Chưa đồng nhất để Việt kiều kinh doanh bất động sản

10/03/2014 14:25 GMT+7

(TNO) Thảo luận tại phiên họp Thường vụ Quốc hội sáng nay (10.3) về dự luật Kinh doanh bất động sản (BĐS) sửa đổi vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau xoay quanh quy định mở rộng phạm vi hoạt động kinh doanh BĐS cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài (gọi tắt là Việt kiều).

>> Mua nhà chung cư theo Luật kinh doanh BĐS: Người mua vẫn thiệt
>> Dự thảo Luật Kinh doanh BĐS: Môi giới BĐS phải có chứng chỉ hành nghề
>> Tháo' hết điều kiện để Việt kiều sở hữu BĐS

Trình dự luật Kinh doanh BĐS sửa đổi tại phiên họp Thường vụ Quốc hội (TVQH) sáng nay, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho hay một trong những nội dung mới của dự Luật sửa đổi lần này là mở rộng phạm vi hoạt động kinh doanh BĐS cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài, Việt kiều.

Theo đó, Điều 8 của dự Luật quy định Việt kiều được kinh doanh BĐS như tổ chức, cá nhân trong nước, với 6 hình thức, như Đầu tư xây dựng nhà, công trình xây dựng để bán, cho thuê, cho thuê mua; Mua nhà, công trình xây dựng để bán, cho thuê, cho thuê mua; Thuê nhà, công trình xây dựng để cho thuê lại; Đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật trên đất thuê để cho thuê lại đất đã có hạ tầng kỹ thuật; Đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật trên đất được giao, đất nhận chuyển nhượng, đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp để chuyển nhượng, cho thuê đất đã có hạ tầng kỹ thuật; Thuê quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật để cho thuê lại.

 

 Cho phép Việt kiều kinh doanh BĐS gây nhiều băn khoăn
Cho phép Việt kiều kinh doanh BĐS như cá nhân trong nước gây nhiều băn khoăn - Ảnh: Ngọc Thắng

Còn tổ chức, cá nhân nước ngoài được kinh doanh BĐS theo 4 hình thức như Đầu tư xây dựng nhà, công trình xây dựng để bán, cho thuê, cho thuê mua; Thuê nhà, công trình xây dựng để cho thuê lại; Đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật trên đất thuê để cho thuê lại đất đã có hạ tầng kỹ thuật; Thuê quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật để cho thuê lại.

Theo ông Trịnh Đình Dũng, dự Luật chưa mở rộng cho tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua nhà, công trình xây dựng để bán, cho thuê, cho thuê mua và đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật trên đất được giao, đất nhận chuyển nhượng, đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp để chuyển nhượng, cho thuê đất đã có hạ tầng kỹ thuật “vì luật Đất đai 2013 chưa cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất”.

Quy định đáng chú ý khác là tại Điều 14 của dự Luật sửa đổi cho phép Việt kiều được mua, nhận chuyển nhượng, thuê, thuê mua các loại BĐS của các doanh nghiệp kinh doanh BĐS; tổ chức, cá nhân nước ngoài được thuê các loại BĐS và được mua, thuê mua nhà, công trình xây dựng của các doanh nghiệp kinh doanh BĐS để làm trụ sở, văn phòng làm việc, để sản xuất, kinh doanh.

Theo Bộ trưởng, đa số ý kiến nhất trí với việc mở rộng phạm vi được phép kinh doanh BĐS cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài như dự thảo Luật (sửa đổi). Tuy nhiên, có một số ý kiến đề nghị cần mở rộng hơn nữa, cụ thể là đề nghị cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được kinh doanh BĐS như tổ chức, cá nhân trong nước.

Về nội dung trên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho hay, qua thẩm tra, có ý kiến tán thành với quy định của dự luật. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị quy định theo hướng tách riêng 2 đối tượng: Việt kiều có quốc tịch Việt Nam và Việt kiều định cư ở nước ngoài không có quốc tịch Việt Nam (người gốc Việt Nam).

Thường trực Ủy ban Kinh tế tán thành quy định của dự Luật sửa đổi về các hình thức mà tổ chức, cá nhân nước ngoài được kinh doanh BĐS như đã nêu. Ngoài ra, cơ quan thẩm tra cũng đề nghị không cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư kinh doanh BĐS đối với khu vực nhạy cảm về quốc phòng, an ninh.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng, không nên cho phép Việt kiều và người nước ngoài kinh doanh BĐS như các tổ chức, cá nhân ở trong nước vì cần có lộ trình phù hợp để mở rộng theo hướng này.

Băn khoăn về quy định này, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội (VPQH) Nguyễn Hạnh Phúc đặt vấn đề: Luật mở rộng đối tượng Việt kiều, tổ chức, cá nhân nước ngoài được kinh doanh BĐS, vậy có điều kiện gì để kiểm soát được những tiêu cực sẽ phát sinh? “Thực tế đã có những trường hợp đeo mác Việt kiều về làm kinh doanh này kia, xong biến mất, để lại hậu quả chúng ta phải xử lý”, ông Phúc cảnh báo.

Ủng hộ mở rộng, nhưng ông Phúc cho rằng phải làm rõ được biện pháp, điều kiện kiểm soát được các đối tượng Việt kiều, tổ chức cá nhân nước ngoài kinh doanh BĐS ở Việt Nam, “còn nếu chưa kiểm soát được thì chưa nên cho phép mở rộng, nhất là khi chúng ta cho phép mua bán BĐS hình thành trong tương lai, ông Việt kiều này mà cầm tiền (tiền khách hàng nộp – pv) xong không biết đi đâu, về đâu thì rất nguy”.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Trần Văn Hằng thì đề nghị cho phép Việt kiều được kinh doanh BĐS như tổ chức, cá nhân trong nước vì trong Điều 6 của dự Luật kinh doanh BĐS sửa đổi đã có quy định “khóa” rồi, đó là những loại nhà, công trình không được đưa vào kinh doanh. “Việc gì không mở thêm quyền cho Việt kiều được kinh doanh như tổ chức cá nhân trong nước”, ông Hằng “phản biện”.

Hơn nữa, theo Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, mặc dù luật này đã quy định mở theo hướng cho phép Việt kiều kinh doanh BĐS như tổ chức, cá nhân trong nước, nhưng còn nhiều vướng mắc do các luật khác liên quan đến đối tượng này chưa có hướng dẫn cụ thể thực hiện.

Liên quan đến đề nghị của cơ quan thẩm tra không cho phép Việt kiều, tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh BĐS ở “khu vực nhạy cảm với quốc phòng, an ninh”, Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đồng tình về quan điểm, nhưng cho rằng “như thế là quá rộng, mở nhưng lại thành khó cho người kinh doanh”, nên ông Sơn đề nghị sửa thành quy định “cấm hoạt động kinh doanh BĐS trên đất quốc phòng, an ninh”.

Bảo Cầm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.