|
Hoàng Tích Chu sinh ra trong một gia đình quan lại ở làng Phù Lưu, H.Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Được một Mạnh Thường Quân tài trợ, Hoàng Tích Chu và một người bạn sang Pháp học nghề báo. Sau 4 năm, họ trở về bán hết ruộng vườn để ra tờ Đông Tây tuần báo (ngày 15.11.1929, tại nhà 12 phố Nhà Thờ, Hà Nội) và áp dụng triệt để những cải tiến trên tờ báo của mình... Đông Tây tuần báo nhanh chóng trở thành tờ báo bán chạy nhất Bắc kỳ thời đó. Uy tín và tên tuổi Hoàng Tích Chu nổi như cồn. Năm 1930, ông tự ứng cử vào Viện Dân biểu và đã đắc cử với số phiếu cao nhất.
Mối tình với cô Phượng Hàng Ngang
Vào những năm 1920, Hà Nội có bốn người đẹp tuyệt trần, người đời xưng tụng là “Hà thành tứ mỹ nhân” gồm: cô Phượng Hàng Ngang, cô Síu Cột Cờ, cô Nga Hàng Gai và cô Bính Hàng Đẫy (người yêu trong mộng của thi sĩ Nguyễn Nhược Pháp).
Cô Phượng Hàng Ngang tên thật là Vương Thị Phượng, con gái cưng của một Hoa kiều tên Vương Toàn Thắng. Vào thời điểm Hoàng Tích Chu gặp cô Phượng thì cô đã có chồng và một con (chồng tên là A Đấu, con của Hoa kiều Phan Vạn Thành). Hằng ngày, cô Phượng ngồi bán tơ lụa cho cửa hàng nhà chồng ở phố Hàng Ngang, và con phố đó trở nên tấp nập những thanh niên qua lại chỉ để... ngắm cô Phượng. Nhà văn Vũ Ngọc Phan, trong cuốn hồi ký Những năm tháng ấy đã viết: “Cô Phượng người tầm thước, có đôi mắt bồ câu long lanh, với cặp mi cong, đôi lông mày xanh và dài, môi đỏ mọng đầy dục vọng, mũi dọc dừa thanh tú và đôi má lúm đồng tiền khi cười. Gò má cô cao, ửng hồng, làm cho khuôn mặt trái xoan của cô có sức quyến rũ, giống như nữ diễn viên điện ảnh Marlen Dietrich thời bấy giờ. Cô Phượng ăn mặc rất nền, khi thì chít khăn nhiễu tam giang, khi thì chít khăn nhung đen, đuôi gà vắt qua mái tóc. Cô hay mặc yếm hoa hiên, quần lĩnh tía cạp điều thắt lưng quan lục. Tất cả những màu sắc ấy ánh lên qua chiếc áo dài vải phin trắng may sát vào thân hình nở nang”.
|
Chồng của Phượng là một tay ăn chơi đàng điếm, tính tình lại cục mịch thô lỗ. Chính vì thế khi gặp gỡ Hoàng Tích Chu, cô đã bị chinh phục bởi dáng vẻ lịch lãm, hào hoa của chàng nhà báo trẻ. Chỉ sau đó ít lâu (khoảng cuối năm 1922), cả Hà Nội chấn động trước tin cô Phượng mất tích. Mãi sau này, mọi người mới biết cô đã “bỏ chồng theo trai” (theo Hoàng Tích Chu vào Sài Gòn). Tuy nhiên, vào thời điểm đó, Hoàng Tích Chu đã quyết chí sang Pháp học nghề làm báo. Hoàn cảnh không cho phép ông đem theo người tình. Hoàng Tích Chu viết một bức thư thống thiết, bảo Phượng đem ra Bắc Ninh trao cho quan huyện là bố mình xin ông nhận nàng làm dâu. Nhưng gia đình quan huyện cự tuyệt và cho người đưa trả Phượng về cho A Đấu, khiến Phượng càng thêm đắng cay nhục nhã. Lúc này, ông bà Vương Toàn Thắng đều đã mất nên Phượng trơ trọi giữa đời. Đời Phượng còn bạc mệnh hơn cả nàng Kiều: phải bán thân nuôi miệng, vào chùa tu, làm vợ lẽ người ta, rồi hóa điên và chết trong cô đơn, lạnh lẽo. Phượng được chôn ở bãi tha ma đối diện Bệnh viện Bạch Mai, với tấm bia khắc hàng chữ “Mộ người bạc mệnh Vương Thị Phượng”. Năm 1928, ký giả Lê Cương Phụng viết tác phẩm Mồ cô Phượng, hai nhân vật chính trong câu chuyện là Hoàng Hồ và cô Phượng Hàng Ngang (Hoàng Hồ là một bút danh quen thuộc của Hoàng Tích Chu).
Và với kỹ nữ nức tiếng Hà thành
Cô đốc Sao được biết đến là kỹ nữ nức tiếng một thời. Cô người Hưng Yên, sinh năm 1898. Chồng của cô là một bác sĩ người Hoa tên Lầu Màn Sầu (Lưu Nam Sao). Thời ấy, người miền Bắc quen gọi bác sĩ là “đốc” (gọi tắt của đốc tờ) và họ gọi cô là cô đốc Sao.
Tuy nhiên, vị bác sĩ vắn số, lấy nhau chỉ vài năm thì ông mất. Nhờ tài sản chồng để lại, cô đốc Sao sống sung túc hơn, mở một nhà hát cô đầu ở 96 Khâm Thiên và trở thành bà chủ sang trọng. Bà chủ đốc Sao sở hữu một vẻ đẹp đầy đặn, phồn thực và gương mặt quyến rũ. Vừa xinh đẹp, hát hay, cô đốc Sao còn khiêu vũ rất giỏi nên sau khi gặp đã yêu Hoàng Tích Chu (một nhà báo tài hoa và lịch lãm từng đi Tây về, nhảy đầm rất giỏi). Hoàng Tích Chu giúp cô đốc Sao phát triển nhà hát cô đầu thành phòng khiêu vũ (sàn nhảy) đầu tiên của người Việt tại Hà Nội. Ngoài năng khiếu làm báo, Hoàng Tích Chu còn có biệt tài về ca hát, thời trang. Ông đã giúp cô đốc Sao trong việc huấn luyện các cô đầu thành vũ nữ: dạy đàn ca, tiếng Pháp bồi cũng như những cung cách để có thể lấy lòng khách...
Từ khi yêu anh nhà báo nghèo, cô đốc Sao trở nên chung tình đến kỳ lạ. Cô không đi lại với ai ngoại trừ Hoàng Tích Chu, bỏ tiền của lo cho tờ Đông Tây của người tình và khi Hoàng Tích Chu lâm bạo bệnh, chính cô là người thuốc thang, chăm sóc cho đến ngày ông nhắm mắt xuôi tay (ngày 25.1.1933, hưởng dương 36 tuổi). Sau khi người tình mất, cô đốc Sao cho in lên danh thiếp của mình: “Bà quả phụ Hoàng Tích Chu”.
Hà Đình Nguyên
>> Bóng hồng bên danh nhân - Kỳ 2: Tình anh bán chiếu
>> Bóng hồng bên danh nhân: 'Hoa hậu Lambretta' của Bùi Giáng
>> Chính thức vinh danh Nguyễn Du là Danh nhân văn hóa thế giới
>> Ra mắt tác phẩm về hai danh nhân họ Đặng
Bình luận (0)