Vụ máy bay Malaysia mất tích: Khoảng 34 máy bay, 40 tàu của các nước vào tìm kiếm

10/03/2014 12:18 GMT+7

(TNO) "Chúng tôi đã cấp phép cho Malaysia, Mỹ, Singapore, Trung Quốc vào Việt Nam, khoảng 34 máy bay và 40 tàu các loại", Thứ trưởng Bộ GTVT nói trong buổi họp báo tối nay tại Phú Quốc.

(TNO)  "Chúng tôi đã cấp phép cho Malaysia, Mỹ, Singapore, Trung Quốc vào Việt Nam, khoảng 34 máy bay và 40 tàu các loại", Thứ trưởng Bộ GTVT nói trong buổi họp báo tối nay tại Phú Quốc. 

>> Toàn cảnh vụ máy bay Malaysia mất tích 

[19 giờ 30] Buổi họp báo tại Phú Quốc kết thúc.

[19 giờ 20] Thông tin từ buổi họp báo: Trong ngày mai, vùng tìm kiếm tiếp tục được mở rộng thêm 20.000 km2, chia làm 2 khu vực tìm kiếm. Hai tàu bay AN26 sẽ bay từ Tân Sơn Nhất ra phía đông nam Cà Mau cách đất liền khoảng 45 km, diện tích tìm kiếm 15.000 km2, 2 tàu Mi và thủy phi cơ DHC6 sẽ tìm kiếm tại khu vực rộng 5.000 km2, cách Phú Quốc 30 km. Ở vùng biển máy bay mất tích nghi có mảnh vỡ kim loại cũng sẽ được điều máy bay ra rà soát lại.

[19 giờ 10] Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu đã đến nơi họp báo, trong vòng vây của các phóng viên.

Ông Phạm Quý Tiêu cho biết đài kiểm soát không lưu sẽ là Sở chỉ huy tìm kiếm cứu nạn. 8 tàu, 2 tàu cảnh sát biển đã tìm kiếm các khu vực nghi ngờ. Nhưng vẫn chưa có tín hiệu gì tích cực. Ngày mai lúc 8 giờ chúng tôi sẽ có cuộc họp cung cấp thông tin và dự tính triển khai một số công việc tiếp theo.

Phạm Quý Tiêu  2
Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu trả lời báo chí - Ảnh: Trung Hiếu

Phạm Quý Tiêu 2
Thứ trưởng Bộ GTVT tại buổi họp báo - Ảnh: Tiến Trình

Thiếu tướng Lê Minh Thành 2
Thiếu tướng Lê Minh Thành - Phó tư lệnh Hải quân - tại buổi họp báo

Ông Phạm Quý Tiêu cũng cho biết VN vẫn tiếp tục tìm kiếm cho đến khi có thể khẳng định các thông tin về máy bay mất tích

"Chúng tôi đã cấp phép cho Malaysia, Mỹ, Singapore, Trung Quốc vào Việt Nam, khoảng 34 máy bay và 40 tàu các loại", ông Tiêu nói.

[19 giờ 7] Máy bay của Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu đã hạ cánh tại Phú Quốc sau chuyến tìm kiếm chiều nay.

họp về Phú Quốc  1

họp về Phú Quốc  2
Trên chuyến bay 171 - 02 xuất phát từ Phú Quốc vào chiều 10.3 đi tìm kiếm máy bay
Malaysia mất tích - Ảnh do đoàn đi cung cấp

[19 giờ] Cục Hàng không VN cho biết ngày mai (11.3), sẽ 4-5 chiếc máy bay tham gia tìm kiếm cứu nạn chiếc máy bay bị mất tích.

Theo đó, Quân chủng Phòng không không quân sẽ có 2 chiếc AN26, 1 chiếc trực thăng và 1 chiếc thủy phi cơ DHC 6 triển khai bay tìm kiếm.

Tổng công ty Trực thăng Bộ Quốc phòng sẽ có 1 chiếc máy bay MI + 01 SUPER (sẵn sàng tham gia khi có lệnh).

Vị trí cất cánh của các máy bay tìm kiếm dự kiến từ Vũng Tàu; Tân Sơn Nhất; Cần Thơ; Cà Mau; Năm Căn.

