(TNO) Một ngày sau khi tạp chí Economist công bố xếp hạng Singapore là thành phố đắt đỏ nhất thế giới, báo Straits Times cho rằng đó “không phải là một phản ánh chính xác”.
>> Singapore nhờ công ty 'săn đầu người' kéo 'Sing kiều' về nước
|
Bảng khảo sát xếp hạng do Ban tình báo kinh tế của tạp chí Economist (EIU) công bố hôm 4.3 xếp đảo quốc sư tử là thành phố đắt đỏ nhất trong số 140 thành phố thế giới năm 2014.
Đây là lần đầu tiên đảo quốc hơn 5 triệu dân được đưa lên đỉnh trong suốt 30 năm EIU thực hiện bảng xếp hạng này.
Xếp sau Singapore năm 2014 lần lượt là các thành phố Paris (Pháp), Oslo (Na Uy), Zurich (Thụy Sỹ), và Sydney (Úc).
Caracas (Venezuela), Geneva (Thụy Sỹ), Melbourne (Úc) và Tokyo (Nhật Bản) đồng xếp hạng 6.
Năm 2013, EIU xếp Singapore ở hạng 6, sau các thành phố Tokyo, Osaka (Nhật Bản), Sydney, Melbourne và Oslo.
Trong báo cáo xếp hạng mới nhất của mình, EIU nhận định: “Sự trội lên của Singapore về mức đắt đỏ là có tính ổn định chứ không phải đột biến”.
Trong vòng một thập niên qua, đồng SGD tăng giá khoảng 40% so với các đồng tiền khác, cộng với lạm phát tăng đều mỗi năm, đã đẩy Singapore thăng hạng từ vị trí thứ 18 cách đây 10 năm, EIU giải thích.
Cụ thể hơn, EIU nói họ so sánh giá của khoảng 160 hàng hóa và dịch vụ như áo quần, thực phẩm, điện nước, giá thuê nhà, trường học tư, chi phí đi lại tại các thành phố với mức chuẩn ở New York (Mỹ), và thấy Singapore đắt đỏ hơn hẳn.
Chẳng hạn chi phí đi lại ở Singapore đắt hơn 3 lần ở New York
Đặc biệt, do chính sách hạn chế ô tô cá nhân bằng cách đánh phí quyền mua xe và áp dụng nhiều loại thuế, Singapore là nơi mà chi phí đi xe hơi là đắt đỏ nhất thế giới.
Một xe Toyota Corolla Altis mới ở Singapore có giá đến 100.000 USD, trong khi chỉ khoảng 35.000 USD ở Malaysia, EIU lấy ví dụ.
“Không chính xác”
Các báo Singapore khi đưa lại thông tin xếp hạng này đều nói rằng EIU “đã bỏ qua một thực tế là phần lớn người dân Singapore đi lại bằng phương tiện công cộng” với giá khá hợp lý.
|
Còn giá áo quần thì có vẻ như khảo sát chỉ nhắm vào giá bán ở khu Orchard Road sang trọng vốn toàn nhập các nhãn hàng cao cấp từ châu u, theo Channel News Asia.
Tờ báo điện tử của Tập đoàn truyền hình quốc gia MediaCorp này cũng nói, về giá nhà cửa, khảo sát đã không để ý đến loại nhà chung cư nhà nước (HDB) vốn được trợ giá và có ưu đãi nhiều cho người thu nhập thấp, mà chỉ chú ý đến loại nhà chung cư cao cấp ở khu Orchard hay River Valley vốn phần lớn là người nước ngoài thuê ở.
Trong khi đó, tờ báo lớn nhất Singapore là Straits Times hôm 5.3 trích lời các chuyên gia kinh tế như giáo sư Tan Khee Giap nói rằng khảo sát của EIU “không phải là một phản ánh chính xác đời sống của một người Singapore trung bình”.
Giáo sư Tan cũng trích một khảo sát do Viện nghiên cứu cạnh tranh kinh tế tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, thuộc Đại học quốc gia Singapore, hồi năm 2013, cho thấy Singapore đắt đỏ nhất trong số 109 thành phố lớn trên thế giới đối với người nước ngoài, nhưng chỉ xếp thứ 60 đối với người dân bình thường.
Straits Times cũng trích lời nghị sĩ Calvin Cheng chuyên bình luận các vấn đề chính trị xã hội trong nước, nói rằng: “Khảo sát của EIU chỉ lấy dữ liệu từ người nước ngoài sống ở Singapore và chỉ đúng đối với đối tượng này”.
Các báo Singapore cũng nhắc nhở: “Phải lưu ý rằng khảo sát của EIU có mục tiêu là để giúp các công ty và các nhà quản lý nhân sự tính toán chế độ lương bổng cho người được cử ra nước ngoài công tác”.
Trong lúc thừa nhận giá ô tô và điện nước đắt đỏ, các báo Singapore cũng nhắc rằng giá phương tiện giao thông công cộng và thức ăn ở các khu bình dân ở đảo sư tử là “rẻ hơn ở hầu hết các thành phố phát triển khác”.
Thục Minh
(Văn phòng Singapore)
>> Triều Tiên gửi quan chức sang Singapore học kinh tế
>> Singapore sẽ đào tạo cán bộ quản lý kinh tế cho Quảng Ngãi
>> Hải quân Việt Nam - Singapore diễn tập cứu nạn
>> Chiến hạm Singapore đến Đà Nẵng
>> Việt Nam xếp thứ 10 về thị trường hàng không của Singapore
>> Singapore Airlines bay Airbus A330-300 đến TP.HCM
>> Thông điệp đầu năm của Thủ tướng Singapore
Bình luận (0)