(TNO) Sáng nay 11.4, nhiều Clip học sinh đánh nhau đã được mang đến trình bày tại hội thảo về “Công tác giáo dục đạo dức lối sống cho học sinh, sinh viên (HSSV)” do Bộ Giáo dục - Đào tạo tổ chức.
>> Kỷ luật học sinh đánh nhau tung clip lên mạng
>> Học sinh đánh nhau
>> Tình trạng học sinh đánh nhau trong trường học đã giảm
>> Lãnh đạo trường xin lỗi phụ huynh vì học sinh đánh nhau
>> Bất lực nhìn học sinh đánh nhau
|
Tình trạng học sinh đánh nhau ngày càng tăng
Hầu hết các tham luận tại hội thảo đều lên tiếng báo động về việc vi phạm các chuẩn mực đạo đức trong một bộ phận học sinh sinh viên. Ông Nguyễn Đắc Hưng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đào tạo và Dạy nghề (Ban Tuyên giáo T.Ư) cho biết: Hiện nay vấn đề giáo dục đạo đức lối sống đang được cả xã hội hết sức quan tâm và lo lắng. Trong 22 triệu học sinh sinh viên, số em có đạo đức lối sống không tốt chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ nhưng số lượng tuyệt đối thì không nhỏ và đã gây bao nỗi băn khoăn, lo lắng cho xã hội bởi những hậu quả do sự xuống cấp về đạo đức, lối sống.
Những hành vi đáng báo động là trốn học, gian lận thi cử, đánh nhau, trộm cắp vặt, xin đểu, vô lễ, hành hung thầy cô giáo… Nhiều sinh viên có lối sống thực dụng, mờ nhạt về lý tưởng, thiếu hoài bão lập thân, lập nghiệp… Đặc biệt là tình trạng đánh nhau trong học sinh ngày càng nhiều, không chỉ nam sinh mà còn có nữ sinh, có khi dùng cả hung khí, hành xử với nhau vô cùng dã man…
Đây cũng là nhận định của rất nhiều đại biểu tham dự thội thảo. Anh Doãn Hồng Hà, Phó ban Thanh niên Trường học T.Ư Đoàn còn đưa ra các Clip của học sinh đánh nhau vừa được tung lên mạng Internet. Anh nhận định: “Vấn nạn bạo lực học đường có xu hướng gia tăng, xuất hiện nhiều nữ quái, nữ đầu gấu trong trường học. Hiện tượng học sinh sinh viên tự quay Clip sex, tự đăng lên các diễn đàn, các mạng xã hội đang có xu hướng phổ biến…”.
Do gia đình, nhà trường
Phân tích những nguyên nhân dẫn đến thực trạng nêu trên, ông Nguyễn Đắc Hưng cho rằng, thứ nhất là do gia đình thiếu sự quan tâm, giáo dục. Ông nói: “Việc nuôi dạy con cái ngay từ tuổi ấu thơ đến lúc trưởng thành là việc rất công phu và khoa học, nó hình thành nên giá trị của mỗi con người. Nếu trẻ em hư hỏng, trước hết thuộc về lỗi của các bậc làm cha mẹ. Bởi vì từ khi mới sinh ra đến tuổi đi học, trẻ chịu sự chi phối sâu sắc của cha mẹ, mọi hành vi, cử chỉ, thái độ tình cảm của cha mẹ đều tác động mạnh mẽ, sâu sắc đến sự hình thành nhân cách của trẻ.”
Ông Hưng cũng cho rằng, nguyên nhân quan trọng khác là do sự giáo dục đạo đức lối sống trong nhà trường hiện nay kém hiệu quả. Nhà trường chú trọng truyền đạt kiến thức hơn là giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh sinh viên. Giáo dục nặng về dạy chữ, nhẹ về dạy người.
Nhiều đại biểu tham dự hội thảo đã đồng tình với những phân tích của ông Hưng. Ông Chu Văn Yêm, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước nhận định: “Giáo dục trong nhà trường dù tốt đến mấy nhưng thiếu giáo dục trong gia đình và xã hội thì kết quả cũng không toàn diện, bền vững”.
Vũ Thơ
Bình luận (0)