Nỗi khổ hộ khẩu của chàng trai được Chủ tịch nước công nhận quốc tịch

06/03/2014 07:10 GMT+7

Dù được Chủ tịch nước quyết định công nhận quốc tịch từ tháng 5.2012, nhưng sau nhiều lần đi lại cơ quan công quyền, đến nay công dân Nguyễn Trọng Nghĩa vẫn chưa nhập được hộ khẩu tại nơi mình sinh sống.

 Anh Nguyễn Trọng Nghĩa trình bày sự việc tại tòa soạn Báo Thanh Niên - Ảnh: Bùi Chiến
Anh Nguyễn Trọng Nghĩa trình bày sự việc tại tòa soạn Báo Thanh Niên - Ảnh: Bùi Chiến

Tuổi thơ trôi dạt

Anh Nghĩa kể, anh sinh ngày 14.7.1973, tại nhà bảo sanh Phát Diệm nằm trên đường Phát Diệm cũ (nay là đường Trần Đình Xu, P.Nguyễn Cư Trinh, Q.1, TP.HCM). Một năm sau khi chào đời, do phải đi làm ăn, mẹ anh (không rõ họ tên) đưa đến nhà số 115 Trần Đình Xu, gửi bà Trần Thị Trân - một phụ nữ gốc Huế - nhờ nuôi giữ. Một thời gian dài sau ngày 30.4.1975, do không thấy mẹ của Nghĩa đến đóng tiền và thăm con như lúc trước, trong khi kinh tế đang khó khăn, bà Trân phải rời TP.HCM và đưa Nghĩa về tá túc tại một nhà thờ ở ấp Bình Tiền 1, xã Đức Hòa Hạ, H.Đức Hòa, tỉnh Long An. Tại đây, Nghĩa được ông Bùi Văn Thông nhận làm con nuôi cho đến nay.

Khi Nghĩa lớn, ông Thông xin cho Nghĩa vào làm tại một cơ sở tại xã Đức Hòa Đông, cũng thuộc H.Đức Hòa, dù anh không có một thứ giấy tờ gì trong người. Từ năm 2003 đến nay, gia đình ông Thông xin cho Nghĩa làm bảo vệ tại Công ty giày Vĩnh Kim ở xã Nhựt Chánh, H.Bến Lức, tỉnh Long An. Thời gian trôi qua, Nghĩa vừa lo tìm lại cha mẹ vừa làm giấy tờ, hộ tịch cho mình.

Được nhập quốc tịch

Cuối năm 2010, Báo Thanh Niên có loạt bài phản ảnh về những người VN không quốc tịch, không giấy tờ tùy thân. Từ thông tin này, gia đình ông Thông đã gửi thư đến tòa soạn trình bày hoàn cảnh của Nghĩa và nhờ giúp đỡ. Báo Thanh Niên sau đó đã có công văn gửi Sở Tư pháp tỉnh Long An, đề nghị xem xét, giải quyết theo thẩm quyền và cơ quan này đã lập hồ sơ chuyển lên Bộ Tư pháp. Ngày 21.5.2012, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ký Quyết định số 667/QĐ-CTN công nhận quốc tịch VN đối với công dân Nguyễn Trọng Nghĩa.

Cuối năm 2012, ngay sau khi nhận được quyết định của Chủ tịch nước, UBND xã Đức Hòa Hạ cấp giấy khai sinh cho Nghĩa và hướng dẫn anh sang công an xã này làm thủ tục nhập khẩu vào hộ ông Bùi Văn Thông.