Khu vực bay tìm kiếm gồm các khu vực khả nghi ở các tọa độ:  08o02’00’’ N  -  105000’00’’ E;  08o50’00’’ N  - 106000’00’’ E;  07o00’00’’ N  - 106000’00’’ E; 07o00’ 00’’N  - 105000’00’’ E; 10o20’00’’ N  - 103040’00’’ E; 09o30’00’’ N  - 103040’00’’ E và  09o30’ 00’’N  - 103000’00’’ E.

[19 giờ] Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã lên kế hoạch tìm kiếm máy bay mất tích trong ngày mai.

Theo đó, các phương tiện tàu sẽ tham gia tìm kiếm xuất phát từ phía Nam vĩ độ 8 và chia thành 2 tổ. Tổ 1 sẽ tìm kiếm từ phía nam vĩ độ 8 đến khu vực đã tìm kiếm ngày 8.3. Tổ 2 tìm kiếm phía đông khu vực tìm kiếm ngày 9.3, mở đều sang 2 phía đường bay từ điểm IGARI đến sân bay Tân Sơn Nhất.

Lực lượng không quân sẽ tiến hành tìm kiếm trong phạm vi từ phía Nam đảo Thổ Chu đến vĩ độ 7 và mở rộng ra hai phía đông đường bay đến kinh độ 16 đồng thời tiến hành rà soát khu vực đông nam Vũng Tàu, cách mũi Ô Cấp 32 hải lí.

[19 giờ] Ông Lê Văn Chiến, Giám đốc Cảng vụ Vũng Tàu, cho biết ngay khi nhận được tin báo mảnh vỡ, một tàu container của Thái Lan trong hành trình từ Nam - Bắc đã được yêu cầu hỗ trợ tìm kiếm từ 17 giờ 30 đến 18 giờ, nhưng không thấy những mảnh vỡ. Cảng vụ Vũng Tàu nghi ngờ đó có thể là mảnh xốp, hoặc ni lông do ngư dân đánh bắt tại khu vực này để lại.

Ông Chiến cho biết, vị trí tọa độ mảnh vỡ kim loại do máy bay Hồng Kông báo về được xác định cách đảo Thổ Chu 250 hải lý, cách vùng biển nghi máy bay mất tích hơn 500 km về phía Tây Nam. Ông Chiến khẳng định tới thời điểm này vẫn chưa tìm thấy bất kỳ mảnh vỡ kim loại nào tại khu vực này. 

[18 giờ 30] Gần 100 phóng viên trong nước và quốc tế đã tập trung về đài kiểm soát không lưu sân bay Phú Quốc (Kiên Giang), nơi sắp diễn ra cuộc họp báo. Nhiều đoàn phóng viên Trung Quốc đã có mặt.

san bay Phu quoc
Trước giờ họp báo

họp về Phú Quốc  3
Nhiều phóng viên trong và ngoài nước tụ họp về Phú Quốc theo dõi
thông tin sự kiện - Ảnh: Tiến Trình

Thiếu tướng Lê Minh Thành 5

Thiếu tướng Lê Minh Thành 6
Chiếc trực thăng Mi 171 tìm kiếm máy bay mất tích về sân bay Phú Quốc lúc 18 giờ

Mẫu dầu lấy từ vệt dầu loang không phải là loại dùng cho máy bay 

[18 giờ 5] Phát ngôn viên Cơ quan Thi hành Hàng hải Malaysia thông báo mẫu dầu lấy từ vệt dầu loang ngoài khơi Malaysia không phải là từ máy bay bị mất tích bí ẩn của hãng hàng không Malaysia Airlines.

“Dầu này không phải là loại dùng cho máy bay”, Phát ngôn viên Cơ quan Thi hành Hàng hải Malaysia Faridah Shuib cho biết, đồng thời khẳng định đây là dầu cho tàu thuyền.

Vết dầu loang được phát hiện cách bờ biển phía đông của Malaysia khoảng 185 km về hướng bắc và phía nam của địa điểm nơi bộ phận không lưu mất liên lạc với máy bay.

Phát hiện một số mảnh kim loại lớn?

[17 giờ 15]: Thanh Niên Online liên lạc với ông Phạm Hiển, Giám đốc Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 3 (Vungtau MRCC). Ông Hiển cho biết trung tâm chưa nhận được thông tin này.

"Mấy ngày nay trung tâm có nhận được một số thông tin về máy bay nhưng khi xác minh đều không đúng", ông Hiển nói.

