Minh bạch hoạt động điều tra

08/03/2014 02:55 GMT+7

Gần đây có một số trường hợp giam giữ, truy tố, xét xử án hình sự có “vấn đề”. Biểu hiện có “vấn đề” thời gian qua đều xuất phát từ việc ép cung, dùng nhục hình với các đối tượng để họ phải nhận tội. Chỉ khi sự thật bất ngờ xuất hiện ngoài quá trình điều tra thì tính chất oan sai mới được nhìn nhận.

Điển hình mới nhất là vụ 7 người ở Sóc Trăng thoát án tạm giam khi hung thủ giết người đầu thú, hay vụ Nguyễn Thanh Chấn ồn ào dư luận thời gian qua. Hay vụ quan tài diễu phố ở Vĩnh Phúc đã bị hủy án sơ thẩm vì có nhiều bút lục của điều tra viên bị tẩy xóa, sửa nội dung, nhiều biên bản liên quan đến vụ án không phải do điều tra viên lập, nhiều bản tự khai của bị cáo được chép ra từ biên bản lấy lời khai mà điều tra viên thực hiện...

Bối cảnh hệ thống luật pháp hình sự nước ta ngày càng hoàn chỉnh, quy định về trình tự, thủ tục, cách thức xử lý người vi phạm đầy đủ và trên hết là chủ trương chống oan sai từ các cấp lãnh đạo được xã hội đề cao. Vậy tại sao án oan vẫn xuất hiện nhiều là vấn đề đáng suy ngẫm.

Quyền con người, quyền công dân, quyền của một nghi can được quy định từ Hiến pháp đến các văn bản dưới luật. Tuy nhiên, những quy định đó phải có chế tài, giám sát thì mới đảm bảo được thực thi nghiêm chỉnh. Cụ thể, quyền luật sư có mặt lúc nghi can bị lấy lời khai từ khi bị tạm giữ không được tôn trọng trong hầu hết các vụ án. Trong thực tế, cơ quan điều tra vẫn có khoảng thời gian làm việc trực tiếp với nghi can một cách riêng lẻ. Cũng trong khoảng thời gian này, các chứng cứ sẽ được làm rõ theo quy định để trở thành công cụ chống lại sự phản cung của nghi can nhằm đảm bảo sự thật của vụ án.

Bên cạnh đó, thực trạng nghi can vừa bị bắt giữ hôm trước, thì hôm sau đột tử hay bị... bầm dập cũng diễn ra trong một số nghi án. Nhiều chuyên gia đã đề xuất phải giám sát quá trình bắt giữ, điều tra bằng việc ghi hình, nhưng bao năm qua vẫn không có chứng cứ nào được đưa ra để chứng minh việc đột tử hay bầm dập không phải do điều tra viên.

Một con người dù đang ở hoàn cảnh nào, đang mang tư cách nào cũng đều được luật pháp ban cho các “quyền” nhất định. Ngay cả tử tù vẫn có quyền được xin ân xá... Vì vậy, nếu các lời khai của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo mà không có mặt của luật sư đều không được xem có giá trị chứng cứ, nếu cơ quan điều tra tạo điều kiện để luật sư có mặt từ khi nghi can bị bắt, nếu việc điều tra đều được ghi hình..., có nghĩa minh bạch mọi hoạt động điều tra, thì chắc chắn sẽ loại trừ tối đa sự oan sai. Bởi lúc đó việc buộc tội phải dựa trên chứng cứ vật chất hữu hình, việc quy chụp, sai lệch sự thật chắc chắn giảm thiểu.

LS Nguyễn Thành Công
(Đoàn luật sư TP.HCM)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.