Đó còn là lòng kính ngưỡng, là niềm tự hào vô biên về truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt khởi từ các vua Hùng. Dù 4.000 năm, hơn 4.000 năm hay ít hơn 4.000 năm, điều quan trọng nhất vẫn là dân tộc ta đã ý thức mình là một dân tộc độc lập, trong một lãnh thổ, một cương vực độc lập. Có dân, có vua, có nước. Đơn sơ lắm, mà thấm thía vô cùng!
Nói thật, nếu thời các vua Hùng, mà “vua không ra vua, dân chẳng ra dân” thì làm sao qua hàng ngàn năm, người Việt Nam lại có thể hành hương về đền thờ các vua Hùng - tượng trưng cho đền thờ Quốc Tổ dân tộc Việt - với lòng yêu kính và niềm tự hào đến như vậy! Đó là một điều rất đặc biệt mà không phải dân tộc nào cũng có được.
Điều đặc biệt ấy có được, vì ngay từ thời các vua Hùng, dân tộc chúng ta đã phải đổ mồ hôi sôi nước mắt để dựng lên bờ cõi, đã phải trường kỳ chiến đấu qua bao nhiêu thăng trầm chống lại các thế lực xâm lăng từ bên ngoài. Không phải trận chiến chống xâm lược nào ông cha ta cũng thắng, cũng như không phải cuộc khởi nghĩa nào cũng đánh đuổi được giặc ngoại xâm ra khỏi bờ cõi. Nhưng lòng yêu nước, hùng tâm tráng khí của dân tộc Việt, của các vua Việt đã bao phen khiến quân xâm lược phải kinh hoàng. Dân tộc chúng ta, một trong những dân tộc phải chiến đấu nhiều nhất, trường kỳ nhất để có một quốc gia độc lập và thống nhất, dân tộc ấy hiểu hơn ai hết giá trị của nền độc lập, của toàn vẹn lãnh thổ và lãnh hải, của tự do và nhân phẩm. Lòng yêu nước và niềm tự hào khi mỗi người dân Việt hướng về ngày giỗ Quốc Tổ Hùng Vương mang ý nghĩa như vậy. Nó không phải là những “kỷ lục” hay những “lễ vật to lớn nhất”. Nó bình dị ẩn sâu trong tim mỗi người dân Việt. Nó là niềm tự hào thầm lặng mỗi khi chúng ta nhớ, nghĩ về cha ông mình. Những hy sinh của bao đời, bao thế hệ cha ông là để hôm nay lòng tự hào ấy trở nên vô cùng chính đáng. Mỗi người Việt cần thấm thía điều này để sống ngẩng cao đầu vì đã giữ gìn được nhân phẩm của chính mình. Sống tử tế, có nhân phẩm, rồi sẽ có lòng yêu nước. Có lòng yêu nước - một giá trị vĩnh hằng trong mọi thời đại - sẽ có lòng tự hào chân chính, sẽ vươn lên bất chấp mọi nghịch cảnh, sẽ khiêm nhường như một người biết học và biết hành. Có lẽ các vua Hùng cũng chỉ mong con cháu mình được như vậy. Các vua Hùng không cần ở các cháu con những lễ vật to lớn một cách hình thức, phô trương vô nghĩa, mà cần ở cháu con lòng yêu nước, niềm tự hào về dân tộc mình. Ngày giỗ Tổ là để chúng ta thầm lặng nghĩ suy về những điều ấy, dù ta đã và đang hành hương về Đền Hùng, hay ta đang ở đúng nơi ta làm việc và suy nghĩ.
Thanh Thảo
>> Hàng triệu lượt du khách tham dự Giỗ tổ Hùng Vương
>> Giỗ tổ Hùng Vương: Hệ ý thức đầu tiên của quốc gia dân tộc
>> Nhiều hoạt động hướng về Giỗ tổ Hùng Vương
Bình luận (0)