Cấm rồi... không cấm

06/03/2014 02:17 GMT+7

Nếu theo dõi thông tin, sẽ không quá ngạc nhiên trước sự việc chỉ hơn một tháng thông báo tạm dừng tuyển sinh 207 ngành đào tạo bậc ĐH, CĐ, Bộ GD-ĐT đã cho phép 62 ngành được tiếp tục tuyển sinh ngay trong năm nay.

Nếu theo dõi thông tin, sẽ không quá ngạc nhiên trước sự việc chỉ hơn một tháng thông báo tạm dừng tuyển sinh 207 ngành đào tạo bậc ĐH, CĐ, Bộ GD-ĐT đã cho phép 62 ngành được tiếp tục tuyển sinh ngay trong năm nay.

Và 62 ngành được cho phép tuyển sinh trở lại cũng chỉ là những con số ban đầu!

Trả lời báo chí, ông Bùi Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ ĐH Bộ GD-ĐT, khẳng định một số ngành thuộc khối văn hóa - nghệ thuật và ngôn ngữ, Bộ áp dụng giải pháp linh hoạt các điều kiện đặc thù để đảm bảo đủ số giảng viên cơ hữu theo yêu cầu trong giai đoạn quá độ 2014 - 2017. Nghĩa là đối với các trường nghệ thuật, Bộ cho phép tính giảng viên cơ hữu với giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ đúng ngành đã nghỉ hưu, có hợp đồng dài hạn, làm việc toàn phần với cơ sở đào tạo. Chấp nhận các chuyên gia nước ngoài sang VN có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ giảng dạy dài hạn ngành ngôn ngữ.

Trao đổi với PV Thanh Niên trong chiều qua, Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định: “Những ngành được phép tuyển sinh lại do những điều kiện đặc thù, một số ngành do trường báo cáo trước đó chưa chính xác, một số ngành do đã bổ sung được đội ngũ giảng viên theo quy định…”.

Có giải pháp linh hoạt cho các ngành đặc thù, nghệ thuật là điều chấp nhận được vì phù hợp với điều kiện thực tế mà Báo Thanh Niên nhiều lần phản ảnh. Tuy nhiên, việc cho phép quá nhiều ngành được tuyển sinh trở lại (nhiều thông tin cho biết ngoài 62 ngành đã thông báo, những ngày tới sẽ còn thêm nhiều ngành nữa) với những lý do mà lãnh đạo Bộ đưa ra lại thiếu thuyết phục và đặt ra nhiều vấn đề.

Trong 62 ngành mà Bộ cho phép tiếp tục tuyển sinh năm 2014 tính đến ngày 4.3, chưa thấy ngành nào thuộc khối nghệ thuật, ngành đặc thù. Các ngành ngôn ngữ chiếm số lượng cũng không nhiều. Vậy các ngành còn lại thuộc trường hợp nào?

Trả lời Báo Thanh Niên vào đầu tháng 2 về việc các trường cho rằng trường bị dừng tuyển sinh là do Bộ có sự nhầm lẫn về số liệu báo cáo, Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định: “Không đúng như vậy. Việc rà soát của Bộ bắt đầu từ tháng 3.2013 và kết thúc vào tháng 7.2013. Đến tháng 12.2013, Bộ mới tiến hành xử lý. Trong thời gian này, Bộ đã gọi điện tới các trường có vấn đề và đề nghị bổ sung thông tin và kiểm tra lại báo cáo để tránh sai sót. Tuy nhiên, những trường có ngành thuộc diện bị dừng tuyển sinh không có báo cáo gì bổ sung. Bộ đã căn cứ vào báo cáo của các trường để xử lý. Nếu số liệu không chính xác thì các trường phải chịu trách nhiệm về báo cáo của mình”. Vậy đến nay, cho phép các ngành tuyển sinh trở lại nghĩa là Bộ mặc nhiên thừa nhận hoặc Bộ hoặc trường có sai sót về số liệu.

Còn nếu cho rằng do đã bổ sung được đội ngũ giảng viên theo đúng quy định nên được phép tuyển sinh lại thì càng khó thuyết phục. Chính lãnh đạo Bộ cho biết cũng mất cả năm cho việc rà soát, quyết định dừng tuyển sinh; trong đó từ tháng 7 đến trước khi ra quyết định vào tháng 12 Bộ đã yêu cầu các trường bổ sung đội ngũ giảng viên. Thế mà vẫn có 207 ngành bị dừng tuyển sinh. Ấy thế mà chỉ hơn một tháng kể từ khi Bộ công bố dừng tuyển sinh (ngày 25.1), chưa kể thời gian nghỉ tết, các trường có thể bổ sung đủ giảng viên theo quy định. Kể cũng lạ!

Điều này đã diễn ra nhiều lần trên thực tế mà điển hình là Thông tư 57 không cho phép các trường ĐH, học viện đào tạo trình độ TCCN. Thông tư này ban hành vào cuối năm 2011 và có hiệu lực từ năm 2012, được dư luận hết sức hoan nghênh. Thực tế lúc bấy giờ theo thống kê của Bộ, các trường TCCN chỉ đào tạo 40% học sinh bậc học này, còn lại 60% ở các trường ĐH. Điều này không chỉ vô lý mà còn không đúng với luật Giáo dục hiện hành khi luật quy định trường ĐH chỉ đào tạo bậc ĐH, CĐ, thạc sĩ, tiến sĩ. Ấy thế mà thông tư (này về sau được điều chỉnh để kéo dài thời gian thực hiện đến năm 2017.

Tạo dựng niềm tin đã khó. Nuôi dưỡng để niềm tin ấy phát triển bền vững e càng khó hơn. Thời gian gần đây, hình như Bộ đang cố gắng gây dựng niềm tin với người dân.

Thùy Ngân

>> Cho phép 62 ngành được tuyển sinh trở lại năm 2014
>> Dừng tuyển sinh 207 ngành đào tạo của 71 trường đại học

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.