Sở chỉ huy Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đề xuất Bộ Quốc phòng điều tàu của Hải quân vùng 2 hoặc Bộ đội biên phòng Vũng Tàu đến tọa độ 0,9 độ 54 phút 30 giây vĩ độ bắc và 107 độ 25 phút 00 kinh độ đông xác minh khu vực đang phát hiện có nhiều mảnh kim loại lớn do phía Hồng Kông thông báo.

Vị trí trên cách mũi Ô Cốc, Bà Rịa Vũng Tàu 32 hải lý.

Ông Đoàn Hữu Gia, Phó tổng giám đốc Tổng công ty quản lý bay cho biết tính đến hôm nay, vùng tìm kiếm đã mở rộng 450km2 X 280km2 so với hôm qua. Hiện VN có 7 tàu, 6 máy bay, Malaysia có 2 máy bay, Singapore có 1 máy bay đang tham gia tìm kiếm.

Tối nay tiếp tục duy trì lực lượng tìm kiếm của hải quân, hàng hải, cảnh sát biển. Dự kiến ngày mai lực lượng quản lý này cũng tiếp tục được duy trì. Tàu của Malaysia đang xin cấp phép để ngày mai vào vùng biển Việt Nam tìm kiếm.

[17 giờ 8] Tin mới nhất mà Thanh Niên Online có được, một máy bay trên đường hàng không L642 đã báo cáo với Trung tâm Kiểm soát đường dài Hồng Kông rằng đã nhìn thấy một số mảnh kim loại lớn trên mặt biển xung quanh tọa độ 09043’N-107025’E.

[16 giờ 48] Reuters cho biết trực thăng cứu hộ Việt Nam đã trục vớt một vật thể được cho là xuồng cứu sinh, nhưng cho rằng nó không phải là xuồng cứu sinh của máy bay mất tích.

[16 giờ 44] Thủ tướng Malaysia, ông Datuk Seri Najib Razak đã quyết định hủy chuyến thăm Cộng hòa Mauritius vào ngày mai 11.3 để tập trung vào công tác tìm kiếm và cứu hộ máy bay mất tích, theo The Malaysian Insider.

Malaysia nhận diện được 1 hành khách dùng hộ chiếu ăn cắp

Tàu Trung Quốc chỉ đi trong vùng biển có giới hạn

Bộ Quốc phòng đã cấp phép cho hai tàu của Trung Quốc vào tìm máy bay Malaysia mất tích nhưng các phương tiện này chỉ được di chuyển trong vùng biển có giới hạn

Trao đổi với báo chí chiều 10.3, trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, cho biết Bộ Quốc phòng đã cấp phép cho hai tàu Trung Quốc gồm tàu đổ độ Tỉnh Cương Sơn 999 và tàu hộ vệ Miên Dương 528. Đây là những loại tàu được trang bị nhiều thiết bị hiện đại. Khi hai tàu này vào vùng biển nước ta, các phương tiện Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với tàu Trung Quốc để cùng tham gia tìm kiếm.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Thanh Niên Online về địa bàn hoạt động của tàu Trung Quốc trên vùng biển nước ta, ông Võ Văn Tuấn cho biết các tàu này chỉ di chuyển trong vùng biển giới hạn. Cụ thể là khu vực đã được đánh dấu, khoanh vùng vị trí máy bay Malaysia mất tín hiệu liên lạc.

 

[16 giờ 40] Malaysia đã xác định được danh tính của một trong hai hành khách dùng hộ chiếu châu u ăn cắp ở Thái Lan. Người này không phải là người Malaysia, cảnh sát Malaysia khẳng định.

Cảnh sát trưởng Khalid Abu Bakar cho biết người đàn ông này không phải là người Malaysia.

Nhà chức trách đã nhận diện được người này thông qua camera an ninh của sân bay Kualar Lumpur.

“Đó là tất cả những gì chúng tôi có thể tiết lộ. Chúng tôi vẫn đang xác minh xem họ (hai hành khách dùng hộ chiếu ăn cắp) lên máy bay một cách hợp pháp hay bất hợp pháp”, ông Khalid nói với AFP.

Cũng vào ngày 10.3, Bộ Nội vụ Malaysia cho biết hai hành khách dùng hộ chiếu châu u bị đánh cắp để lên chuyến bay MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines có “đặc điểm gương mặt của người châu Á”.

