Vụ kéo dài tuổi hưu cho cán bộ: Bộ Tư pháp 'linh động' vận dụng luật

08/04/2014 14:30 GMT+7

(TNO) Mặc dù Chính phủ chưa ban hành nghị định hướng dẫn thi hành nhưng Bộ Tư pháp vẫn áp dụng quy định của Bộ luật lao động để kéo dài tuổi hưu cho một số cán bộ.

(TNO) Mặc dù Chính phủ chưa ban hành nghị định hướng dẫn thi hành nhưng Bộ Tư pháp vẫn áp dụng quy định của Bộ luật lao động để kéo dài tuổi hưu cho một số cán bộ.

>> Xử lý các đơn vị kéo dài tuổi nghỉ hưu cho cán bộ
>> Làm lại khai sinh nhằm kéo dài tuổi hưu?
>> Xử lý vụ làm lại giấy khai sinh kéo dài tuổi hưu

Tại cuộc họp báo thường kỳ sáng nay, 8.4, ông Trần Tiến Dũng, Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ Tư pháp đã trả lời về một số trường hợp cán bộ của Bộ Tư pháp kéo dài tuổi nghỉ hưu.

Đối với trường hợp ông Trần Văn Quảng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ lẽ ra nghỉ hưu từ ngày 1.3.2014 nhưng Ban cán sự Đảng của Bộ Tư pháp đã quyết định kéo dài thời gian công tác của ông Quảng thêm 6 tháng.

ông Trần Tiến Dũng
Ông Trần Tiến Dũng, Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ Tư pháp - Ảnh: Thái Sơn

Theo ông Trần Tiến Dũng, nguyên nhân chính để giữ lại ông Quảng là do Bộ Tư pháp có sự biến động lớn về lãnh đạo, trong đó có 2 Thứ trưởng thuộc diện luân chuyển cán bộ của Trung ương. Tới ngày 1.5 tới lại tiếp tục có thêm Thứ trưởng Hoàng Thế Liên nghỉ hưu theo chế độ.

“Sắp tới Bộ Tư pháp sẽ chỉ còn 2 Thứ trưởng. Hơn nữa 2 thủ trưởng đơn vị khác cũng được Ban Bí thư xem xét luân chuyển về địa phương. Ngoài ra trong thời gian này lần đầu tiên Bộ Tư pháp thí điểm thi tuyển lãnh đạo cấp vụ.

Ông Quảng là người có năng lực, học hành bài bản ở nước ngoài và sức khỏe vẫn đáp ứng được yêu cầu công tác nên Ban cán sự Đảng bộ Bộ Tư pháp đã tổ chức cuộc họp, có mời đại diện Ban Tổ chức Trung ương và Ban Nội chính Trung ương tham dự để bàn về việc này.

Qua đó đã thống nhất kéo dài tuổi nghỉ hưu của ông Trần Văn Quảng và có thông báo gửi các cơ quan Trung ương, công bố công khai tại giao ban các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp", ông Dũng cho biết.

Trả lời báo chí về việc Bộ Tư pháp đã căn cứ vào quy định nào, ông Dũng viện dẫn Khoản 3, Điều 187 Bộ luật Lao động (có hiệu lực từ 1.5.2013) đối với việc sử dụng người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, trình độ trong quản lý có thể nghỉ hưu ở độ tuổi cao hơn so với quy định chung (nữ đủ 55 tuổi, nam đủ 60 tuổi) nhưng không quá 5 năm.

“Luật đã giao cho Chính phủ quy định chi tiết thi hành vấn đề này. Chính phủ đã thảo luận, cho ý kiến và đến nay nghị định hướng dẫn đang trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định. Trong thời gian Chính phủ chưa ban hành thì Bộ Tư pháp đã vận dụng quy định của điều luật này để quyết định kéo dài thời gian nghỉ hưu 6 tháng với ông Trần Văn Quảng”, ông Dũng nói.

Đối với trường hợp tiến sĩ Dương Thị Thanh Mai - chuyên viên cao cấp của Bộ Tư pháp dù không còn giữ chức Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý nhưng suốt nhiều năm qua bà Mai vẫn được hưởng chế độ tương đương Viện trưởng. Ông Trần Tiến Dũng cũng cho biết đã áp dụng theo Nghị định 71/2010 về thời gian công tác đến độ tuổi nghỉ hưu.

“Kéo dài là xuất phát từ nhu cầu công tác của bộ ngành, cần người có chuyên môn cao, nghiên cứu khoa học, xây dựng chiến lược. Thời gian qua bà Mai đã tham gia vào nhiều dự án luật quan trọng cũng như chính sách quan trọng của Bộ Tư pháp”, ông Dũng nói và cho biết đến ngày 1.3, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký quyết định cho bà Mai nghỉ hưu.

Cũng theo ông Trần Tiến Dũng, việc Bộ Tư pháp quyết định các chính sách về nhân sự nói trên không gặp bất cứ phản ứng nào của cán bộ công chức trong ngành tư pháp và cũng nhận được sự đồng thuận của Ban Tổ chức và Ban Nội chính Trung ương.

Thái Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.