'Kỳ án trộm dê' được HĐND tỉnh giám sát !

24/03/2014 09:10 GMT+7

Ngày 23.3, một nguồn tin của Thanh Niên cho biết Ban Pháp chế HĐND tỉnh Bình Thuận đã tổ chức giám sát lại toàn bộ vụ án Trần Thị Kim Nguyệt bị truy tố tội trộm cắp tài sản (còn gọi “Kỳ án trộm dê”) mà TAND H.Bắc Bình vừa tuyên phạt bị cáo 24 tháng tù giam.

'Kỳ án trộm dê' được HĐND tỉnh giám sát !

Bị cáo “nằm ngửa” trước vành móng ngựa nhưng Tòa vẫn làm việc

Hiện nay kết luận của Ban Pháp chế đang dự thảo để trình Thường trực HĐND tỉnh xem xét. Sở dĩ vụ án này được đưa vào chương trình giám sát của Ban Pháp chế là do dư luận và báo chí liên tục phản ánh có dấu hiệu oan sai cho bị cáo Nguyệt và bộc lộ nhiều sai phạm của các cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm. Đặc biệt là việc phiên sơ thẩm lần thứ 12, Tòa để bị cáo “nằm ngửa” trước vành móng ngựa nhưng vẫn xét xử. Hình ảnh trên đã gây phản cảm trong dư luận và tạo hình ảnh không tốt đến ngành tòa án.

 

Tòa án là cơ quan  thực hiện chức năng xét xử, làm nhiệm vụ của một trọng tài phân định giữa bên buộc tội và bên gỡ tội, song lại mang hồ sơ vụ việc tranh chấp dân sự của cơ quan mình lưu trữ (không thụ lý giải quyết) để cung cấp cho Cơ quan điều tra biến thành tài liệu điều tra vụ án hình sự, làm chứng cứ đề nghị HĐXX buộc tội, trực tiếp gây bất lợi và làm xấu đi tình trạng của bị can, bị cáo

Luật sư Phan Minh

Luật sư Phan Minh (Đoàn Luật sư TP.HCM), người bào chữa cho bị cáo Nguyệt cho biết ông đã có đơn kiến nghị gửi lãnh đạo Viện KSND tối cao, TAND tối cao, Bộ Công an, Ban Nội chính TƯ và Bộ Tư pháp trình bày những vi phạm tố tụng của cấp sơ thẩm, đồng thời đề nghị xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân có sai phạm trong vụ án này.

Luật sư Nguyễn Toàn Thiện (chủ nhiệm Đoàn luật sư Bình Thuận, người bào chữa cho bị cáo Nguyệt) cho biết đã có đơn kiến nghị gửi lãnh đạo Ban Nội chính Tỉnh ủy, Viện KSND và TAND tỉnh Bình Thuận nêu những sai phạm trong quá trình tố tụng vụ án này.

Những sai lầm “không chữa được”

Theo luật sư Phan Minh thì vụ án có những “sai lầm” không thể gỡ được. Trong đơn kiến nghị gửi các cấp, luật sư Phan Minh trình bày: Cơ quan CSĐT và Viện KSND huyện đã cố tình tạo hai quyết định tố tụng giả (Quyết định xử lý vật chứng và Quyết định cho bảo lãnh) để đưa vào hồ sơ xét xử. Thư ký của Tòa Văn Hồng Lễ tự ý đưa hồ sơ gốc của vụ án cho bị hại, sau đó để bị hại đem thế chấp ngân hàng và sang tên đổi chủ khiến Tòa phải xét xử bằng hồ sơ phô tô.

Việc thay đổi thư ký chậm so với đề nghị của các luật sư và khi thay đổi thì không thực hiện đúng quy định của luật. Việc Tòa cho kiểm sát viên bổ sung cáo trạng “bằng miệng” là vi phạm tố tụng.

“Kỳ án trộm dê” kéo dài suốt 10 năm. Qua 12 lần xét xử mới xong phiên sơ thẩm với số tiền “thiệt hại” chỉ là 24 con dê (trị giá hơn 22 triệu đồng).

Một cán bộ của Viện KSND tỉnh Bình Thuận nói: “Chỉ tính riêng tiền lương nhà nước trả cho các cán bộ tham gia vụ án này suốt 10 năm qua đã lên đến hàng tỉ đồng. Trong khi thiệt hại của vụ án chỉ là 24 con dê mà 10 năm trời làm không xong”.

Quế Hà

>> Kỳ án' trộm dê vi phạm tố tụng
>> Kỳ án trộm dê' - bức ảnh lịch sử
>> Tuyên án vụ 'kỳ án trộm dê
>> Mất hồ sơ 'kỳ án trộm dê
>> Kỳ án trộm dê: Bị cáo nằm ngủ trước vành móng ngựa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.