Phải tự đi xác minh hộ khẩu

Theo anh Nghĩa, quá trình tiến hành các thủ tục nhập hộ khẩu tại Công an xã Đức Hòa Hạ diễn ra quá khó khăn và nhiêu khê. Thậm chí, thay vì đi xác minh, cơ quan này còn giao luôn việc xác minh hộ khẩu để anh phải tự đi liên hệ những địa phương từng sinh sống ở TP.HCM, Long An xác minh. “Lần thứ nhất tôi đi xác minh vào đầu năm 2013, nhưng chờ đợi quá lâu không thấy kết quả trả lời nên cuối năm này tôi cùng cha nuôi đến Công an xã Đức Hòa Hạ xin làm thủ tục xác minh lại. Sau khi có kết quả xác minh lần thứ hai vào cuối năm 2013, tôi mang đến nộp cho Công an xã Đức Hòa Hạ nhằm hoàn tất thủ tục nhập khẩu thì nơi này từ chối nhận với lý do là “không đủ điều kiện”. Gặng hỏi thì họ nói do tôi không ở tại địa phương trong thời gian dài nên không nhập hộ khẩu được và yêu cầu tôi liên hệ với Công an xã Nhựt Chánh (H.Bến Lức, tỉnh Long An) nơi tôi đang làm việc để nhập vào địa phương này. Tôi đến Công an xã Nhựt Chánh trình bày như hướng dẫn của Công an xã Đức Hòa Hạ, nơi này giải thích Công ty Vĩnh Kim chỉ là nơi tôi tạm trú và làm việc nên không thể nhập khẩu vào đây và hướng dẫn tôi quay lại xã Đức Hòa Hạ. Trở lại Công an xã Đức Hòa Hạ thì họ quát nạt, kêu tôi về không tiếp nữa”, anh Nghĩa bức xúc.

Sáng 25.2, PV Thanh Niên đến liên hệ với Công an xã Đức Hòa Hạ để tìm hiểu vụ việc, nhưng ông Đinh Ngọc Năng, Phó công an xã, từ chối tiếp với lý do “chưa có ý kiến của Công an H.Đức Hòa”. Tại Công an H.Đức Hòa, khi nhận được nội dung vụ việc, ông Hồ Văn Phước, Trưởng công an huyện, đã gặp và trao đổi riêng với anh Nghĩa. “Ông Phước xem xét toàn bộ hồ sơ của tôi và hướng dẫn về làm thêm giấy xác nhận của Công ty giày Vĩnh Kim và của Công an xã Nhựt Chánh, sau đó mang hồ sơ trở lại gặp ông để được hướng dẫn tiếp các thủ tục nhập khẩu theo quy định”, anh Nghĩa kể lại.

Anh Nghĩa cho biết rất mong được nhập hộ khẩu vào hộ ông Bùi Văn Thông để làm các giấy tờ thiết yếu như CMND, bằng lái xe, ký hợp đồng lao động, bảo hiểm xã hội... Và điều ước lớn nhất của anh là để tìm lại được cha mẹ mình. 

Đăng ký hộ khẩu ở xã Đức Hòa Hạ

Theo ông Hoàng Kim Chiến, Phó cục trưởng Cục Công tác phía Nam - Bộ Tư pháp, căn cứ theo quy định hiện hành thì Công an xã Đức Hòa Hạ phải thực hiện đăng ký thường trú cho ông Nghĩa. Việc công an xã yêu cầu ông Nghĩa cung cấp các hồ sơ, giấy tờ cần thiết theo quy định là đúng, nhưng có thể cách hướng dẫn, giải thích đối với công dân chưa được rõ ràng dẫn đến khó khăn cho người dân khi thực hiện các thủ tục. Trong trường hợp này, nếu có văn bản chấp nhận cho nhập khẩu của người bảo lãnh, công an sẽ xác minh diện tích nhà có phù hợp hay không, nếu đầy đủ các điều kiện thì phải cho nhập khẩu. Nếu không đủ điều kiện cũng phải thông báo cụ thể cho người dân biết.

Còn theo thạc sĩ, luật sư Nguyễn Hiền Hà, Giám đốc Công ty luật Hiền Hà (TP.HCM), nếu ông Nghĩa cung cấp đầy đủ hồ sơ, có người bảo lãnh đủ điều kiện thì phải cho nhập hộ khẩu, nếu không đủ điều kiện thì công an xã phải trả lời bằng văn bản nêu lý do cụ thể.

Hải Nam

Bùi Chiến - Hoàng Tạo

>> Còn tư duy “hộ khẩu”, dân còn mệt
>> Tạm giam nguyên trưởng công an xã nhập hộ khẩu khống
>> Lách hộ khẩu để “chạy” trường

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.