Chuyện khó tin ở đại học tư - Kỳ 5: Gạt bỏ giảng viên, chỉ quan tâm nhà đầu tư

01/04/2014 03:03 GMT+7

Những chuyện xảy ra ở các trường ĐH tư mà Báo Thanh Niên nêu ra trong các số báo vừa qua là hậu quả của nhiều vướng mắc về quy chế, chính sách. Trong đó đặc biệt là quy trình chuyển đổi từ dân lập sang tư thục.

Chuyện khó tin ở đại học tư - Kỳ 5: Gạt bỏ giảng viên, chỉ quan tâm nhà đầu tư
Hội nghị cán bộ công nhân viên chức Trường ĐH Hùng Vương (TP.HCM) năm 2011 khi nội bộ trường đã xáo trộn do quá trình chuyển đổi từ dân lập sang tư thục - Ảnh: Minh Luân

Năm 2006, Thủ tướng Chính phủ có quyết định cho phép chuyển đổi 19 trường ĐH dân lập sang loại hình tư thục. Đến năm 2013, chỉ mới có các trường: Thăng Long, Hồng Bàng, Công nghệ TP.HCM, Hoa Sen và Hùng Vương (TP.HCM) hoàn tất việc chuyển đổi.

Những tranh chấp, lộn xộn liên tục xảy ra tại Trường ĐH Hùng Vương, sự thận trọng của các trường trong chuyển đổi, cùng với việc nhà nước tiếp tục sửa quy định, Bộ GD-ĐT sửa thông tư hướng dẫn... đã cho thấy quá trình chuyển đổi loại hình có những vướng mắc thực sự. Nếu né tránh những vấn đề này, hoặc chỉ giải quyết một cách phiến diện, có thể nảy sinh tình trạng bất ổn mang tính hệ thống và lâu dài.

Những khó khăn ấy không tồn tại đối với các trường ĐH tư thục thành lập mới mà chỉ phát sinh ở các trường ĐH dân lập chuyển loại hình sang tư thục. Gốc rễ của vấn đề ở chỗ: trường ĐH dân lập, sau một thời gian hoạt động, đã có tài sản và tài sản đã có chủ nhân. Vậy trước và sau khi chuyển đổi thì ai là chủ và tài sản được xử lý như thế nào? Trả lời câu hỏi này không đơn giản.

Cắt bớt chủ sở hữu

Trước khi chuyển đổi, tài sản của trường dân lập là tài sản chung của tập thể. Quy chế trường ĐH dân lập năm 2000 đã xác định chủ sở hữu của trường dân lập: “Tài sản của trường thuộc quyền sở hữu tập thể của những người góp vốn đầu tư, các giảng viên, cán bộ và nhân viên nhà trường”.

Trong khi đó, thực tế quá trình chuyển đổi tại một số trường cho thấy đã có sự lợi dụng để cắt bỏ thành phần chủ sở hữu trường, tức gạt bỏ “giảng viên, cán bộ và nhân viên”, chỉ để lại “người góp vốn đầu tư”.

Hồ sơ chuyển đổi theo quy định của Thông tư 20 năm 2010 hướng dẫn chuyển đổi từ dân lập sang tư thục gồm có nghị quyết của hội đồng quản trị (HĐQT) trường ĐH dân lập về việc công nhận danh sách tổ chức, cá nhân góp vốn, xác định vốn điều lệ, giá trị mỗi cổ phần, số lượng cổ phần; danh sách cổ đông có quyền biểu quyết và danh sách các cổ đông phổ thông. Như vậy, ở đây thiếu vắng thành phần giảng viên, cán bộ và nhân viên trường. Chưa kể thành phần này được liệt vào danh sách cổ đông phổ thông (không có quyền biểu quyết).

Dự thảo thông tư hướng dẫn chuyển đổi năm 2013 lại là một cách làm khác dẫn đến gạt bỏ “giảng viên, cán bộ và nhân viên” ra khỏi thành phần chủ sở hữu nhà trường. Theo dự thảo này, HĐQT trường dân lập có quyền “quyết nghị số lượng thành viên của mỗi thành phần trong HĐQT nhiệm kỳ đầu tiên của trường tư thục”. Trong khi số lượng thành viên đại diện cho giảng viên, tổ chức Đảng, đoàn thể, UBND tỉnh/thành phố là cố định 4 đại diện, thì số lượng thành viên đại diện cho những người góp vốn có thể được tăng lên để chiếm đa số. Cơ chế bầu thành viên đại diện cho những người góp vốn cũng là bầu theo cổ phần, người có nhiều tiền hơn sẽ nắm quyền quyết định. Vậy việc đại diện của giảng viên, tổ chức Đảng, đoàn thể, UBND... có mặt trong thành phần chủ sở hữu nhà trường cũng chỉ mang tính hình thức.

Cách làm này thực chất là cuộc chia lại tài sản, quyền sở hữu tập thể bị chuyển vào tay một nhóm cá nhân.

Mập mờ về tài sản không chia

Thông tư 20 năm 2010 quy định tài sản tích lũy được trong quá trình hoạt động theo quy chế dân lập là sở hữu tập thể, không chia cho cá nhân và được giao cho HĐQT của trường tư thục quản lý. Trong khi đó, Quyết định 61 năm 2009 về quy chế và hoạt động các trường tư thục lại quy định HĐQT của trường tư thục là tổ chức do những người có vốn góp bầu ra... Trong khi đó, theo Quy chế trường ĐH dân lập ban hành năm 2000, số lượng thành viên HĐQT tối thiểu là 7 người, trong đó có đại diện các thành phần sau: ban lãnh đạo của tổ chức xin thành lập trường; các nhà đầu tư về tài chính, tài sản để xây dựng trường; giảng viên, cán bộ và nhân viên cơ hữu của trường; hiệu trưởng; cấp ủy Đảng cơ sở của trường. Nếu thực hiện theo Quyết định 61, có một bộ phận thành viên của trường dân lập khi chuyển đổi sẽ bị tước mất quyền đối với phần tài sản mà pháp luật đã thừa nhận là họ có quyền sở hữu.

Theo Dự thảo thông tư hướng dẫn chuyển đổi năm 2013, tiền và tài sản do biếu, tặng hoặc cấp phát và tài sản được hình thành từ kết quả hoạt động của trường dân lập là tài sản sở hữu chung hợp nhất không phân chia. Giá trị tài sản này được chuyển thành vốn sở hữu chung hợp nhất không phân chia của trường tư thục. Tuy nhiên, tổ chức nào trong trường quản lý nguồn vốn này vẫn chưa được làm rõ. Hiện nay, nhà đầu tư đề nghị HĐQT quản lý, trong khi người lao động mong muốn mình quản lý. Tổ chức nào quản lý mà vẫn hài hòa lợi ích của các bên là chuyện mà chính sách cần giải quyết rõ ràng.

Như vậy, có thể hình dung vướng mắc chủ yếu của các trường trong chuyển đổi là từ nguồn lực đang có: khối tài sản chung không chia của trường ĐH dân lập và quyền làm chủ của tập thể. Nếu không giải quyết rốt ráo và công bằng vấn đề này có thể xảy ra tình trạng: khi trường được chuyển sang tư thục thì 3/4 số chủ nhân của nó bị loại ra, 1/4 số còn lại sẽ thâu tóm nhà trường. Khi trường tư thục hoàn thiện cơ cấu, cán bộ giảng viên, nhân viên sẽ thành những người làm thuê trong chính ngôi nhà họ đã từng chung sức xây dựng nên.

Viên Ninh - Đăng Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.