Với giá trị dinh dưỡng rất cao, bào ngư (còn gọi là ốc cửu khổng vì có 9 lỗ trên vỏ, hoặc hải nhĩ vì giống cái tai) là loại ốc quý hiếm và chỉ tìm thấy ở một số vùng biển sâu ở Việt Nam. Để bắt bào ngư, người ta phải lặn xuống biển sâu và nạy bào ngư khi chúng đang bám chặt vào các tảng đá. Do có giá trị kinh tế lớn, bào ngư đang dần bị tận diệt.
|
Tuy nhiên, loài đặc sản này đã được nuôi sinh sản thành công ở huyện đảo Bạch Long Vĩ, TP.Hải Phòng, trong một dự án trị giá hơn 7,5 tỉ đồng từ nguồn vốn của Bộ NN-PTNT, được triển khai từ năm 2012 bởi Viện nghiên cứu hải sản và Tổng đội thanh niên xung phong Hải Phòng. Tại đây, hiện có khoảng 2.000 bào ngư bố mẹ (tỷ lệ 1/4) nuôi trong các bể nước biển, sau khi giao phối vào mùa thu, bào ngư nở từ trứng được nuôi trong các sọt nhựa ngâm trong nước với thức ăn là tảo biển.
Theo ông Đỗ Thanh An, chuyên viên của Viện nghiên cứu hải sản, từ khi nở đến lúc thành bào ngư trưởng thành mất 2 năm. Đây là một quy trình khá phức tạp khi phải đảm bảo nhiệt độ nước, cung cấp không khí…, và cũng là lý do tại sao đến nay bào ngư mới được nuôi sinh sản thành công và là đặc sản quý hiếm. Ngay tại Bạch Long Vĩ, giá một kg bào ngư loại tốt có thể lên đến 1 triệu đồng.
Còn theo ông Nguyễn Công Diễn, Tổng đội trưởng Tổng đội thanh niên xung phong Hải Phòng, đây là mô hình nuôi sinh sản bào ngư đầu tiên tại Việt Nam. Đây cũng là một dự án trình diễn, tiến tới nhân rộng việc nuôi bào ngư trong cộng đồng. Từ trung tâm này, dự kiến mỗi năm sẽ cung cấp khoảng 1 triệu con giống cho các cơ sở khác.
Cũng theo ông Diễn, việc sản xuất giống bào ngư tại Bạch Long Vĩ có thể là một hoạt động kinh tế mũi nhọn của huyện đảo này trong tương lai.
Kỳ Văn
>> Bào ngư Bạch Long Vĩ
>> Đặc sản biển bào ngư
Bình luận (0)