Chuyện khó tin ở đại học tư - Kỳ 3: Hai lần kiện hiệu trưởng ra tòa

29/03/2014 10:20 GMT+7

Mâu thuẫn của Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật Sài Gòn không thể giải quyết được và kéo dài quá lâu một phần cũng vì sự không rõ ràng của quy định hiện hành.

Mâu thuẫn của Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật Sài Gòn không thể giải quyết được và kéo dài quá lâu một phần cũng vì sự không rõ ràng của quy định hiện hành.

Chuyện khó tin ở đại học tư - Kỳ 3: Hai lần kiện hiệu trưởng ra tòa

Chuyện khó tin ở đại học tư - Kỳ 3: Hai lần kiện hiệu trưởng ra tòa
Trong giai đoạn nội bộ lủng củng, cơ sở học tập của Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật Sài Gòn xuống cấp, có nơi như một kho xưởng, trần phòng học thủng lỗ chỗ - Ảnh: Đăng Nguyên

Hiệu trưởng “động viên” chủ tịch HĐQT xài bằng giả

Năm 2007, Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật Sài Gòn chính thức thành lập do ông Phạm Phố, Chủ tịch Hội Đúc - luyện kim TP.HCM sáng lập và làm hiệu trưởng. Để có vốn hoạt động, ông Phố bắt đầu kêu gọi đầu tư. Trong số 5 cổ đông đầu tiên, lúc này ông Lê Đình Chiến có vốn góp khoảng 59%, giữ chức chủ tịch hội đồng quản trị (HĐQT).

Đến năm 2009, ông Chiến gửi đơn khởi kiện ông Phố đến TAND TP.HCM do bất đồng việc ông Phố tự ý chọn đất thuê để mở rộng xây dựng trường mà không thông qua HĐQT. Từ đó, ông Phố không tham gia các buổi họp do chủ tịch HĐQT triệu tập, chiếm giữ con dấu bất hợp pháp, ra thông báo miễn nhiệm chức danh chủ tịch HĐQT của ông Lê Đình Chiến để ông làm chủ tịch.

Nhưng bi hài nhất là qua việc kiện cáo này lại “lòi” ra một chuyện khác. Ông Phố tố cáo ông Chiến xài bằng tốt nghiệp giả để “đẩy” ông Chiến ra khỏi HĐQT. Ông Chiến phản pháo lại rằng ông chưa có bằng tốt nghiệp THPT nhưng khi đó ông Phố đã “động viên” xài bằng giả!

Theo kết luận của thanh tra Bộ GD-ĐT, ông Phố còn tùy tiện thay đổi việc góp vốn, rút và vay vốn mà không qua HĐQT; thất thoát tài sản của nhà trường qua việc mua bán, thuê mướn cơ sở vật chất, đất đai; tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ - tin học không đúng quy định (một hình thức bán bằng cấp giả)…

Cuối cùng, hai bên thỏa thuận: Ông Chiến được trả lại tiền vốn, rút khỏi trường; ông Phố kiêm cả chủ tịch HĐQT lẫn hiệu trưởng.

Nhà đầu tư tiếp tục phản ứng

Tháng 10.2010, ông Phố tiếp tục bị một nhà đầu tư khác kiện. Lúc này, mâu thuẫn giữa các nhà đầu tư vào trường và ông Phố hết sức căng thẳng. Ông Phố ra quyết định miễn nhiệm chức danh phó hiệu trưởng của ông Phạm Ngọc Dưỡng, một trong những nhà đầu tư chính của trường lúc bấy giờ. Bị ông Phố gạt ra khỏi HĐQT, ông Dưỡng kiện ra TAND TP.HCM.

Ngày 17.6.2011, một số cổ đông đề nghị triệu tập đại hội cổ đông bất thường vì ông Phố đã tự ý cho vay số tiền lớn tương đương 44,6% vốn của nhà trường mà không có tài sản thế chấp, không thông qua đại hội cổ đông. Nhưng ông Phố đã ký văn bản ngăn cản đại hội và tiếp tục thu lại con dấu, thông báo mọi văn bản phải do tự tay ông đóng dấu. Sau đó, ông Phố cũng tự ý tổ chức đại hội cổ đông trái quy định nhằm đưa thêm 2 người của mình vào HĐQT. Mâu thuẫn hai bên càng lúc càng lớn khiến sinh viên phản ứng, các ban ngành phải vào cuộc. Đoàn công tác của Sở GD-ĐT TP.HCM đến trường nhiều lần đều không thể làm việc được. Có lần, đoàn công tác do ông Phạm Ngọc Thanh, Phó giám đốc sở, đến đề nghị gặp ông Phố nhưng ông này thông báo mình đang nằm bệnh viện. Giữa buổi làm việc, trường bị cúp điện đột ngột dù điện các hộ dân xung quanh vẫn bình thường.

Sai phạm tuyển sinh, trường không ra trường

Theo kết luận thanh tra của Bộ, năm 2008 trường này đã tuyển vượt chỉ tiêu gấp 2 lần, tuyển sinh cả những ngành học chưa được Bộ cho phép. Ông Phạm Phố cũng đã ký nhiều quyết định liên kết với một số đơn vị khác và biến các đơn vị này thành những cơ sở của trường với nhiều hoạt động sai phạm.

Để chứng kiến rõ việc học hành của sinh viên trong trường như thế nào, chúng tôi trong vai sinh viên để tìm cách vào cơ sở số 446 Tân Kỳ - Tân Quý (P.Sơn Kỳ, Q.Tân Phú). Nơi này nóng bức, chật chội, có khoảnh sân y hệt như một kho xưởng. Trần ở các phòng học lợp tôn, la phông hư hỏng nhiều nên nóng hầm hập, chật chội; đèn, quạt lại không đủ. Các phòng cách nhau bằng vách ngăn không có cách âm nên phòng này có thể nghe tiếng từ phòng kia…

Liên tiếp hai năm 2011 - 2012, Bộ quyết định tạm dừng tuyển sinh đối với Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật Sài Gòn.

Thông tư mập mờ

Khoản 5 điều 35 của Thông tư 14/2009/TT-BGDĐT ghi rõ: “Quyết định của Đại hội đồng cổ đông được coi là có giá trị hiệu lực khi có trên 51% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp chấp thuận”. Thế nhưng khoản 4 điều 35 lại quy định: “Cuộc họp đại hội đồng được coi là tiến hành hợp lệ khi có từ 51% trở lên số cổ đông có quyền biểu quyết tham gia dự họp”. Như vậy, thông tư này có điểm mập mờ là không biết 51% là số cổ đông hay là vốn.

Chính bởi sự mập mờ này nên hai phe đều tổ chức đại hội cổ đông theo ý của mình. Ông Dưỡng triệu tập cổ đông theo số vốn, ông Phố triệu tập cổ đông theo số lượng người. Chính Sở GD-ĐT TP.HCM khi giải quyết cũng lúng túng vì không biết nên công nhận bên nào. Sau đó, Sở quyết định không công nhận đại hội của cả hai bên và yêu cầu phải vừa đủ số người, vừa đủ số vốn!

Sự việc kéo dài đến gần 2 năm, cho đến khi có nhà đầu tư mới, thống nhất tất cả cổ đông về một mối, tổ chức lại đại hội, bầu ra HĐQT mới, được Bộ GD-ĐT công nhận. Ngày 11.3.2014, Bộ có quyết định cho phép trường đổi tên thành Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn.

Đăng Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.