|
Tờ South China Morning Post (Trung Quốc) vào ngày 3.4 đã đăng tải nhận định nói trên của ông La, hiện đang là Phó chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến văn hóa chiến lược Trung Quốc. Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự khác tỏ ra hoài nghi với dự đoán cho rằng Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) có thể chiến thắng trong bất kỳ cuộc đụng độ nào trong tương lai, bất chấp lực lượng này đang được tăng cường và hiện đại hóa mạnh mẽ.
South China Morning Post dẫn lời một số chuyên gia quốc tế đánh giá rằng PLA vẫn còn thiếu kinh nghiệm thực chiến, cũng như vẫn có những hạn chế về mặt kỹ thuật ở một số lĩnh vực, chẳng hạn như động cơ máy bay.
Thiếu tướng La Viện nói rằng Trung Quốc và Nhật Bản đã tiến gần hơn đến nguy cơ bùng nổ xung đột vũ trang sau khi Bắc Kinh đơn phương thiết lập vùng nhận dạng phòng không hồi tháng 11.2013 tại biển Hoa Đông, bao trùm cả quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, nơi đang có tranh chấp giữa 2 nước.
“Trung Quốc nên duy trì tình trạng cảnh giác cao độ vì Nhật trước đây từng tạo ra những sự cố nhỏ hòng kích động một cuộc xung đột quân sự”, ông La nói.
Viên tướng này cũng đã bác thông tin từ một số hãng truyền thông Nhật Bản cho rằng Tokyo trội hơn về sức mạnh trên không vì phi công và phi hành đoàn của nước này có kinh nghiệm nhiều hơn và được đào tạo tốt hơn.
“Nhận định đó là chiến thuật đánh lừa dư luận của Nhật”, theo ông La.
|
Ông còn nói thêm rằng PLA đã điều các máy bay tiên tiến nhất và đã gửi những hỗ trợ hậu cần lớn nhất cho các căn cứ quân sự dọc theo bờ biển phía đông nam nước này - một động thái cho thấy quân đội Trung Quốc đã sẵn sàng cho bất kỳ cuộc xung đột quân sự nào trong khu vực.
“Cho đến nay, toàn bộ máy bay mà 2 nước gửi ra vùng biển gần Senkaku/Điếu Ngư đều là chiến đấu cơ thế hệ thứ 3. Các máy bay tiên tiến và hiện đại nhất của PLA đã được đưa vào sử dụng, gồm J-10, J-11B và Su-27 (do Nga sản xuất)”, ông La nói.
“Trong khi đó, Nhật Bản chỉ điều động được khoảng 30 chiếc F-15J, vốn đã có mặt trong không lực nước họ từ những năm 1980”, viên tướng Trung Quốc cho hay.
Tuy nhiên, ông La lại không cho biết PLA sẽ điều động bao nhiêu chiến đấu cơ nếu chiến tranh nổ ra.
Ngoài ra, viên tướng khét tiếng “diều hâu” này còn khẳng định rằng Bắc Kinh có lợi thế vượt trội về số lượng và loại máy bay.
“Trung Quốc có một vài sân bay quân sự dọc theo bờ biển phía đông nam và chúng có khả năng cung cấp hỗ trợ hậu cần hiệu quả cho chiến đấu cơ PLA vì nằm Senkaku/Điếu Ngư hơn”, ông La phân tích.
“Còn ở Nhật, chỉ có đúng một sân bay nằm gần quần đảo này: sân bay Naha ở đảo Okinawa”, tướng Trung Quốc nói thêm.
|
Trái ngược với sự lạc quan về sức mạnh quân sự của thiếu tướng La Viện, ông Ni Lexiong, Giám đốc trung tâm nghiên cứu chính sách quốc phòng của Trường Đại học Luật và khoa học chính trị, nói ông không tin rằng PLA sẽ chiếm thế thượng phong trong bất kỳ cuộc chiến nào.
“Sự thật thì hoạt động hỗ trợ hậu cần của Trung Quốc gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tốt hơn của Nhật vì căn cứ quân sự tại 2 tỉnh Phúc Kiến và Chiết Giang đã được đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu với Đài Loan kể từ những năm 1950”, ông Ni nói.
“Nhưng chúng ta không nên bỏ qua Mỹ, phía sẽ đóng một vai trò quyết định trong bất kỳ cuộc chiến nào giữa Trung Quốc và Nhật”, vị này nhận định.
Đáp lại nhận định nói trên, thiếu tướng La nói rằng Mỹ sẽ không can thiệp vào bất kỳ xung đột nào.
South China Morning Post cũng dẫn phân tích của một nhà quan sát quân sự khác đang ngụ tại Macau là ông Antony Wong Dong cho rằng nếu chiến tranh Trung, Nhật thực sự nổ ra, toàn bộ các căn cứ quân sự và khí tài trên biển và trên đất liền sẽ là mục tiêu của bom máy bay.
“Trung Quốc có nhiều chiến đấu cơ hơn Nhật Bản, nhưng một phi công Nhật có lẽ ngang ngửa với ít nhất là 3 phi công PLA do họ được khổ luyện và đã tham gia tập trận chung với không quân Mỹ”, ông này cho hay.
Hoàng Uy
>> Ba ‘chiêu thức’ chiến tranh mới của Trung Quốc
>> Mỹ giảm nhẹ nhận định về chiến tranh Trung - Nhật
>> Báo Nga: Mỹ đánh bại Trung Quốc trong một giờ nếu chiến tranh hạt nhân
>> Nhật sẽ trưng dụng tàu dân sự nếu có chiến tranh tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư
Bình luận (0)