Đổi mới sách giáo khoa: Không thể làm theo kiểu rề rà

08/03/2014 15:44 GMT+7

(TNO) Dự kiến đến năm 2022 sẽ hoàn thành lộ trình đổi mới chương trình - sách giáo khoa. Phó giáo sư Văn Như Cương lo lắng, thời gian đó có thể đến 2, thậm chí là 3 vị Bộ trưởng khác nhau của ngành giáo dục mà chưa thay xong một bộ sách giáo khoa.

(TNO) Dự kiến đến năm 2022 sẽ hoàn thành lộ trình đổi mới chương trình - sách giáo khoa. PGS Văn Như Cương lo lắng, thời gian đó có thể đến 2, thậm chí là 3 vị Bộ trưởng khác nhau của ngành giáo dục mà chưa thay xong một bộ sách giáo khoa.

>> ‘Tâm thư’ của thầy Văn Như Cương gửi cha mẹ học sinh
>> Sẽ có nhiều bộ sách giáo khoa
>> Nhật đưa quần đảo tranh chấp vào sách giáo khoa
>> Sách giáo khoa phải giàu tính ứng dụng
>> Đại tướng Võ Nguyên Giáp 'vắng mặt' trong sách giáo khoa - Kỳ 4: Lạc hậu trong quan điểm viết sách

Hội nghị tham vấn chuyên gia về chương trình - sách giáo khoa (SGK) phổ thông sau 2015 do Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức hôm nay (8.3) tại Hà Nội đã nhận được nhiều ý kiến tâm huyết. Các chuyên gia không giấu nổi sự sốt ruột khi mà những đòi hỏi về đổi mới giáo dục đã như “nước đến chân rồi”…

PGS Văn Như Cương nhận định: dù Bộ Giáo dục - Đào tạo đưa ra lộ trình là khoảng 2022 sẽ kết thúc đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông. Tuy nhiên, kinh nghiệm cho thấy thời gian đó sẽ phải kéo dài đến 2024. “Khoảng 10 năm để chúng ta làm thay đổi cơ bản và toàn diện nền giáo dục là một thời gian quá dài, khó chấp nhận được”, ông Cương nhận định.

 giáo sư văn như cương
Phó giáo sư Văn Như Cương tâm huyết với sự nghiệp giáo dục nước nhà - Ảnh: Nguyệt Minh

Thời gian đó có thể đến 2, thậm chí là 3 vị Bộ trưởng khác nhau của ngành giáo dục và có nghĩa là thay tướng tổng chỉ huy đến mấy lần. Ngay cả các vị lãnh đạo cấp cao hơn cũng đã thay đổi… Ngoài ra, tôi tin chắc rằng trong khoảng thời gian đó sẽ xảy ra một cuộc cách mạng lớn lao và ngoạn mục trong ngành giáo dục trên thế giới… Và nếu đó là sự thực thì chúng ta xử lý như thế nào khi cuộc cách mạng về giáo dục của ta chưa kịp hoàn thành?

Bởi vậy, ông Cương đề nghị: đẩy nhanh tiến độ công cuộc đổi mới này, một mặt chúng ta cần thận trọng, mặt khác không thể làm ăn theo kiểu rề rà, đến đâu hay đến đó. “Xã hội không thể chờ và đợi như thế”, ông Cương nói.

PGS Cương đề xuất: bỏ bớt những khâu rườm rà cứng nhắc không mang lại hiệu quả thiết thực mà chỉ kéo dài thời gian chờ đợi. Việc gì làm trước được thì cứ làm, không nhất thiết phải tuần tự. Chẳng hạn việc chọn người viết SGK. Tiêu chuẩn đã rõ ràng. Cứ chọn đi, rồi phổ biến chủ trương đổi mới, thảo luận thống nhất quan điểm, cách thức…, sau đó bắt tay vào biên soạn, không cần phải chờ đợi sau khi ra được các văn bản… Việc tổ chức tham quan và tập huấn ở nước ngoài là không cần thiết và tốn kém, nếu cần tại sao lại không mời chuyên gia nước ngoài về tham gia tập huấn.

