Thi tốt nghiệp THPT: Sẽ triệt tiêu văn mẫu?

11/04/2014 03:00 GMT+7

Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết sẽ đưa văn bản ngoài sách giáo khoa và áp dụng cách kiểm tra của PISA vào đề thi môn văn ở phần đọc hiểu; giảm thời gian làm bài nhưng có cả 2 phần nghị luận xã hội và văn học.

Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết sẽ đưa văn bản ngoài sách giáo khoa và áp dụng cách kiểm tra của PISA vào đề thi môn văn ở phần đọc hiểu; giảm thời gian làm bài nhưng có cả 2 phần nghị luận xã hội và văn học.

 Thi tốt nghiệp THPT: Sẽ triệt tiêu văn mẫu?
Học sinh lớp 12 Trường THPT Bùi Thị Xuân (TP.HCM) học nhóm môn văn chiều 10.4 - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Đó là những quyết định được Bộ GD-ĐT công bố tại hội thảo Đổi mới kiểm tra đánh giá chất lượng học tập môn ngữ văn ở trường phổ thông do Bộ GD-ĐT tổ chức hôm qua (10.4) tại Hà Nội.

 

Cách xác định trong bài làm phải có bao nhiêu ý cũng phải được thay đổi.

Quan trọng là xác định những yêu cầu, kỹ năng HS đạt được ở mức độ nào; cách thức giải quyết vấn đề của HS khi làm bài văn để cho điểm

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển

Dữ liệu ngoài sách giáo khoa nhưng không đánh đố

Ngay tại hội thảo, vẫn còn có ý kiến băn khoăn và đề nghị Bộ GD-ĐT không nên lấy văn bản ngoài sách giáo khoa làm ngữ liệu cho phần đọc hiểu vì cho rằng thay đổi này là gấp gáp và quá bất ngờ. Tuy nhiên, ông Nguyễn Vinh Hiển - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT khẳng định: “Ngữ liệu trong phần đọc hiểu văn bản của đề thi chắc chắn sẽ không lấy trong sách giáo khoa. Văn bản đó không vượt quá năng lực nhận thức của học sinh (HS) tốt nghiệp THPT, không đánh đố HS. Văn bản được lựa chọn chắc chắn không có những kiểu câu quá phức tạp, nhiều từ ngữ địa phương khiến cho HS miền Bắc thì hiểu, miền Nam thì không…”. Ông Hiển nhấn mạnh: “Nhiều khi chúng ta cứ bó HS vào những văn bản có sẵn và bắt các em học thuộc thì chính là làm khó cho HS”.

Ông Hiển nói thêm: “Việc thiết kế câu hỏi của phần đọc hiểu sẽ theo cách làm của PISA”.

Phần viết chiếm tỷ lệ lớn hơn đọc - hiểu

PGS Đỗ Ngọc Thống, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, thường trực Ban Chỉ đạo đổi mới chương trình giáo dục phổ thông sau 2015 cho biết đề thi tốt nghiệp THPT có 2 phần: đọc - hiểu và viết (tạo lập văn bản).

Phát biểu tại hội thảo, ông Thống cho biết: “Sẽ có cả phần nghị luận văn học và nghị luận xã hội. Tuy nhiên, yêu cầu của đề thi tốt nghiệp sẽ thiết kế sao cho phù hợp với khả năng của HS và phù hợp với thời gian làm bài là 120 phút”. Do vậy, có thể có những phần chỉ yêu cầu HS thể hiện quan điểm ở một khung hoặc một đoạn viết nhất định chứ không nhất thiết phải trình bày trọn vẹn cả 2 bài luận.

Ông Thống phân tích: Phần đọc hiểu là kiểm tra kiến thức mang tính thông tin thuần túy. Phần viết kiểm tra kiến thức toàn diện hơn, trong đó đánh giá cả về chính tả, ngữ pháp; sự trong sáng về tiếng Việt; sự sáng tạo và cả quan điểm riêng... của HS.

 

Áp dụng với cả đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ

Trao đổi với báo chí bên lề hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khẳng định cách ra đề môn ngữ văn với những yêu cầu mới sẽ áp dụng cả với kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ. Bộ GD-ĐT chủ trương năm nay nhất định sẽ đổi mới và định hướng ngày càng có những yêu cầu cao hơn ở những năm sau.

Trao đổi bên lề với phóng viên Thanh Niên, ông Thống cho biết tuy chưa định rõ tỷ lệ giữa 2 phần này trong đề thi nhưng chắc chắn phần viết sẽ chiếm thời lượng và điểm số lớn hơn. “Nếu nắm vững kiến thức cơ bản, HS có thể sẽ chỉ làm phần đọc hiểu trong vòng 15 phút, còn lại dành cho phần viết”, ông Thống nói.

