Chuyện khó tin ở trường đại học tư

27/03/2014 08:50 GMT+7

Những câu chuyện trong loạt bài sau đây có thể là khó tin nhưng nó đã và đang xảy ra ở nhiều trường khiến xã hội mất niềm tin vào các trường tư.

Do những sai lầm về chính sách, quy định mà nhiều trường đại học tư hoạt động như những công ty kinh doanh giáo dục. Những câu chuyện trong loạt bài sau đây có thể là khó tin nhưng nó đã và đang xảy ra ở nhiều trường khiến xã hội mất niềm tin vào các trường tư.

 Chuyên khó tin ở một trường đại học tư
Minh họa: DAD

Nhà đầu tư thâu tóm vai trò của nhà giáo

Ông Đặng Văn Định, nguyên Phó chánh văn phòng Hội đồng quốc gia giáo dục, là người khai sinh ra Trường đại học (ĐH) Chu Văn An (Hưng Yên) và đảm nhiệm vai trò chủ tịch  hội đồng quản trị (HĐQT) từ năm 2007 đến 2012. Nhưng sau các cuộc chuyển nhượng vốn góp ở trường do ông sáng lập thì trường đã rơi vào tình trạng bất ổn. Đặc biệt, năm 2009 sau khi có Quy chế 61 về trường ĐH tư thục, coi ĐH tư như công ty cổ phần thì cuộc chuyển nhượng vốn đã diễn ra ngoài tầm kiểm soát của trường và cả của ông Định.

Ông Dương Phan Cường, hiện là chủ tịch HĐQT, đã đưa một nhà đầu tư mới là bạn ông vào thâu tóm vốn điều lệ của trường với mức giá chênh lệch rất cao để giành được hơn 51% số vốn góp (theo đúng quy định của Quy chế 61) và trở thành nhóm cổ đông thao túng trường này bất chấp mọi quy định về giáo dục.

Năm 2012, khi trở thành chủ tịch HĐQT mới, ông Dương Phan Cường đã ký quyết định cho thôi việc hàng loạt giảng viên, cán bộ, trong đó có những người đang đảm nhiệm các chức vụ chủ chốt như hiệu phó, chủ nhiệm và phó chủ nhiệm các khoa chuyên môn...

Để loại trừ các thành viên sáng lập ra khỏi trường, ông Cường đã tự ý cắt hết các chức vụ chuyên môn và khoa học do ông Định đảm nhiệm, mặc dù khi lấy phiếu tín nhiệm bổ nhiệm lại, ông Định được 100%  số phiếu đồng ý. Một thành viên sáng lập khác là ông Đặng Văn Tỉnh hiện là thành viên HĐQT cũng bị ông Cường đơn phương miễn nhiệm chức vụ hiệu phó. Thậm chí ông Cường còn ra lệnh cho bảo vệ ngăn cấm không cho hai ông vào trường làm việc.

Từ một cổ đông sáng lập, có vốn đầu tư tới hơn 20% nhưng ông Định hầu như đã mất hoàn toàn quyền lợi từ ngôi trường do mình nhiều công gây dựng. Thậm chí ông cũng không được hưởng lợi gì từ số vốn góp của mình vì từ khi ông Cường lên nắm quyền đã không tổ chức đại hội cổ đông đúng quy định để trả lãi cho những người góp vốn.

Hiệu trưởng tự phong

Sau khi có quyết định là chủ tịch HĐQT và làm hiệu trưởng tạm quyền trong một tháng để cử hiệu trưởng mới theo nghị quyết của đại hội cổ đông, ông Cường muốn giữ luôn chức hiệu trưởng mặc dù không đủ tiêu chuẩn.

Theo quy định hiện hành và nghị quyết của đại hội cổ đông của trường năm 2012 thì hiệu trưởng phải có uy tín trong giới khoa học, có năng lực quản lý và có ít nhất 5 năm giảng dạy quản lý giáo dục ĐH; không đang đầu tư hoặc giữ chức vụ từ cấp quản lý phòng, khoa trở lên ở một trường ĐH, cao đẳng (CĐ) khác... Tuy nhiên, ông Cường chưa từng giảng dạy ĐH, thậm chí bằng tiến sĩ của ông Cường là văn bằng đào tạo từ xa bất hợp pháp (bằng này do một tổ chức có tên là “Liên minh các viện hàn lâm quốc tế” cấp. Tổ chức này có thời gian hoạt động ở Nga nhưng văn bằng không thuộc hệ thống văn bằng chuẩn quốc gia. Tổ chức này cũng chưa từng được cấp phép đào tạo từ xa ở Việt Nam trong khi văn bằng của ông Cường được cấp tại Việt Nam và không ghi cơ sở đào tạo).

