|
Ở tuổi 19 tuổi, Huỳnh Thị Mỹ Ly, Phó bí thư Chi đoàn thôn Xuyên Tây 3 (TT.Nam Phước, H.Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam), nắm rõ các xu hướng thông tin mới của bạn trẻ đang độ tuổi teen như mình, nhất là tâm lý “gặp gỡ” bạn bè trên mạng nhanh hơn gặp ở… ngoài đời. Vậy là Mỹ Ly nảy sinh ý tưởng tập hợp thanh niên đang học tập, làm ăn xa cùng sinh hoạt đoàn trên Facebook (FB).
Triển khai từ đầu năm 2013, ý tưởng của Ly nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các bạn trẻ. Thay vì đến nhà văn hóa thôn ngồi nghe báo cáo, bàn kế hoạch, họ chỉ cần trao đổi qua máy tính. Từ chuyện hỗ trợ thôn tổ chức lễ hội làng đến giúp đỡ học sinh, người dân nghèo... đều được chia sẻ thông tin trên FB. Vừa là người sáng lập, vừa giữ vai trò quản trị mạng (admin), Mỹ Ly cho biết việc sinh hoạt đoàn trên FB giúp chi đoàn tiết kiệm được nhiều chi phí so với tổ chức họp tại hội trường, như tiền điện nước, in tài liệu, xăng xe đi lại...
|
Tại địa chỉ “Thanh Niên Trà Tây” lập trên FB của Chi đoàn Trà Tây (xã Tam Mỹ Đông, H.Núi Thành), hơn 50% đoàn viên, thanh niên của chi đoàn cũng đã tham gia. Tất cả hình ảnh, thông tin về hoạt động chi đoàn đều được đăng đầy đủ và chi tiết trên địa chỉ này. Ngoài ra, admin còn thường xuyên chia sẻ thông tin từ website của Tỉnh đoàn Quảng Nam và Huyện đoàn Núi Thành. “Có đợt, tôi đăng tải thông tin Viettel Quảng Nam đang cần tuyển dụng nhân viên bán hàng tại siêu thị. Rất nhiều thành viên trong nhóm hỏi thăm, nên sau đó tôi kết nối thông tin trực tiếp cho các bạn”, Ngô Quang Khánh, Bí thư Chi đoàn Trà Tây, kể.
Đón đầu trong việc xây dựng hệ thống FanPage, Group (cộng đồng, nhóm), Đoàn trường và Hội Sinh viên Trường ĐH Quảng Nam đã tập hợp hàng ngàn thành viên, người theo dõi mà số đông là sinh viên, cựu sinh viên. Sau mỗi lần mở hội thi, hội nghị hay tổ chức chuyên đề, đợt tình nguyện... những hình ảnh liên quan đều đăng tải trên FB. Anh Võ Hồng Tri, cán bộ đoàn Trường ĐH Quảng Nam, cho biết các thông báo về hoạt động đoàn - hội của trường xử lý qua kênh FB có mức độ lan tỏa rộng hơn hẳn so với cách triển khai lâu nay như gửi cho cơ sở trực thuộc, dán tại Văn phòng đoàn…
Tuy nhiên, bên cạnh những tiện ích thì việc sinh hoạt qua FB vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, một số người lợi dụng diễn đàn để bình luận thiếu tinh thần xây dựng hoặc dễ dàng đăng những thông tin, hình ảnh phản cảm. Đơn cử vụ việc nhóm thanh niên đánh nhau rồi tung lên FB khá phản cảm nhưng vẫn được không ít người chia sẻ, thậm chí nhấn nút “like” hưởng ứng, anh Võ Hồng Tri nhìn nhận tình trạng đó vô hình trung đã tạo hiệu ứng không tốt trong cộng đồng. “Thực tế cho thấy sinh hoạt của giới trẻ trên mạng xã hội, đặc biệt là FB, cần dựa vào các thành viên nòng cốt là thủ lĩnh ưu tú hoặc cá nhân uy tín. Và vấn đề là sử dụng FB như thế nào mới quan trọng. Vừa dự lường những mặt trái của mạng xã hội, vừa khuyến khích cán bộ đoàn - hội tham gia làm thành viên ít nhất một diễn đàn ở mạng xã hội để nắm bắt nhu cầu của bạn trẻ và tăng thêm kênh tương tác với thanh niên”, anh Thái Bình, Bí thư Tỉnh đoàn Quảng Nam, nói.
