|
Gần 12 năm trôi qua nhưng vụ cháy kinh hoàng ở tòa nhà Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC) (góc Nguyễn Trung Trực - Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 1, TP.HCM) do sự cố hàn xì khiến nhiều người tử vong và bị thương đã để lại nỗi ám ảnh khôn nguôi đối với nhiều người.
Người có lỗi đã trả giá, thế nhưng bài học từ vụ cháy ấy xem ra vẫn chưa đủ để cảnh báo về điều kiện đảm bảo an toàn trong hàn cắt kim loại.
Ký ức đau thương
Từng tham gia chữa cháy cứu người trong vụ ITC, thượng tá Nguyễn Danh Thành, Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC quận 6 (TP.HCM) lúc đó là đội trưởng đội trung tâm, đơn vị nhận được tin và đến đầu tiên chữa cháy, còn nhớ như in về vụ cháy ITC.
|
“Tôi còn nhớ vụ cháy xảy ra vào ngày cuối của tháng phòng chống cháy nổ. Khi nghe tin, đơn vị nhanh chóng xuất xe. Khi đến gần chợ Cầu Muối thì thấy khói đen nghi ngút. Đến hiện trường, khung cảnh khủng khiếp hiện ra, chúng tôi nhanh chóng tác chiến và xin hỗ trợ từ các đơn vị khác”, thượng tá Thành kể lại.
Lúc đó, đội trung tâm tiến hành lập xe thang 52 m ở ngay đoạn tiếp giáp giữa ITC và tòa nhà liền kề bên cạnh là Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC). Đồng thời, lập một đường cầu thang bộ để người dân trên tòa nhà xuống.
“Mặc dù đã phun nhiều nước nhưng do diện tích quá lớn nên hầu như ban đầu việc chữa cháy không hiệu quả. Tòa nhà ITC làm theo dạng các u, giữa các tầng lầu của tòa nhà từ tầng 2 đến tầng 7 lại rỗng ở giữa, đây là điểm làm đám cháy lan nhanh. Do vậy, việc chữa cháy bằng việc phun nước gặp nhiều khó khăn”, thượng tá Thành chia sẻ.
|
Thượng tá Thành kể tiếp, do không chịu nổi sức nóng, một số người đã nhảy từ ban công xuống và tử vong. Lực lượng chữa cháy lên được hiện trường, khung cảnh hết sức hãi hùng hiện ra. Chỗ nào có ghế ngồi thì chỗ đó có người chết. Khi tiếp cận những người tử vong, hầu như họ đã cháy đen và rất khó nhận dạng. Chúng tôi cố quan sát gần chỗ những người tử vong xem có vật gì liên quan có ích trong việc nhận dạng nạn nhân thì mang theo cùng họ.
|
Mặc dù đã gần 12 năm trôi qua, tòa nhà ITC năm xưa giờ thành một bãi đất trống được tận dụng để giữ xe, khu chung cư gần tòa nhà này cũng đã không còn nữa. Thế nhưng cứ mỗi lần nhắc về vụ cháy kinh hoàng ngày ấy, ai đã từng chứng kiến và nghe chuyện đều cảm thấy đau lòng.
Khôn lường hàn xì gây cháy
Nguyên nhân của vụ cháy tòa nhà ITC ngày ấy là do thợ hàn vũ trường Blue để mối hàn rớt vào mút xốp gây cháy. Khi xảy ra cháy, người này dùng bình chữa cháy chữa nhưng không hiệu quả làm đám cháy lan nhanh. Sau này, người chủ thuê thợ hàn gây cháy đã nhận hết tất cả sai lầm của mình và chịu mọi hình phạt của pháp luật.
Thế nhưng, những cái chết thương tâm do hàn xì vẫn chưa dừng lại.
Vào đầu tháng 6.2012, một nhân viên cơ khí của Công ty dầu ăn Golden Hope Nhà Bè (quận 7, TP.HCM) leo lên độ cao gần 5 m của bồn chứa 2000 lít dầu FO để tiến hành hàn sửa chữa. Trong lúc hàn, người công nhân đã để tia lửa của que hàn bắn vào bồn dầu gây ra tiếng nổ lớn và bốc cháy. Ngay lập tức, nhân viên này bị hất tung từ bồn dầu xuống đất. Mặc dù được đưa đi cấp cứu nhưng người này đã tử vong.
|
Không lâu sau, cũng trong tháng 6.2012, một vụ nổ cũng khiến một thợ hàn tử vong khi người này đang thi công lắp đặt bồn chứa dầu ở Công ty cổ phần thép Thắng Lợi (Bình Chánh, TP.HCM).