Đã có hai hành khách sử dụng hộ chiếu của một người Ý và một người Áo. Người chủ thật sự của hai hộ chiếu không có mặt trên chuyến bay.

Phát hiện nhiều mảnh vỡ chưa xác định trên biển Vũng Tàu?

[16 giờ 30] Nguồn tin từ Sở chỉ huy hàng không cho biết lúc 16 giờ 30 chiều nay, Cơ quan không lưu Hồng Kông thông báo có một máy bay của hãng Hồng Kông nhìn thấy rất nhiều mảnh vỡ chưa xác định, trên khu vực viển cách Vũng Tàu 60 km về phía Đông Nam. Việc này đang được xác minh.

Trên vùng biển này có rất nhiều tàu ngư dân đang hoạt động. Cơ quan chức năng đang đề nghị các tàu xung quanh xác minh lại thông tin này. Vị trí phát hiện cách điểm chuyển giao vùng FIR là 500 km.

Đại diện Cảng vụ Vũng Tàu cho biết đã tiếp nhận thông tin và đang cho tiến hành xác minh khẩn trương.

Máy bay cảnh sát biển Việt Nam tham gia tìm kiếm máy bay mất tích

[16 giờ] Hai máy bay tuần thám hải quân Casa 212 mang số hiệu 8981, 8982 của Cảnh sát biển Việt Nam tại Hà Nội đã hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) để tham gia tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích.

Vào lúc 16 giờ, hai máy bay chuyên dụng tìm kiếm trên biển hiện đại hàng đầu tại Việt Nam đã hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất, sẵn sàng tham gia tìm kiếm cứu nạn trên vùng biển nghi ngờ máy bay Malaysia mất tích.

Chiếc Casa 8982 do phi đội trưởng, thượng tá Nguyễn Hoài Thủy chỉ huy đã hạ cánh trước, khoảng 5 phút sau thì Lữ đoàn trưởng, đại tá Lê Kiêm Toàn cũng đã chỉ huy chiếc Casa 8981 hạ cánh.

Theo đại tá Lê Kiêm Toàn, Casa 212 có thể bay ở độ cao 50 m, trên máy bay được trang bị các thiết bị hiện đại hỗ trợ tốt cho việc tìm kiếm, có thể phát hiện vật lạ dưới mực nước ở độ sâu tùy vào độ phản quang của vật lạ, theo dõi mục tiêu bất kể ngày đêm.

Hai chiếc máy bay tuần thám này hiện đã đỗ tại Tân Sơn Nhất, sẵn sàng chờ lệnh xuất phát tham gia tìm kiếm cứu nạn.

Máy bay tuần thám hiện đại của Cảnh sát biển tham gia tìm kiếm 1
Máy bay tuần thám hải quân Casa 212 mang số hiệu 8982 hạ cánh tại sân bay Tân Sân Nhất 

Máy bay tuần thám hiện đại của Cảnh sát biển tham gia tìm kiếm 3
Phi đội trưởng, thượng tá Nguyễn Hoài Thủy chỉ huy máy bay Casa 212 - 8982

[15 giờ 46] AFP cho biết Malaysia ngày 10.3 đã triển khai tàu ra điều tra những vật thể giống xuồng cứu sinh.

[15 giờ 45] Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng thúc giục Chính phủ Malaysia tăng cường tìm kiếm và điều tra vụ máy bay của hãng hàng không Malaysia Airlines mất tích bí ẩn.

Trực thăng và thủy phi cơ cùng xuất phát tìm kiếm

 

 

 

[15 giờ 45] Trực thăng số hiệu 8431 của Trung đoàn không quân 917, Sư đoàn 370 được điều từ sân bay Cần Thơ, đáp xuống sân bay Cà Mau.

 

Tăng cường máy bát và lực lượng thành lập trạm tiền phương không quân
Trực thăng số hiệu 8431 vừa được tăng cường đáp xuống sân Cà Mau

Chuyến bay chở theo lực lượng không quân của Trung đoàn để chuẩn bị thành lập Sở chỉ huy tiền phương không quân tại Cà Mau, phục vụ công tác tìm kiếm

[15 giờ] Tại sân bay Phú Quốc, chiếc trực thăng Mi 171 và thủy phi cơ DHC6 cùng xuất phát ra biển tiếp tục tìm kiếm máy bay của hãng hàng không Malaysia bị mất tích.

