tính”.
Ông Nguyễn Xuân Lâm, Phó hiệu trưởng Trường THPT Kim Liên, quận Đống Đa, cho hay: “Năm nay điểm thi tốt nghiệp và tỷ lệ tốt nghiệp chắc chắn sẽ cao hơn năm trước. Trường cũng sẽ không tổ chức thi thử vì quy chế thi như vậy đã rất nhẹ nhàng rồi, nhà trường không cần phải làm căng thẳng thêm nữa”.
Phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi, quận Ba Đình, ông Phạm Văn Hoan thông tin thêm: Việc tổ chức ôn thi năm nay cũng sẽ không phải làm căng thẳng như mọi năm, vì học sinh nào cũng chọn một khối thi đại học cho mình, 3 môn thi tốt nghiệp đã là 3 môn thi đại học.
“Do vậy, chẳng cần nhà trường tổ chức thì các em đã lo ôn thi từ rất lâu rồi, chỉ cần chọn 1 môn nữa đúng khả năng là chắc chắn đỗ”, ông Hoan phân tích.
Tuy nhiên, bên cạnh ghi nhận những tích cực từ giảm thiểu môn thi tốt nghiệp bắt buộc nói trên, đại diện một số trường cũng bày tỏ lo ngại về tâm lý “rã đám” trong học tập của HS, và cho biết đã có giải pháp để bảo đảm kỷ luật học đường, kết hợp với đổi mới cách thức giảng dạy để thu hút các em chú tâm học cả các môn không bắt buộc thi như trước.
Một giáo viên dạy sử của Trường THPT Trần Nhân Tông, quận Hai Bà Trưng, chia sẻ: “Cả trường chỉ có hơn 10 em chọn thi môn lịch sử nên đến giờ học môn này, HS vốn đã không mấy chú tâm giờ còn lơ là hơn nhiều. Để đỡ tẻ nhạt, vừa đảm bảo thu hút HS đến hết chương trình, tôi đã dành nhiều thời gian hơn kể những câu chuyện lịch sử cho các em nghe, thay vì bắt các em đọc chép những sự kiện, những số liệu la liệt để ôn thi như các năm trước”.
Ông Nguyễn Hữu Hoan, Trưởng phòng Giáo dục trung học (Sở GD-ĐT Hà Nội) khẳng định: Lâu nay Hà Nội đã có phần mềm quản lý tất cả các thông tin về điểm của HS, nên hoàn toàn phát hiện ra việc sửa chữa điểm tăng hoặc giảm một cách bất thường. Vì vậy, việc xét tốt nghiệp bằng kết quả học lực lớp 12 với trọng số 50% không phải là vấn đề đáng lo ngại phát sinh tiêu cực.
Cục trưởng Cục Khảo thí (Bộ GD-ĐT) Mai Văn Trinh cũng nêu quan điểm: “Nếu chỉ đánh giá qua kỳ thi thì nhiều em đặt cược cả “sinh mệnh” của mình vào một kỳ thi đó. Vì vậy, xét cả điểm học tập một quá trình kết hợp điểm thi là cách đánh giá công bằng với HS”.
Tuệ Nguyễn
>> Thi tốt nghiệp THPT 2014: Đề nghị xếp lịch sử là môn thi cuối
>> Nên thi tốt nghiệp THPT trong 2 ngày rưỡi
>> Thay đổi thi tốt nghiệp THPT: Theo xu hướng nghề nghiệp của học sinh
>> Thi tốt nghiệp THPT 2014: Dự kiến giảm thời gian thi văn, toán
Bình luận (0)