Ông Cường còn đang là chủ đầu tư ở một trường CĐ khác. Thế nhưng ông Cường vẫn 3 lần tự ý lấy phiếu tín nhiệm của cổ đông để bầu mình làm hiệu trưởng. Các cổ đông không đồng ý, ông vẫn tự làm văn bản đề nghị với chính quyền tỉnh Hưng Yên công nhận chức hiệu trưởng. Cơ quan chức năng không công nhận thì ông vẫn tự phong cho mình 3 chức: hiệu trưởng, quyền hiệu trưởng và hiệu phó phụ trách trường. Mỗi lúc sử dụng một chức khác nhau.

Chưa từng dạy ĐH nhưng giữ chức Viện trưởng Viện Đào tạo sau ĐH

Theo quy chế về trường ĐH tư thục, HĐQT có quyền bầu hiệu trưởng và quyết định bổ nhiệm các phó hiệu trưởng theo đề cử của hiệu trưởng. Vậy là ông Cường lấy 3 chức danh tự phong vừa tự đề nghị vừa ký các quyết định bổ nhiệm các vị trí cán bộ chủ chốt của trường mặc dù họ không đủ tiêu chuẩn.

Thực tế, hiện nay trường này không có hiệu trưởng, không có cả hiệu phó phụ trách đào tạo nhưng ông Cường không tìm người đủ điều kiện đảm nhiệm mà cử một hiệu phó giúp việc cho hiệu phó phụ trách trường - là ông - để “ký các loại văn bằng chứng chỉ và các giấy tờ văn bản mang tính hàn lâm!”. Đây là chức danh chưa thấy tiền lệ trong các trường ĐH Việt Nam.

Ông Cường đã đưa anh em, bạn bè vào làm các chức trưởng phòng hành chính - tổ chức - quản trị và kiến thiết cơ bản của trường mặc dù những người này không đủ tiêu chuẩn theo điều lệ trường ĐH. Còn lại, các phòng chuyên môn khác của trường thì không có trưởng phòng.

Vì không có chuyên môn về giáo dục nên ông Cường đã có những việc làm rất phi giáo dục như tổ chức hội đồng khoa học đào tạo trái quy định. Theo quy định, hội đồng này gồm những người có trình độ cao nhưng hội đồng do ông Cường tự thành lập và làm chủ tịch, trong đó có cả những người chưa tốt nghiệp ĐH. Số lượng thành viên hội đồng cũng được quy định là số lẻ và không quá 25 thì ông Cường cho lên 30 người. Mặc dù chưa từng dạy ĐH nhưng ông Cường còn cho mình luôn chức Viện trưởng Viện Đào tạo sau ĐH và tự xin mở ngành đào tạo trình độ này.

Năm 2013, dù không có hiệu trưởng, không có hiệu phó phụ trách đào tạo, không có trưởng phòng đào tạo, trường này vẫn tuyển sinh và đào tạo thạc sĩ. Đó là chưa nói đến hàng loạt các vi phạm khác trong tuyển sinh và đào tạo như tổ chức thi nâng điểm, thu tiền học lại, thi lại sai quy định; tổ chức thi liên thông “nợ đầu vào”...

Lợi dụng kẽ hở

Nghị định 141 của Chính phủ ban hành năm 2013 hướng dẫn thi hành một số điều của luật Giáo dục ĐH có quy định: Trường ĐH “không vì lợi nhuận” là trường mà “tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu nguồn vốn đầu tư không nhận lợi tức, hoặc lợi tức không vượt quá lãi suất trái phiếu chính phủ”. Theo đánh giá của các chuyên gia giáo dục thì đây là một định nghĩa không chuẩn xác vì vậy nó rất dễ bị lợi dụng. Đơn cử với mô hình Trường ĐH Chu Văn An như đã nêu thì trường này hoàn toàn có thể tuyên bố là trường phi lợi nhuận (để không phải chia lãi cho các cổ đông) và còn được hưởng nhiều ưu đãi của nhà nước, trong khi thực tế hoạt động của nhà trường thì lại hoàn toàn không phải như vậy. Thậm chí việc coi trường “không vì lợi nhuận” như định nghĩa của nghị định này còn dẫn đến tình trạng nhóm cổ đông thao túng trường có thể chiếm đoạt vốn góp của cổ đông khác một cách... hợp pháp.

Vũ Thơ

>> Trường ĐH Chu Văn An công bố đề án tuyển sinh riêng
>> Cần thay đổi cơ chế quản lý trường ĐH tư thục
>> Mỹ: ĐH tư thục là một tổ chức phi lợi nhuận
>> UBND tỉnh có quyền không công nhận hiệu trưởng trường ĐH tư thục

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.