Vốn ngoại đổ mạnh vào dệt may

29/03/2014 01:44 GMT+7

Hàng loạt dự án đầu tư nước ngoài vốn “khủng” đang tiếp tục đổ vào lĩnh vực dệt, nhuộm để đón đầu Hiệp định xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng như Hiệp định thương mại tự do (FTA).

Hàng loạt dự án đầu tư nước ngoài vốn “khủng” đang tiếp tục đổ vào lĩnh vực dệt, nhuộm để đón đầu Hiệp định xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng như Hiệp định thương mại tự do (FTA).

Vốn ngoại đổ mạnh vào dệt may
Xuất khẩu hàng dệt may ngày càng tăng nhờ làn sóng đầu tư mạnh mẽ của các doanh nghiệp nước ngoài - Ảnh: Diệp Đức Minh

Trong chưa đầy 1 tháng qua đã có nhiều doanh nghiệp (DN) dệt may, sản xuất xơ, sợi nước ngoài đến xây dựng nhà máy ở VN với quy mô lớn. Mới đây, tỉnh Nam Định làm việc với các nhà đầu tư gồm Công ty đầu tư Vinatex (Tập đoàn dệt may VN), Công ty Luenthai và Công ty Foshan Sanshui Jialida của Hồng Kông (Trung Quốc) để xúc tiến thành lập khu công nghiệp (KCN) chuyên về dệt may Rạng Đông ở H.Nghĩa Hưng, diện tích 1.400 - 1.500 ha, vốn đầu tư khoảng 350 triệu USD, thu hút 200.000 - 300.000 lao động. Mục tiêu của dự án nhằm phát triển ngành dệt may theo chuỗi cung ứng từ nhà máy kéo sợi - dệt - nhuộm - in - và sản phẩm hoàn chỉnh. Song song đó là kết hợp phát triển ngành da giày và công nghiệp phụ trợ, như: sản xuất các loại tem, nhãn, khóa, thùng hộp carton… Trước đó, tỉnh Nam Định cũng cấp giấy chứng nhận đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất sợi, dệt, nhuộm với tổng vốn đầu tư 68 triệu USD tại KCN Bảo Minh (H.Vụ Bản) cho Công ty TNHH Tập đoàn dệt may Yulun Giang Tô (Trung Quốc). Nhà đầu tư này sẽ xây dựng nhà máy sản xuất sợi với công suất gần 9.900 tấn/năm, dệt 21,6 triệu mét/năm, nhuộm 24 triệu mét/năm, dự kiến giữa năm 2016 đưa vào hoạt động.

DN trong nước cần liên kết

Các chuyên gia dự báo, với làn sóng đầu tư mạnh của các DN FDI để đón đầu TPP, cái lợi lớn nhất mà VN có thể được hưởng là giải quyết việc làm. TPP quy định nguyên phụ liệu phải có xuất xứ trong các nước tham gia TPP, do đó lợi ích thu được của ngành may sẽ không cao bằng ngành dệt. Vì vậy, nhà nước cần có các chính sách ưu đãi, hỗ trợ tín dụng để thúc đẩy các DN trong nước liên kết đầu tư vào lĩnh vực dệt.

Tại TP.HCM, Công ty Forever Glorious thuộc Tập đoàn Sheico (Đài Loan, Trung Quốc) cam kết đầu tư 50 triệu USD vào KCN Đông Nam. Đây là một dự án hoàn chỉnh từ dệt vải đến sản xuất các sản phẩm may mặc chuyên dụng cao cấp cho thể thao dưới nước...

Theo ông Phạm Xuân Hồng, Phó chủ tịch Hội Dệt may VN, các DN nước ngoài đang đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực dệt may để đón những cơ hội thuận lợi khi TPP được ký kết. Bên cạnh đó, FTA giữa EU và VN cũng sẽ hoàn thành vào cuối năm nay. “Khi hai hiệp định này được thực hiện thì thuế nhập khẩu hàng dệt may từ VN vào hai thị trường lớn nhất hiện nay là Mỹ và EU đều giảm về còn 0% (hiện là 12% đối với EU và từ 17 - 32% với Mỹ). Khi đó, chắc chắn thị trường của ngành dệt may VN được mở rộng rất lớn, miễn là phải đáp ứng được các điều kiện đã quy định theo thỏa thuận, đặc biệt là xuất xứ nguyên phụ liệu”, ông Hồng nói.

Cần có cơ chế kiểm tra, giám sát

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2013, xuất khẩu (XK) của ngành dệt may VN đạt gần 18 tỉ USD, tăng 18,9% so với năm 2012. Trong đó, XK của các DN đầu tư nước ngoài (FDI) tương đương 10,69 tỉ USD, chiếm gần 60% trong khi số lượng DN FDI chỉ chiếm chưa tới 30% số lượng DN ngành này. Theo các chuyên gia, ngành dệt may có mức tăng trưởng XK khoảng 18%/năm, nhưng tăng trưởng XK của các DN trong nước chỉ khoảng 8 - 10%, còn các DN FDI khoảng 30%. Quy mô nhỏ, tài chính yếu nên phần lớn DN trong nước chỉ đủ sức tham gia vào ngành may. Số DN có đầu tư trong lĩnh vực dệt, sợi, nhuộm đếm trên đầu ngón tay, chủ yếu là những DN nhà nước.

Ông Phạm Xuân Hồng nhận định, để đầu tư một nhà máy kéo sợi hay dệt, nhuộm đòi hỏi vốn lớn, thiết bị và công nghệ hiện đại hơn… chỉ có những tập đoàn lớn mới đủ sức thực hiện. Bên cạnh đó, giải pháp liên kết với các đối tác nước ngoài cũng là một hướng đi để nhanh chóng tạo ra được nguyên phụ liệu sản xuất tại chỗ cho ngành dệt may VN. “Thị trường dệt may VN đang có tiềm năng phát triển lớn, năng lực của các DN trong nước cũng không đủ khai thác hết. Việc đầu tư của các DN nước ngoài là cần thiết. Quan trọng là các cơ quan quản lý phải có sự giám sát, kiểm tra để thu được hiệu quả từ vốn đầu tư FDI và không bị thất thu thuế”, ông Phạm Xuân Hồng nói.

Chí Nhân - Mai Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.