Đó chỉ là hai trong số rất nhiều vụ cháy nổ thương tâm từ việc hàn cắt kim loại như những câu hỏi treo lơ lửng về cái gọi là an toàn trong hàn xì.
“Hàn cắt kim loại là mối nguy dễ làm bùng phát cháy trong khi các vật dễ cháy, vật liệu xây dựng để ngổn ngang, nếu rơi vào sẽ gây hiểm họa khôn lường. Mặc dù đã được cảnh báo nhiều, nhưng vấn đề tuyển thợ hàn hay sự giám sát chặt chẽ công việc hàn cắt vẫn chưa được nhiều người lưu tâm”, thượng tá Thành nói.
Vụ cháy ITC là bài học lớn Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn chỉ đạo chữa cháy, Sở cảnh sát PCCC TP.HCM, thuộc Ban chỉ huy chữa cháy vụ ITC, cho biết lực lượng cảnh sát PCCC trong vụ ITC đã huy động rất nhiều đơn vị, cả lực lượng chữa cháy bên ngoài như hàng không, quân đội nhưng do đám cháy lớn, xe của lực lượng PCCC tiếp cận khó, phương tiện lại chưa hiện đại nên việc chữa cháy rất khó khăn. “Lúc đó chủ yếu chúng tôi chữa cháy bằng lòng dũng cảm”, ông Nhật nói. Vụ cháy ITC là bài học lớn đối với lực lượng PCCC để trang bị đầy đủ hơn nhân lực, thiết bị, kỹ năng của chiến sĩ. Sau này, khi Sở PCCC được thành lập với các Phòng Cảnh sát PCCC quận, huyện được huấn luyện kỹ càng nhằm rút ngắn khoảng thời gian đến đám cháy một cách nhanh nhất. Thượng tá Nguyễn Danh Thành, Phó trưởng phòng cảnh sát PCCC quận 6, cũng phân tích ở vụ cháy ITC nhiều người hoảng loạn nên nhảy từ ban công các lầu xuống đất bị tử vong nhiều, số khác đều tử vong do ngộp, ngạt. Trong khi đó, việc giữ bình tĩnh, tìm các lối thoát hiểm trong đám cháy rất quan trọng. Kể cả trong đám cháy, khi bị khói “tấn công” nếu bình tĩnh nằm sát xuống đất và dùng khăn ướt để bịt miệng thì khả năng tránh được nguy hiểm rất cao. Ngoài ra, tòa nhà ITC lúc đó được thiết kế rất đẹp, kiên cố, với các u thông gió nhưng việc chữa cháy rất khó khăn, phun nước chữa cháy hồi đó ví như muối bỏ bể. Đó cũng chính là điều gây khó cho công tác chữa cháy. |
ITC hiện là bãi đất trống Vụ cháy ITC xảy ra vào khoảng 13 giờ 30 phút ngày 29.10.2002. Nguyên nhân vụ cháy được xác định do công nhân hàn giàn đèn trên trần vũ trường Blue ở tầng 3 của tòa nhà đã làm mối hàn bắn vào lớp mút xốp cách âm gây cháy. Vụ cháy khiến 60 người thiệt mạng, 70 người khác bị thương và thiệt hại ước tính hơn 32 tỉ đồng. Sau này, tòa nhà ITC bị đập bỏ thay vào đó là dự án xây dựng tháp SJC do Công ty cổ phần Sài Gòn Kim Cương đầu tư, nhưng công trình này đang bị ngưng trệ. Hiện nay, nơi đây được tận dụng làm bãi giữ xe.
|
Hà Minh
Ảnh: Đào Ngọc Thạch
>> Cháy lớn ở công ty gỗ ván ép
>> Cháy lớn tại Công ty CP sinh học Rừng Hoa Đà Lạt
>> Cháy lớn tại nhà máy sợi
>> Hỏa hoạn thiêu rụi nhà xưởng hơn 1.000 m2
Bình luận (0)