Phải có một sức chịu đựng và tình yêu thật lớn thì bà Thí mới có thể vượt qua được nghịch cảnh, chăm lo cho chồng con suốt nhiều năm qua - Ảnh: Nguyễn Phúc |
Cực từ khi mới đẻ
Bà là Nguyễn Thị Thí (66 tuổi, trú làng Lệ Xuyên, xã Triệu Trạch, H.Triệu Phong, Quảng Trị).
Người ta bảo, cái số bà cực từ khi mới đẻ ra. Bởi ở cái làng Lệ Xuyên này, ai cũng quen gọi bà là “bà Động” chứ không mấy khi gọi bà bằng tên thật, có người còn chẳng biết. “Mạ tui có thai đã cận ngày nhưng vẫn phải lên động (đồi cát sát làng - PV) để cày cuốc nên chẳng may đẻ rớt tui trên đó. Sau này cả làng, cả tổng đều gọi tôi vậy”, bà Thí kể.
Lớn lên, bà kết duyên cùng ông Lê Thái (nay đã 70 tuổi). Họ lần lượt có 3 mặt con, 2 trai, 1 gái. Dù sống cơ hàn nhưng đây là khoảng thời gian được coi là êm đềm nhất của gia đình này.
Giả dụ nếu thời gian cứ thế trôi êm ả thì giờ này chắc bà Thí và chồng đã an hưởng tuổi già. Nhưng “sét đánh ngang tai” vào một ngày cuối năm 2007, cậu con trai út Nguyễn Mậu Thành (sinh năm 1984, lúc đó đang là SV năm nhất Khoa Giáo dục thể chất, ĐH Huế) gặp tai nạn trên đường đi chơi tết. Thành ngã xuống, chấn thương cột sống cổ và nằm một chỗ cho đến tận giờ. “Bao nhiều bò, heo, gà, vịt chúng tôi bán tống bán tháo hết nhưng cũng chỉ giữ được cái mạng cho nó. Còn suốt 7 năm qua, nó nằm một chỗ, ai đút thì ăn, ai hứng thì đái...”, vuốt những nếp nhăn trên mặt, bà Thí thở dài.
Xót xa hơn, cách đây 2 năm ông Thái bị tai biến mạch máu não, sau 2 tháng nằm viện cũng chỉ ngồi một cục trên xe lăn. Hai đứa con lớn của ông bà, đứa Sài Gòn đứa Hà Nội và cũng chẳng khấm khá gì để giúp đỡ cha mẹ, em trai. Nên việc lo cái ăn, cái mặc, cái ngủ cho 2 người đàn ông trong nhà đều đổ lên đôi vai gầy của bà Thí.
Nhật ký người đàn bà “trời hành”
Giữa nghịch cảnh éo le, bà vẫn gượng cười và tự trào rằng “nhờ chăm chồng, chăm con mà giờ “chuyên môn” của bà ngang tầm... bác sĩ trị liệu”. Cũng phải, nếu không “tự trào” thì nghị lực nào cho bà sống tiếp, sức mạnh nào để hằng ngày phải thấy người thân cứ dần héo hon...
Bà kể lúc ông Thái còn khỏe, việc nâng đỡ và tắm rửa cho đứa con “sống như cây cỏ” do ông cáng đáng. Những buổi chiều mát, bà vẫn bảo ông bồng Thành lên xe lăn và đẩy một vòng quanh xóm để hưởng chút khí trời, gặp người này người nọ... Nhưng từ dạo ông quỵ xuống, mọi sinh hoạt của cả ba người chỉ có thể gói gọn trong gian nhà mấy chục mét vuông.
Sáng, 5 giờ hơn, bà phải dậy nhóm lửa thổi cơm. Chừng đến gần 7 giờ thì đã nghe Thành ở nhà trên kêu “mạ ơi mạ”, bà lật đật đưa bàn chải, nước lên đánh răng cho anh. Nếu Thành đang nằm nghiêng thì bà trở ngửa và ngược lại. Rồi bà Thí liên hồi xoa bóp, co duỗi chân tay cho anh. Đoạn bà vừa chuyện trò vừa đút từng muỗng cháo sáng cho Thành xong thì cũng nghe thấy tiếng cựa mình của ông Thái phía trong buồng.
Ông Thái dù “khá” hơn Thành nhưng nhất cử nhất động của ông đều cần sự “trợ giúp”. Vậy là “kịch bản” lặp lại: bà Thí lại lau mặt mũi, xoa bóp chân tay rồi đưa cơm cho chồng ăn... “Nhiều lúc bóp chân tay cho chồng con xong tay tôi cũng mỏi nhừ, tê dại. Nhưng không làm thì biết ai làm cho bây giờ”, bà Thí nói.
Vậy nên, dù dậy sớm nhưng bữa sáng của bà lão khốn khổ ấy bắt đầu tầm 10 giờ trưa, khi mặt trời đã lên cao...
Buổi chiều là thời gian chủ yếu bà Thí dành cho “công tác” vệ sinh. Nếu bà không nhọc công rửa ráy, thuốc mỡ hằng ngày thì chắc những vết loét sau lưng Thành do nằm trên giường quá lâu chắc đã ăn vào tận xương. Rồi bà lau rửa, thay bịch tiểu, đổ bô... Có chút thời gian nào rảnh ra, bà lại xoa bóp và trò chuyện với Thành.
Cả ngày hầu như bà không ngủ, còn ban đêm bà chỉ chợp mắt được “vài chặng ngắn” vì cứ 2 đến 3 tiếng bà lại lật đật dậy trở người cho Thành, khi nghe một vài tiếng rên ư ử. Nhìn cái cách bà thoăn thoắt chăm chồng chăm con, chợt nghĩ thanh niên trai tráng đôi khi cũng không cáng đáng nổi. Nếu thuê người giúp việc, có khi người ta cũng chả dám nhận.
Tin rằng, đó chỉ có thể là tình yêu!
Nguyễn Phúc
Bình luận (0)