|
Theo báo cáo đăng trên website ngày 14.4, tổ chức nghiên cứu của Thụy Điển cho biết chi tiêu quốc phòng toàn cầu là 1,75 ngàn tỉ USD trong năm 2013, giảm 1,9% so với năm 2012. Sự tụt giảm này chủ yếu do những cắt giảm chi tiêu quốc phòng ở Mỹ khi Washington rút quân khỏi Iraq và thu hẹp can dự vào cuộc chiến tại Afghanistan. Nếu không có những cắt giảm này, chi tiêu quân sự sẽ tiếp tục tăng trên toàn cầu, đặc biệt ở châu Á.
Sự vươn lên của Nga
Theo SIPRI, lần đầu tiên trong 15 năm, tỷ lệ chi tiêu quốc phòng/GDP của Nga lớn hơn Mỹ (4,1% so với 3,8%). Cụ thể, trong năm 2013, ngân sách quốc phòng Nga ở mức 87,8 tỉ USD, tăng 4,8% so với trước đó.
AP dẫn lời chuyên gia Sam Perlo-Freeman thuộc SIPRI nhận định việc Nga tăng chi tiêu quân sự là phù hợp với kế hoạch vũ trang quốc gia giai đoạn 2011-2020 của nước này. Theo đó, Moscow đã đặt mục tiêu chi hơn 700 tỉ USD để hiện đại hóa trang thiết bị, công nghệ và ngành công nghiệp quốc phòng. Có đến 70% trang thiết bị quân sự của Nga sẽ được thay thế từ nay đến năm 2020. Theo đánh giá của SIPRI, dù lực lượng vũ trang với hơn 850.000 binh sĩ của Nga vẫn được xem là lớn nhất khu vực, áp đảo quân đội các nước láng giềng, nhưng đa phần khí tài đều cần được hiện đại hóa. “Mục tiêu củng cố năng lực của quân đội Nga đã trở nên cấp bách hơn kể từ sau cuộc chiến với Georgia vào năm 2008, vốn phơi bày những thiếu sót nghiêm trọng về công nghệ quốc phòng và tinh thần sẵn sàng của binh sĩ”, chuyên gia Perlo-Freeman nói. Tuy nhiên, ông cũng nhận định rằng những khó khăn chung của kinh tế thế giới có thể cản trở Nga tăng chi tiêu quân sự nhanh hơn so với dự định.
Về phần Mỹ, SIPRI chỉ ra rằng chi tiêu quân sự của nước này đã giảm 7,8% trong năm qua nhưng Washington vẫn là nhà đầu tư cho vũ khí lớn nhất thế giới với 640 tỉ USD và tiếp tục giữ ngôi đầu bảng về chi tiêu quân sự, chiếm hơn 1/3 trong tổng chi toàn cầu.
Trung Quốc vẫn “không minh bạch”
Trung Quốc đứng thứ 2 sau Mỹ trong “bảng xếp hạng” của SIPRI với đầu tư quân sự tăng 7,4%, đạt 188 tỉ USD trong năm qua. Ông Perlo-Freeman cũng lặp lại chỉ trích của một số quốc gia rằng Trung Quốc vẫn thiếu minh bạch trong các hoạt động quốc phòng, bao gồm cả ngân sách nên quá trình tính toán, phân tích của SIPRI gặp nhiều khó khăn. Tuy vậy, theo chuyên gia này, có thể thấy là tiền chi cho vũ khí và huấn luyện “đang tăng mạnh”.
Tờ Nikkei dẫn lời các chuyên gia quốc tế nhận định quân đội Trung Quốc đang nỗ lực phát triển những loại vũ khí và công nghệ trước đó chỉ có ở phương Tây và Nga nhưng hiệu quả vẫn còn đang gây nghi ngờ. Tàu sân bay Liêu Ninh được mua từ Ukraine rồi tân trang lại đã hoàn thành đợt thử nghiệm thứ 3 hồi tháng 1 và trong tuần qua. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã thăm tàu này trong khoảng 2 giờ. Đây được xem là một động thái cởi mở hiếm hoi của Trung Quốc nếu so với lần thử nghiệm không thông báo trước chiến đấu cơ J-20 ngay giữa lúc người tiền nhiệm của ông Hagel là Robert Gates đang ở Bắc Kinh hồi năm 2011. Ngoài ra, truyền thông trong nước dẫn lời giới chức tiết lộ Trung Quốc đã khởi công tàu sân bay thứ 2. Theo ước tính của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS), Trung Quốc và Ấn Độ sẽ có 3 tàu sân bay mỗi nước trong khu vực trong vòng 1 thập niên tới.
Theo Bloomberg, một chuyên gia khác của SIPRI là Mathieu Duchatel nhận định chi tiêu quân sự của Trung Quốc là một dấu hiệu cho thấy nước này sẽ tiếp tục quan điểm ngày càng quyết liệt và gây lo ngại đối với các cuộc tranh chấp biển đảo trong khu vực. Một số nhà phân tích lo ngại rằng sự gia tăng chi tiêu quân sự của Bắc Kinh sẽ đặt các láng giềng trong tình trạng báo động, và trên thực tế đã khiến một số nước đổ thêm tiền trang bị khí tài.
Trùng Quang
>> Chuyên gia Nga: Trung Quốc có 600 đầu đạn hạt nhân trong 10 năm tới
>> Tàu chiến Nga, Trung Quốc tập trận ở Địa Trung Hải
>> Cuộc thử lửa cho Nga, Trung Quốc ở Syria
>> Mỹ bí mật tấn công mạng Iran, Nga, Trung Quốc và Triều Tiên
Bình luận (0)