Chiếc thủy phi cơ xuất phát trước, sau đó trực thăng cũng bay lên hướng ra vịnh Thái Lan - nơi lực lượng không quân, hải quân Việt Nam tìm kiếm máy bay mất tích mấy ngày nay.

Thủy phi cơ và trực thăng cùng tiến ra đường băng
Thủy phi cơ và trực thăng cùng tiến ra đường băng


Thủy phi cơ DHC-6 cất cánh trước tại sân bay Phú Quốc - Ảnh: Tiến Trình

Tiếp đến là trực thăng
Tiếp đến là trực thăng

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Phạm Quý Tiêu cũng có mặt trên chiếc thủy phi cơ. Trước đó, vào buổi sáng, ông Tiêu từ Cà Mau đi thị sát ở vùng biển được cho là máy bay mất tích, bằng máy bay trực thăng. (xem thêm thông tin)

[14 giờ 45]: Các máy bay của Việt Nam đã cất cánh, lên đường ra khu vực phát hiện vật thể lạ nghi là xuống cứu sinh.

Tại sân bay Tân Sơn Nhất, hai máy bay AN 26 số hiệu 261 và 286 đã lần lượt cất cánh. PV Độc Lập có mặt trên máy bay số hiệu 261 để ra khu vực tìm kiếm nói trên.

Video: Ngày tìm kiếm đầu tiên của thủy phi cơ DH - C6

Phát hiện vật thể giống xuồng cứu sinh

[13 giờ 40]: Theo thông tin từ Sở chỉ huy Trung tâm cứu nạn hàng không, trưa nay 10.3, máy bay C130 của Singapore đã phát hiện một thể giống xuồng cứu sinh tại tại tọa độ 08 độ 16 phút 05 và 102 độ 51 phút 11. Phía Singapore đã thông báo cho Malaysia. Malaysia đã yêu cầu Việt Nam cử các tàu, máy bay ra tìm kiếm vật thể này.


Ảnh vật thể lạ màu cam nghi là xuồng cứu sinh - Ảnh: Ủy ban Quốc gia
tìm kiếm cứu nạn cung cấp

Vị trí vật thể nghi là xuồng cứu sinh ở vị trí cách đảo Thổ Chu 140 km về hướng Tây Nam. Sở chỉ huy cho biết, Trung tâm khu vực 3 điều 2 tàu hải quân đến vị trí trên, dự kiến 16 giờ 30 sẽ tiếp cận được điểm này. Tàu SAR 1 cũng đang trên đường tới vị trí trên.

Vật thể nghi là xuồng cứu sinh được phát hiện màu xám sọc đỏ và xanh nước biển (màu logo của Malaysia).

Trên máy bay Boeing 777 có khoảng 8 life raft (máng trượt khẩn cấp của máy bay ở cửa thoát hiểm).


Ảnh vị trí máy bay phát hiện vật nghi xuồng cứu sinh - Ảnh: M.Hà

[13 giờ 02] Tổng giám đốc Cục Hàng không Dân dụng Malaysia, ông Azharuddin Abdul Rahman, cho rằng số phận chiếc máy bay mất tích của hãng Malaysia Airlines vẫn là một “bí ẩn”. Ông Rahman cho biết các quan chức Malaysia vẫn chưa thể loại trừ khả năng không tặc cướp máy bay, đây có thể là nguyên nhân máy bay mất tích.

Phát hiện thêm vật thể lạ màu da cam ở khu vực nghi máy bay mất tích

Khoảng 10 giờ sáng nay 10.3, thủy phi cơ đã phát hiện thêm vật thể lạ mới. Các phương tiện đang tìm cách trục vớt vật thể này.

Trưa nay 10.3, thông tin từ Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn Việt Nam cho biết vật thể lạ được thủy phi cơ Việt Nam phát hiện ở vị trị cách đảo Thổ Chu (Kiên Giang) khoảng 177 km về phía Tây Nam.

Nhìn từ máy bay tuần thám, vật thể lạ có màu da cam và không có lỗ tròn như vật thể lạ từng phát hiện trong chiều ngày 9.3.

Đội tìm kiếm trên máy bay hiện chưa thể xác định chính xác kích thước của vật thể mới được phát hiện này.