Tại Quảng Nam, trong khi nhiều cá nhân cán bộ đoàn - hội có trang FB riêng thì trang FB tập thể cấp huyện, thành Đoàn mới có ở vài huyện như Núi Thành, Điện Bàn... Đưa ra lời đề nghị các Đoàn trường THPT lập trang FB để mở rộng kết nối, anh Thái Bình đánh giá: “Sinh hoạt đoàn trên FB rất hay. Tất nhiên, khi kéo bạn trẻ từ thế giới ảo đến hành động thực cần có những sự kiện gắn kết cộng đồng để họ thấy rõ vai trò của mình và từ đó chia sẻ, tạo ra hiệu ứng. Bây giờ thanh niên dễ làm quen nhau trên mạng, nhiều CLB đội nhóm cũng hình thành từ đây và họ thảo luận, hiến kế, huy động nguồn lực để tổ chức hoạt động ở ngoài đời thật”.
Tính đến giữa tháng 3.2014, thôn Xuyên Tây 3 có 30 đoàn viên, thanh niên cùng sinh hoạt Đoàn trên FB. Nguyễn Đức Thanh, 17 tuổi, học sinh Trường THPT Sào Nam (H.Duy Xuyên), tâm sự: “Trên FB, ai cũng có thể trình bày ý kiến mà không ngại ngần. Điều này thuận lợi cho những bạn đoàn viên ngại phát biểu trước đám đông”. |
Ý kiến Kết nối với chuyên gia tâm lý, pháp luật Tôi rất mong muốn Đoàn sẽ thành lập hẳn một đường dây nóng kết nối cùng các chuyên gia tâm lý, chuyên gia pháp luật, chuyên gia an ninh, để mỗi khi có nhu cầu hoặc gặp bất kỳ tình huống khó khăn nào trong cuộc sống, bạn trẻ sẽ biết gõ cửa và tìm đến Đoàn để được tư vấn, bảo đảm an toàn và có những định hướng đúng đắn. Thạc sĩ tâm lý Đào Lê Hoài An Cần cởi mở hơn nữa Đội ngũ cán bộ Đoàn phải thường xuyên tìm tòi, suy nghĩ làm sao cho hoạt động đoàn “trở mình” theo kịp sự biến chuyển của xã hội. Các hoạt động của Đoàn cần được làm mới không ngừng để có thể bắt nhịp kịp với hơi thở của thời đại. Bên cạnh đó, Đoàn cần phải cởi mở hơn nữa. Cởi mở để tiếp nhận những giá trị tích cực từ các nền văn hóa khác nhau. Cởi mở để tiếp thu những ý kiến đóng góp cho hoạt động Đoàn đến từ mọi tầng lớp khác nhau. Cởi mở để dang rộng vòng tay bạn bè, không chỉ trong nước mà còn ở phạm vi quốc tế. Làm được những điều đó, Đoàn sẽ có thêm nhiều luồng sinh khí mới để nâng tầm hoạt động và nâng cao giá trị. Thạc sĩ tâm lý Bùi Hồng Quân |
H.X.Huỳnh - L.Q.Quỳnh
>> Chưa là đoàn viên, có được thi trường quân đội?
>> 5 năm, hơn nửa triệu đoàn viên được kết nạp Đảng
>> Thừa Thiên-Huế: 3.000 đoàn viên ra quân hưởng ứng tháng Thanh niên
>> 5.000 đoàn viên, thanh niên được đào tạo nghề
>> Hơn 2.000 đoàn viên làm sạch môi trường
Bình luận (0)