Về biên soạn SGK, PGS Cương tha thiết đề nghị hãy tổ chức “trại viết SGK”. Ông cho rằng, trại viết SGK sẽ khiến tác giả làm việc tập trung toàn bộ thời gian và suy nghĩ cho việc viết SGK, tách ra khỏi cơ sở làm việc cũ. Trước đây công việc kéo dài vì các tác giả đều vẫn làm việc chính tại đơn vị công tác của mình, việc viết SGK chỉ là tranh thủ, nghĩa là dùng “tay trái” để viết SGK.

PGS Cương dự trù rằng sau khi chương trình các bộ môn từ lớp 1 đến lớp 12 (thử nghiệm) đã được thẩm định lần 1 thì công việc biên soạn SGK tập trung ở “trại” chỉ cần 6 tháng là nhiều nhất. Ví dụ, môn toán lớp 10 có 105 tiết học. Nếu mời 3 tác giả cùng viết thì mỗi tác giả viết chính 35 tiết, nếu mỗi tiết viết hết 1 ngày thì cũng chỉ hơn 1 tháng rưỡi là xong, tính thêm cả thảo luận, làm việc nhóm… thì cũng chỉ cần 3 tháng là hoàn thành.

PGS Cương đề nghị nên cương quyết thay sách đồng loạt ngay lập tức từ lớp 1 đến lớp 12 chứ không nên thay SGK theo kiểu “cuốn chiếu”: năm nay lớp 1, lớp 6 và lớp 10; sang năm lớp 2 , 7, 11… Vì như vậy thì phải đúng 5 năm “chiếu mới cuốn xong”.

Hãy hình dung tình trạng sau đây ở các trường tiểu học: giả sử năm nay thay sách lớp 1 theo kiểu cuốn chiếu thì học sinh lớp 2 vẫn học chương trình cũ và 3 năm nữa (lớp 3; lớp 4; lớp 5) họ vẫn học theo chương trình cũ, còn học sinh lớp dưới học chương trình mới. Hai kiểu đào tạo cũ và mới cùng tồn tại trong một trường tiểu học như vậy trong 5 năm trời là không ổn tí nào về mặt tâm lý, tổ chức giảng dạy và nhiều vấn đề khác. Và rồi sau đó học sinh lớp 5 cũ phải lên học lớp 6 mới ở trường THCS lại nảy ra rất nhiều vấn đề về điều chỉnh, thêm bớt chương trình lớp 6 mới. Đó là chỉ nói đến trường tiểu học mà chưa bàn đến trường có hai hoặc ba cấp học.

"Nếu thay sách đồng thời cùng một lúc thì lộ trình thực hiện chỉ mất 1 năm thay vì 5 năm theo kiểu cuốn chiếu", PGS Cương kết luận.

Dự thảo "Đề án xây dựng chương trình và sách giáo khoa phổ thông sau 2015" mà Bộ Giáo dục - Đào tạo xây dựng được chia làm hai giai đoạn. Trong đó, năm 2014-2015 sẽ hoàn thành cơ sở khoa học cũng như chuẩn bị các nguồn lực xây dựng, biên soạn và thẩm định chương trình và sách giáo khoa. Chương trình tổng thể, chương trình môn học được xây dựng song song với việc biên soạn sách giáo khoa thử nghiệm các lớp 1, lớp 6 và lớp 10. Giai đoạn 2016-2022, đề án đặt nhiệm vụ hoàn thành việc thử nghiệm và ban hành chương trình, sách giáo khoa mới và tiếp tục biên soạn sách giáo khoa thử nghiệm các môn học 9 lớp còn lại; hoàn thành việc thử nghiệm và đánh giá chương trình, sách giáo khoa; tập huấn giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới phù hợp với điều kiện từng địa phương, nhà trường.

Tuệ Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.