Ngay sau tiếp nhận thông tin, Sở chỉ huy tại Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn điều động các phương tiện di chuyển về tọa độ có vật thể lạ mới được phát hiện để trục vớt.


Sở chỉ huy Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn liên tục cập nhật thông tin từ các đội tìm kiếm máy bay đang mất tích - Ảnh: P.Hậu

Cũng theo thông tin từ Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, sáng nay 10.3 có tất cả 4 máy bay, trong đó có 3 máy bay AN26, 1 trực thăng MIG 171 và 1 thủy phi cơ, 7 tàu biển các loại đang tìm kiếm trên vùng biển được đánh dấu khoanh vùng khả nghi máy bay mất tích.

Ghi nhận của phóng viên Thanh Niên Online, trong ngày thứ 3 Việt Nam tham gia tìm kiếm máy bay mất tích của Malaysia, Văn phòng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn có thêm nhiều phóng viên nước ngoài của các hãng thông tấn Trung Quốc, Nhật Bản... túc trực cập nhật tin tức. (Lê Quân - Phan Hậu)

[12 giờ 39] Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc ngày 10.3 lên tiếng chỉ trích chính quyền Malaysia và hãng hàng không Malaysia Airlines đã lẩn trốn trách nhiệm trong vụ máy bay mất tích.

[11 giờ 9] Chính quyền Malayisa dự kiến sẽ hoàn tất phân tích phòng thí nghiệm mẫu dầu được lấy từ vết dầu loang trên biển được cho là từ máy bay mất tích.

4 máy bay và 7 tàu Việt Nam đang tiếp tục tìm kiếm

[10 giờ 52] Hãng tin AP cho hay 4 máy bay và 7 tàu Việt Nam đang tiếp tục tìm kiếm nhưng vẫn chưa thể tìm lại được vật thể phát hiện vào hôm qua được cho là cửa thoát hiểm của máy bay mất tích. 

[10 giờ 51] Bộ Nội vụ Malaysia cho biết 2 hành khách dùng hộ chiếu châu u bị đánh cắp để lên chuyến bay MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines có “đặc điểm khuôn mặt của người châu Á”.

[10 giờ 45] Khoảng 227 người thân gia đình, bạn bè của những hành khách trên máy bay mất tích, đã từ Bắc Kinh đến sân bay quốc tế Kuala Lumpur (Malaysia) để đợi chờ tin tức từ các hoạt động tìm kiếm và cứu hộ.

[10 giờ 45] Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ cho biết chiếc thủy phi cơ DHC6 đã chở theo đội thợ lặn dày dạn kinh nghiệm tiếp tục cất cánh ra khu vực biển nghi có chiếc máy bay của Maylaysia mất tích.

Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ yêu cầu cố gắng vớt được vật thể nghi là mảng ô cửa thoát hiểm máy bay.

Thông tin từ Trung tâm tìm kiếm cứu nạn hàng không cho biết sẽ mở rộng khu vực tìm kiếm sang hướng Đông Bắc (so với vị trí tìm kiếm ngày 8.3). Dự kiến khu vực tìm kiếm sẽ rộng khoảng 10.000 km2, và sát hơn về phía mũi Cà Mau. Việc lựa chọn mở rộng khu vực tìm kiếm là do việc tìm kiếm ở khu vực cũ chưa mang lại hiệu quả.

Vùng mở rộng tìm kiếm trong ngày 10.3 màu cam
Vùng mở rộng tìm kiếm trong ngày 10.3 (ô màu cam) - Ảnh: Mai Hà

[10 giờ 30] Việt Nam điều thêm 2 máy bay tuần thám biển tìm kiếm. Hai máy bay tuần thám biển CASA 212 đang trên đường bay từ Hà Nội đến sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) để ứng trực tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích.

Trao đổi với Thanh Niên Online sáng nay 10.3, trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó tổng tham mưu trưởng Quận đội nhân dân Việt Nam, cho biết lúc 9 giờ 45 phút, hai máy bay CASA 212 của Cảnh sát biển Việt Nam đã cất cánh từ sân bay Gia Lâm (Hà Nội) vào tập kết tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Máy bay CASA 212 là loại chuyên dụng, bay tuần thám biển. Hai máy bay được điều động tăng cường này sẽ ứng trực, sẵn sàng nhận nhiệm vụ tìm kiếm máy bay Malaysia đang mất tích.