Chấm thi mở

Nhiều ý kiến tại hội thảo cũng nêu thực tế đổi mới cách ra đề thi không khó nhưng đổi mới cách chấm mới là vấn đề cần đặc biệt quan tâm.

PGS Phan Trung Dũng (Khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm Vinh) đề nghị đáp án chấm thi môn văn phải rất linh hoạt, không gò bó và không nên đòi hỏi một đáp án chuẩn. Khi đề thi đã mở thì đáp án cần xây dựng cụ thể nhưng chỉ đưa ra như một gợi ý chứ không bắt buộc giám khảo chấm thi phải tuân thủ tuyệt đối. Bà Nguyễn Thị Thu Thanh (Sở GD-ĐT Hải Dương) cho rằng việc cần làm ngay là thay đổi nhận thức của các thầy cô giáo trong biên soạn đề theo hướng mở, chấm mở và trân trọng những cái mới của HS.

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khẳng định: “Cách xác định trong bài làm phải có bao nhiêu ý cũng phải được thay đổi. Quan trọng là xác định những yêu cầu, kỹ năng HS đạt được ở mức độ nào; cách thức giải quyết vấn đề của HS khi làm bài văn để cho điểm”. Ông Hiển cũng nói rõ với hướng ra đề thi và chấm thi như vậy thì chắc chắn là từ năm nay sẽ không để xảy ra việc HS học thuộc văn mẫu rồi mang vào chép vẫn đạt điểm cao.

Áp dụng PISA vào đề thi tốt nghiệp có phù hợp?

Việc lãnh đạo Bộ GD-ĐT khẳng định áp dụng cách kiểm tra kỳ thi PISA (chương trình đánh giá HS quốc tế do OECD - Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế thế giới khởi xướng) khiến dư luận nghi ngại vì mục tiêu của 2 kỳ kiểm tra này hoàn toàn khác nhau.

Chương trình PISA nhằm kiểm tra xem khi đến độ tuổi kết thúc phần giáo dục bắt buộc, HS đã được chuẩn bị để đáp ứng các thách thức của cuộc sống sau này ở mức độ nào. Nội dung đánh giá của PISA hoàn toàn được xác định dựa trên các kiến thức, kỹ năng cần thiết cho cuộc sống tương lai, không dựa vào nội dung các chương trình giáo dục quốc gia. Mục đích kỳ thi này nhằm kiểm tra, đánh giá, so sánh trình độ HS trong cùng lứa tuổi trong khối OECD và các nước khác. Trong khi đó kỳ thi tốt nghiệp THPT nhằm mục đích đánh giá, xác nhận trình độ của người học theo mục tiêu giáo dục sau khi học hết chương trình THPT, làm cơ sở để chuẩn bị cho người học tiếp tục học lên hoặc đi vào cuộc sống lao động, cơ sở đánh giá kết quả dạy và học của trường phổ thông, công tác chỉ đạo của cơ quan quản lý giáo dục.

Vì thế, việc áp dụng PISA vào đề thi tốt nghiệp sẽ không hoàn toàn phù hợp. Trước ý kiến này, ông Đỗ Ngọc Thống cho biết PISA là cách đánh giá trên diện rộng và kết quả của nó nhằm mục đích để điều chỉnh chính sách giáo dục của mỗi quốc gia, mỗi vùng miền. Do vậy, việc áp dụng cách đánh giá của PISA vào đề thi môn văn chỉ phù hợp ở phần đọc hiểu với mục đích kiểm tra thông tin thuần túy. “Bộ chỉ vận dụng kỹ thuật kiểm tra đọc hiểu của PISA, còn ở phần viết thì cách thức này không phù hợp vì PISA không quan tâm đến việc kiểm tra chính tả, ngữ pháp hay sự trong sáng của tiếng Việt”, ông Thống giải thích thêm.

Trao đổi thêm với phóng viên Thanh Niên vào tối qua, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nói: “Chỉ chọn lọc những gì phù hợp của PISA chứ không phải đưa tất cả vào đề thi tốt nghiệp vì 2 kỳ thi có 2 mục đích không hoàn toàn tương đồng”.

T.N

>> Thi tốt nghiệp THPT: Sẽ đưa văn bản ngoài SGK vào đề văn
>> Thay đổi lớn trong đề thi tốt nghiệp THPT
>> Thi tốt nghiệp THPT: Đề thi hướng đến kỹ năng vận dụng kiến thức
>> Thay đổi điểm 'liệt' thi tốt nghiệp THPT
>> Sau thời hạn đăng ký thi tốt nghiệp THPT: Không được đổi môn tự chọn
>> Bộ Giáo dục - Đào tạo công bố lịch thi tốt nghiệp THPT

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.