(TNO) Sự bất lực trong quản lý bản quyền truyền hình các giải đấu quốc tế tại Việt Nam là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến việc giá bản quyền truyền hình ở Việt Nam (VN) ngày một bị leo thang và hậu quả là người xem lãnh đủ.
>> Bản quyền truyền hình World Cup 2014: Đồng tiền và lỗ xỏ
>> Bản quyền truyền hình tại Việt Nam: Người nhà xâu xé nhau
>> Bản quyền truyền hình tại Việt Nam: Mạnh ai nấy mua
Cứ vào cuộc khi đã muộn
Là những người theo sát mọi diễn biến nhiều cuộc chạy đua của các nhà đài về bản quyền truyền hình, trong đó gay cấn nhất là bản quyền giải Ngoại hạng Anh và World Cup, giới truyền thông đã từng chứng kiến một vài lần hòa giải của Bộ Thông tin Truyền thông. Nhưng sự hòa giải này không đem đến hiệu quả tích cực như mong đợi.
Cách đây chưa lâu, một chuyên gia trong lĩnh vực bản quyền truyền hình đã khẳng định với Thanh Niên Online rằng, công ty MP&Silva đã thao túng và làm “lũng đoạn” thị trường bản quyền tại Việt Nam (VN) khi đẩy giá bản quyền Ngoại hạng Anh trên lãnh thổ VN từ con số 4 triệu USD (năm 2007) lên 8,5 triệu USD (năm 2010).
|
Và sau đó, đến năm 2013, lại đến lượt công ty IMG cũng bị chỉ trích dữ dội vì tiếp tục “góp tay” thao túng thị trường VN khi bán cho K+ bản quyền Ngoại hạng Anh, con số cao gấp 4 lần là 33,5 triệu USD.
|
Thế nhưng, nói thế cũng chỉ đúng một phần. Nếu ngay từ đầu, các đài truyền hình ở VN cùng nhìn về một hướng, không khẩu chiến quyết liệt trên các phương tiện thông tin đại chúng và nhất là không “đi đêm” với đối tác nước ngoài thì việc mua bản quyền có thể đã êm đẹp hơn rất nhiều.
Và nếu ngay từ đầu, cơ quan chủ quản của các đài là Bộ Thông tin Truyền thông định hướng rõ ràng việc mua bán, thì cũng không xảy ra cảnh “huynh đệ tương tàn”, người trong nhà “xâu xé” lẫn nhau.
Bị “đấu tố” cũng chẳng sợ
Cuối tháng 8 năm 2010, vài tháng sau khi K+ công bố sở hữu bản quyền truyền hình Ngoại hạng Anh đến năm 2013, Bộ Thông tin Truyền thông mới tổ chức cuộc họp nhằm “hạ hỏa” những cái đầu nóng là đối thủ của K+.
Rất nhiều tuyên bố hùng hồn được đưa ra, ví dụ như lãnh đạo Bộ khẳng định, nếu tình hình độc quyền còn tiếp diễn thì niềm tin của người tiêu dùng vào các sản phẩm truyền hình sẽ bị suy giảm nghiêm trọng.
Hay một quan chức khác của Cục phát thanh truyền hình - thông tin điện tử thuộc Bộ này lại lên án K+ đã vi phạm luật cạnh tranh. Các đài thì cũng “đồng thanh” kêu to là tác hại của việc cạnh tranh không lành mạnh là rất khôn lường và đã đến lúc các đài truyền hình tại VN cần phải chấm dứt.
Nhưng buổi hòa giải không đem đến ích lợi như mong muốn. Nếu không muốn nói “trắng phớ” là Bộ đã bất lực. K+ vẫn tiếp tục giữ nguyên quan điểm của mình và chẳng mảy may suy chuyển chiến lược hành động.
Hiệp hội truyền hình trả tiền VN cũng bất lực
|
Cũng vì không mảy may suy chuyển chiến lược hành động (thậm chí càng về sau còn tỏ ra “ác liệt” hơn) nên K+ lại bị “đấu tố” lần 2 vào tháng 8 năm ngoái.
Xin được nhắc lại rằng, so với cách đây 4 năm, liên minh của các đài có vẻ mạnh lên nhiều vì có sự tiếp sức của Hiệp hội truyền hình trả tiền VN (thành lập vào đầu năm 2011).
Hiệp hội đã ít nhất 2 lần soạn thảo công văn trình Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin Truyền thông phê phán nặng nề Đài truyền hình VN (VTV) khi đã không “bảo ban” được K+.
Hiệp hội đã đề nghị Văn phòng Chính phủ, Bộ có biện pháp chỉ đạo giải quyết kịp thời để bản quyền phát sóng truyền hình giải Ngoại hạng Anh 3 mùa giải 2013-2016 tại Việt Nam đạt được sự hài hòa về lợi ích của các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền và lợi ích của người hâm mộ cả nước.
Cuộc đấu tố lần 2 tuy cực kỳ căng thẳng nhưng không hề có tác dụng. Các đài ầm ầm kêu gọi tẩy chay K+ nhưng rút cuộc, đơn vị này vẫn kiên quyết không chia sẻ bản quyền phát sóng 2 gói độc quyền giải Ngoại hạng Anh (EPL).
Xâu chuỗi lại một phần diễn tiến của sự việc, mới thấy, vấn đề độc quyền bản quyền truyền hình đúng là đang đem lại những hậu quả khôn lường.
Mà bằng chứng là dân ta có thể mất xem World Cup 2014 vì không nhà đài nào chịu nổi cái giá 10 triệu USD mà công ty MP&Silva - đơn vị từng bị đánh giá là thao túng và làm lũng đoạn thị trường VN đưa ra.
Lan Phương
Bình luận (0)