Cục Hàng không VN cho biết kế hoạch bay tìm kiếm, cứu nạn

[9 giờ] Cục Hàng không VN cho biết kế hoạch bay tìm kiếm, cứu nạn (TKCN) máy bay MAS370 ngày 10.3 như sau:

Máy bay tham gia hoạt động TKCN của Quân chủng Phòng không không quân sẽ gồm có 2 chiếc AN26 triển khai bay tìm kiếm cùng với 1 chiếc trực thăng và chiếc DHC 6; Tổng công ty Trực thăng - Bộ Quốc phòng có 1 máy bay MI + 01 SUPER sẵn sàng tham gia khi có lệnh.

Các máy bay dự kiến cất cánh từ các sân bay: Vũng Tàu, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ, Cà Mau, Năm Căn đến khu vực tìm kiếm. Máy bay TKCN sẽ bay ở độ cao bay tầm thấp và tầm trung.

Tình hình khí tượng trên đường bay sẽ được cung cấp trước chuyến bay và trong quá trình bay. Hiện nay tình hình khí tượng khu vực tìm kiếm đang bình thường. 


Lực lượng cứu hộ của Việt Nam đang dò tìm tung tích chiếc máy bay bị mất tích bí ẩn của hãng hàng không Malaysia Airlines - Ảnh: Trung Hiếu 

Mỹ đang xem xét các hình ảnh từ vệ tinh do thám

[8 giờ 53] Một nguồn tin chính phủ Mỹ cho Reuters biết Mỹ đang xem xét các hình ảnh từ vệ tinh do thám của nước này để xem có khả năng máy bay mất tích bị nổ hay không, tuy vẫn chưa thể đưa kết luận nhưng không thể loại trừ khả năng máy bay mất tích bị nổ.

Thành lập Sở chỉ huy phòng không không quân tiền phương tại Cà Mau

[8 giờ 45] Ủy ban Tìm kiếm cứu nạn quốc gia vừa quyết định thành lập Sở chỉ huy phòng không không quân tiền phương tại Cà Mau, để điều phối các hoạt động bay, tìm kiếm, hỗ trợ các phương tiện khác để ứng cứu chiếc máy bay mất tích của Malaysia.

Lập sở chỉ huy không quân ở Cà Mau tìm máy bay đang mất tích
Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ nghe báo cáo công tác tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích - Ảnh: P.Hậu

Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân VN, cho biết sẽ phối hợp và tạo điều kiện tối đa cho các phương tiện, lực lượng của nước ngoài tham gia tìm kiếm ứng cứu chiếc máy bay Malaysia mất tích. Đồng thời, các lực lượng của VN cũng phải đảm bảo tuyệt đối an toàn, chủ quyền của VN trên không phận và lãnh hải. (xem thêm thông tin)

Malaysia điều tra khả năng máy bay mất tích vì bị khủng bố

[8 giờ 40] Chính quyền Malaysia đang điều tra khả năng máy bay mất tích của hãng Malaysia Airlines vì bị khủng bố. Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã cử một nhóm đến Malaysia để hỗ trợ điều tra. Nhưng các quan chức Mỹ nhấn mạnh vẫn chưa có bằng chứng cho thấy máy bay mất tích do bị khủng bố.

[8 giờ 34] AFP cho hay cảnh sát Thái Lan đang điều tra một đường dây tội phạm chuyên đánh cắp hộ chiếu (passport) sau khi xuất hiện thông tin có ít nhất 2 hành khách sử dụng hộ chiếu đánh cắp từ Thái Lan để lên chuyến bay mất tích. (xem thêm thông tin)

[8 giờ 29] Úc gửi thêm một máy bay trinh sát đến hỗ trợ công tác tìm kiếm và cứu hộ máy bay mất tích. Trước đó, Úc đã điều động một máy bay trinh sát AP-3C Orion đến hỗi trợ vào ngày 9.3.

[8 giờ 23] Bộ Ngoại giao Malaysia ra một thông cáo, theo đó hoan nghênh sự trợ giúp từ các quốc gia khác (trong đó có Việt Nam) và các tổ chức quốc tế trong công tác tìm kiếm và cứu hộ máy bay mất tích.

[8 giờ 20] Chiếc AN26-286 cũng đã rời Tân Sơn Nhất bay ra vị trí tìm kiếm.

