Khó có thể đưa ra lời giải thích hợp lý nào cho tình trạng hàng lậu vẫn thản nhiên vượt sông, suối, băng qua đường mòn, lối mở dọc các tuyến biên giới ngay trước mắt nhiều lực lượng chức năng như hải quan, quản lý thị trường ...
Không chỉ bến Quang Kim, Na Mo và hàng trăm lối mở dọc tuyến biên giới dài 200 km của Lào Cai tấp nập cảnh buôn lậu “trên bến dưới thuyền”. Dọc tuyến biên giới Quảng Trị, Tây Ninh..., hàng trăm xe máy vẫn ngày đêm cõng hàng lậu vượt qua nhiều chốt gác của biên phòng, hải quan, quản lý thị trường. Dù người dân, báo chí đã nhiều lần phản ánh, nhưng câu trả lời của các lực lượng có trách nhiệm vẫn là không biết, không có, hoặc biết nhưng... khó xử lý do lực lượng mỏng, rồi người dân lợi dụng chính sách giao thương cho cư dân biên giới để buôn lậu.
Thực tế, tình trạng lợi dụng chính sách cho cư dân dọc biên giới để buôn lậu khá phổ biến, nhưng số lượng này không thấm tháp vào đâu so với những đầu nậu buôn lậu với quy mô lớn, tổ chức thành đường dây, xây dựng cả bến bãi. Như câu chuyện bến Quang Kim (Lào Cai), dù khẳng định đây là lối mở bất hợp pháp, nhưng không hiểu vì lý do gì các lực lượng chức năng Lào Cai vẫn để bến buôn lậu quy mô lớn này tồn tại nhiều năm nay. Thậm chí, đến mức gần như “xẻ núi mở đường” chỉ để buôn lậu mà vai trò cơ quan chức năng ở đâu thì chẳng thấy. Có lẽ đây là lý do tại kỳ họp QH vừa diễn ra, ĐB Trần Du Lịch đã thẳng thắn nêu vấn đề: Phải chăng vẫn tồn tại tiêu cực trong nội bộ, lực lượng phòng chống buôn lậu?
Bên cạnh câu chuyện tiêu cực của lực lượng phòng chống, nguyên nhân trực tiếp khác khiến các giải pháp, yêu cầu ngăn ngừa, phòng chống hàng lậu trở nên yếu ớt còn là do quy định, chế tài xử phạt quá nhẹ. Khi mà giá trị thu được lớn hơn cái giá phải trả, buôn lậu hàng chục tấn hàng giá trị vài tỉ đồng chỉ bị xử lý vài chục triệu đồng, không bị truy tố trách nhiệm hình sự (nếu không buôn lậu hàng cấm), thì vẫn rất khó để ngăn chặn buôn lậu. Điều này có khác gì đang “mở đường” cho... buôn lậu.
Tuy nhiên, đầu năm nay, Chính phủ đã có công điện yêu cầu Ban Chỉ đạo 127 trung ương, bộ ngành, các tỉnh tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Công điện cũng đưa ra các biện pháp kiên quyết như cách chức, điều chuyển, loại ra khỏi ngành với các cá nhân có biểu hiện tiếp tay, làm ngơ để buôn lậu diễn ra. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 185 về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, từ 1.1.2014, cá nhân buôn bán hàng giả, hàng cấm sẽ bị phạt tối đa 200 triệu đồng, tổ chức bị phạt 400 triệu đồng.
Với những biện pháp trên, các địa phương sẽ khó lấy lý do chế tài chưa đủ mạnh, khó xử phạt để bao biện cho tình trạng để hàng lậu, hàng giả tung hoành trên địa bàn mình. Nhưng để những biện pháp trên thực sự hiệu quả, vẫn cần sự giám sát của Chính phủ với việc thực hiện của các địa phương vùng biên, tránh tình cảnh chỉ làm cho qua, mặc buôn lậu vô tư tiếp diễn.
Mai Hà
>> Truy tố đường dây buôn lậu xăng dầu cực lớn ở miền Trung
>> Đi buôn lậu hàng trăm ký vàng vì... 'hoàn cảnh nghèo
>> Bảo kê, làm ngơ cho buôn lậu
Bình luận (0)