Thu hoạch mía chạy lũ ở Hậu Giang - Ảnh : Công Hân
Người trồng mía ở H.Phụng Hiệp bị đội chi phí vì hệ thống đê bao chưa được hoàn thiện - Ảnh : Công Hân |
Tăng chi phí sản xuất
Theo các chuyên gia, nếu cây mía trồng ở nơi chủ động được nguồn nước, không bị ngập úng thì lưu gốc từ 2 - 3 năm. Nghĩa là, chỉ xuống giống một lần, nông dân sẽ thu hoạch khoảng 3 vụ mà năng suất vẫn ổn định. Nếu lưu được gốc, sau khi thu hoạch nông dân chỉ cần cho thêm đất vào gốc, bón phân, phòng bệnh, tưới tiêu thì cây mía tiếp tục sinh trưởng. Cách sản xuất này vừa rút ngắn thời gian canh tác, ít tốn công và giảm đáng kể chi phí. Tuy nhiên, ở nhiều vùng trồng mía tập trung ở Hậu Giang, do việc đầu tư xây dựng đê bao ngăn lũ triển khai chậm nên mía thường xuyên bị ngập úng, không lưu gốc được gây thiệt hại lớn cho người trồng.
|
Theo tính toán của bà con nông dân, mỗi héc ta mía trồng mới tốn từ 4 - 5 triệu đồng, gồm tiền giống, công đào hộc, chặt hom, công trồng. Như vậy, với gần 9.000 ha mía vùng lũ chưa được xây dựng đê bao khép kín, hằng năm nông dân Hậu Giang tốn khoảng 40 tỉ đồng để trồng lại vụ mía mới. Ngoài tăng chi phí đầu tư thì người trồng mía còn chịu áp lực thiếu giống đầu vụ, kéo dài thời gian sinh trưởng, sâu bệnh, khô hạn…
Ông Nguyễn Thế Tự, Phó trưởng phòng NN-PTNT H.Phụng Hiệp, cho biết trồng mía lưu gốc là cách sản xuất cho năng suất cao được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Nhưng do địa phương chậm xây dựng đê bao ngăn lũ nên nông dân vẫn làm theo kiểu lạc hậu vừa tốn công, tốn vốn. Cách sản xuất này không chỉ hạn chế năng suất mà còn là nguyên nhân dẫn đến giá thành đường thương phẩm ở nước ta khá cao, khó cạnh tranh với đường thế giới.
Khẩn trương xây dựng đê bao
Để tránh tình trạng phải thu hoạch mía chạy lũ, không lưu được gốc, Hậu Giang đã đầu tư gần 160 tỉ đồng xây dựng hệ thống đê bao bảo vệ vùng nguyên liệu mía H.Phụng Hiệp, thời gian thực hiện từ năm 2012 - 2015. Giải pháp mà tỉnh này đưa ra nhằm giúp nông dân tránh tình trạng phải thu hoạch mía quá sớm khi chưa đủ chữ đường và giảm áp lực ép mía chạy lũ cho các nhà máy; đồng thời hướng tới đầu tư cơ giới hóa cho canh tác mía, áp dụng biện pháp lưu gốc để giảm giá thành. Tuy nhiên đến nay, dự án mới cơ bản khép kín khoảng 2.000 ha mía tránh được lũ. Hiện tiến độ triển khai dự án rất chậm, do bất đồng giữa dân và chính quyền trong khâu giải phóng mặt bằng, đền bù giải tỏa. Mặt khác, việc quy hoạch, thiết kế cống, đập, xây dựng kênh trục ngang, kênh sườn đứng, kênh nội đồng chưa phù hợp với sản xuất nên dự án bị gián đoạn trong thời gian dài. Mặc dù lãnh đạo tỉnh nhiều lần tổ chức họp nhằm tháo gỡ vướng mắc nhưng đến nay tiến độ thi công chưa được cải thiện, trong khi vụ mía mới đã xuống giống. Như vậy, người trồng mía ở Hậu Giang lại tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn trong niên vụ mới.
Kim Anh
Bình luận (0)