40 tàu và 34 máy bay tham gia tìm kiếm

[8 giờ 16] Reuters cho hay có tổng cộng 40 tàu và 34 máy bay từ các nước, trong đó có Việt Nam, tiếp tục công tác tìm kiếm máy bay mất tích của hãng Malaysia Airlines trong ngày 10.3. Hai tàu trinh sát của Úc cũng sắp tham gia công tác tìm kiếm cứu hộ.

[8 giờ] Sáng sớm nay, Quân chủng phòng không - Không quân lên phương án tìm kiếm ngày 10.3. Dự kiến hôm nay, lữ đoàn không quân 918 sẽ thực hiện 3 lần chuyến tham gia tìm kiếm.

Lúc 8 giờ AN26-261 do cơ trưởng Vũ Đức Long chỉ huy đã cất cánh.

Rất đông các phóng viên VN và quốc tế tham gia đưa tin tìm kiếm. 

Đội tìm kiếm không quân ở Tân Sơn Nhất cất cánh 2
Ảnh: Độc Lập

Pháp ngỏ ý muốn hỗ trợ Malaysia và Việt Nam

[7 giờ 50] Ban tai nạn hàng không Pháp, cơ quan chỉ huy cuộc điều tra vụ máy bay mất tích bí ẩn tại Đại Tây Dương hồi năm 2009, đã ngỏ ý muốn hỗ trợ Malaysia và Việt Nam trong việc tìm kiếm chiếc máy bay của hãng hàng không Malaysia Airlines. (xem thêm thông tin)

“Chúng tôi đã liên lạc với chính quyền Malaysia và Việt Nam để cho biết chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ công tác tìm kiếm dưới biển hay thu hồi xác máy bay”, Reuters ngày 10.3 dẫn lời một phát ngôn viên của Cơ quan Điều tra Tai nạn hàng không Pháp (BEA) cho hay.

Được biết, Ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ cũng đã tuyên bố sẵn sàng giúp đỡ việc tìm kiếm chiếc máy bay Boeing 777 của hãng Malaysia Airlines, bị mất tích bí ẩn từ hôm 8.3 đến nay.

[7 giờ] Sáng 10.3, tại sân bay Cà Mau, trực thăng Mi171 mang số hiệu 02 của Trung đoàn 917 sẽ bay từ Cà Mau đến Phú Quốc (Kiên Giang) để đón Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Phạm Quý Tiêu, sau đó sẽ tiếp tục làm nhiệm vụ tìm kiếm, quan sát. Đến chiều cùng ngày sẽ bay về Cà Mau.


Thủy phi cơ DHC-6 (ngoài) và trực thăng MI171-02 túc trực tại sân bay Phú Quốc
- Ảnh: Tiến Trình

Còn chiếc trực thăng Mi171 mang số hiệu 04 của Trung đoàn 917 sẽ tiếp tục bay từ Cà Mau đến khu vực nghi máy bay Malaysia bị mất tích hôm 8.3.

[4 giờ 30 sáng 10.3] Theo ghi nhận của phóng viên, các cán bộ của Trung đoàn 917 đã bổ sung nhiên liệu, dụng cụ cần thiết cho công tác cứu nạn, cứu hộ trên vùng biển Tây Nam. Tại đây, có hàng chục PV của các cơ quan thông tấn báo chí đi trên 2 chiếc máy bay trên nhằm thông tin nhanh về hành trình tìm kiếm này.

Trung Hiếu - Khải Đơn - Mai Hà - Duy Phúc
- Hoàng Uy - Tiến Trình - Thành Trung
thực hiện

>> Thứ trưởng Bộ GTVT tiếp cận vùng nghi máy bay Malaysia mất tích
>> Máy bay Malaysia mất tích: Hai hành khách dùng hộ chiếu ăn cắp 'có gương mặt châu Á
>> Vụ máy bay Malaysia mất tích: Phóng viên quốc tế đổ về Phú Quốc
>> Máy bay Malaysia mất tích: Lập Sở chỉ huy không quân tiền phương tại Cà Mau
>> Vụ máy bay Malaysia mất tích: Máy bay VN rời Tân Sơn Nhất đi tìm kiếm
>> Diễn đàn mạng Trung Quốc: Vụ máy bay mất tích là 'hành động trả thù

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.