Nếu trong 2 thập niên trước tên lửa hành trình chủ yếu nằm trong tay một nhóm hạn hẹp các nước công nghiệp phát triển, thì ngày nay dòng vũ khí này khá phổ biến tại châu Á.
|
Từ siêu thanh đến bội siêu thanh
Lợi thế quan trọng nhất của tên lửa hành trình chính là khả năng tấn công mục tiêu chính xác hầu như trong mọi điều kiện thời tiết từ khoảng cách xa, bằng cách lẩn tránh hầu hết hệ thống phòng thủ của đối phương. Đặc biệt, với những quốc gia/vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, những hạn chế về hiệp ước cấm phát triển tên lửa đạn đạo phần nào đã biến tên lửa hành trình thành hệ thống hấp dẫn để đáp trả hỏa lực từ tên lửa đạn đạo.
Tính đến thời điểm hiện nay, phần lớn quân đội các nước tại châu Á đều được trang bị tên lửa hành trình đối hạm (ASCM). Trong khi đó, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Hàn Quốc và Đài Loan đang phát triển hoặc đã triển khai tên lửa hành trình đối đất (LACM). Còn Nhật Bản lại quan tâm đến hệ thống cho phép tấn công phủ đầu. Hiện Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc và Đài Loan còn có các chương trình phát triển hệ thống siêu âm và bội siêu âm.
Theo thuật ngữ chuyên ngành, các hệ thống siêu thanh (chạy bằng động cơ phản lực) hoạt động ở tầm Mach 2 - 4 (gấp 2 - 4 lần vận tốc âm thanh), và nếu muốn công nhận là hệ thống bội siêu thanh (động cơ phản lực tĩnh siêu âm) thì tốc độ phải trên Mach 5. Tuy nhiên, hầu hết các LACM được triển khai tại châu Á đều hoạt động với tốc độ dưới vận tốc âm thanh, khoảng 800 km/giờ.
Cuộc đua tấn công chớp nhoáng
Theo Hoàn Cầu thời báo, Trung tâm nghiên cứu và phát triển khí động lực học Trung Quốc và Đại học Công nghệ quốc phòng nước này đang nghiên cứu động cơ phản lực tĩnh siêu âm, động cơ phản lực kích đốt xung và hệ thống đẩy chu kỳ kết hợp với mục tiêu dần phát triển tên lửa và máy bay bội siêu thanh. Được biết, Viện Khí động lực học không gian Trung Quốc đã chế tạo được động cơ phản lực tĩnh siêu âm ở giai đoạn thí nghiệm. Trong khi đó, Cơ quan thám hiểm không gian Nhật Bản (JAXA) đang tham gia dự án chế tạo động cơ phản lực không khí tốc độ cao dành cho máy bay bội siêu thanh. JAXA cũng hợp tác với các viện nghiên cứu tại Úc, Đức, Ý và Mỹ trong các dự án phát triển động cơ phản lực tĩnh siêu âm cho các sứ mệnh không gian. Vào năm 2012, có thông tin Nhật Bản thử nghiệm mô hình động cơ đẩy chu kỳ kết hợp cho tên lửa dưới Mach 8.
Trong khi đó, Ấn Độ đã triển khai tên lửa siêu thanh động cơ phản lực Brahmos ở tốc độ Mach 2,5 - 2,8 và có kế hoạch hợp tác với Nga để phát triển tên lửa bội siêu thanh Brahmos 2. Đồng thời, Tổ chức phát triển và nghiên cứu quốc phòng của nước này đang nghiên cứu hệ thống bội siêu thanh hoạt động với tốc độ Mach 6 - 7 bằng động cơ phản lực tĩnh siêu âm, theo Reuters. Ở phía tây Thái Bình Dương, Đài Loan đã sở hữu tên lửa Hùng Phong III bay bằng động cơ phản lực với tốc độ tối đa Mach 2 và tầm bắn dự kiến 150 - 200 km. Ban đầu chỉ là dự án phát triển ASCM, sau đó nó được chuyển thành tên lửa có khả năng đối đất và chính thức biên chế vào năm 2008.
Một thành viên mới gia nhập câu lạc bộ tên lửa hành trình là Hàn Quốc cũng đang phát triển dòng tên lửa siêu thanh LACM Haeseong-2 dựa trên ASCM Haeseong-1. Tờ Korea Times đưa tin tên lửa trên đã được chính thức triển khai vào cuối năm 2013 với tầm bắn 500 km. Ngoài ra, Viện Nghiên cứu không gian Hàn Quốc đang trong giai đoạn thiết kế tên lửa phòng không phản lực tĩnh siêu âm 2 tầng Mach 4, bắn từ bệ phóng trên mặt đất.
Quân đội các nước châu Á vẫn mới dừng ở bước bắt đầu triển khai những dòng LACM cận siêu âm hoặc siêu âm và vẫn đang trong quá trình nghiên cứu những khái niệm mang tính đột phá, có thể ảnh hưởng đến hỏa lực trên chiến trường. Tuy nhiên, dự kiến trong một thập niên nữa, các chỉ huy quân sự tại châu Á có thể nắm trong tay các dòng tên lửa hành trình có thể tiêu diệt mục tiêu cách xa 1.500 km trong vòng chưa đầy 30 phút.
Mỹ muốn cắt chương trình Tomahawk Các nghị sĩ Mỹ và giới chức quân sự nước này đang tỏ ra bất bình khi biết được Tổng thống Barack Obama đang tìm cách loại bỏ 2 chương trình tên lửa cực kỳ thành công, mà theo đánh giá của giới chuyên gia quân sự là đã giúp hải quân Mỹ duy trì ưu thế trong vài thập niên qua. Chương trình tên lửa Tomahawk, được xem là tên lửa hành trình hiện đại nhất thế giới, đang lọt vào danh sách đề nghị cắt giảm trong dự thảo ngân sách tài khóa năm 2015 và tiến tới loại bỏ hoàn toàn vào năm 2016, theo NBC News. Bên cạnh việc giảm ngân sách cho chương trình, số lượng Tomahawk bổ sung cho quân đội sẽ giảm từ 196 tên lửa vào năm ngoái xuống còn 100 vào năm 2015, trước khi loại hẳn vào năm 2016. Ngoài ra, hải quân Mỹ cũng buộc phải hủy bỏ chương trình mua sắm tên lửa Hellfire vào năm sau, theo đề xuất của ông Obama. H.G |
Thụy Miên
>> Hải quân Mỹ phát triển tên lửa hành trình nhỏ nhất thế giới
>> Khả năng Mỹ, Anh dùng tên lửa hành trình đánh Syria
>> Hải quân Iran sẽ có tên lửa hành trình tầm bắn trên 300 km
>> Nhật cân nhắc phát triển tên lửa hành trình
>> Hàn Quốc trình làng tên lửa hành trình “tấn công lãnh đạo Triều Tiên”
Bình luận (0)