>> Bảo vật quốc gia đầy vết xước
Điều hài hước và cũng hết sức đau xót ở chỗ chuyện đó xảy ra ngay trước ngày người ta rầm rộ tổ chức lễ đón nhận quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận bia Sùng Thiện Diên Linh là bảo vật quốc gia. Không biết hôm 18.4 khi trao quyết định người ta có dám kéo tấm vải điều phủ bia cho công chúng được chiêm bái, trầm trồ bảo vật không, chứ cứ theo phản ánh và tấm ảnh trên Báo Thanh Niên hôm qua thì bảo vật đã bị hủy hoại nghiêm trọng, xước hết cả mặt bia do bị cào thô bạo, thậm chí nói như tiến sĩ Trần Trọng Dương, một chuyên gia nghiên cứu Hán Nôm, thì mặt bia lúc này “nham nhở như mặt giặc”. Đúng là “yêu nhau thì lại bằng mười phụ nhau”, từ tấm bia nghìn tuổi, trải bao dãi dầu mưa nắng vẫn cứ trơ gan cùng tuế nguyệt, chứa đựng cả bề dày lịch sử, vậy mà chỉ vì người ta muốn “làm vệ sinh” cạo rêu, lau bụi, chùi rửa nó bằng bàn chải sắt, bằng hóa chất, bằng sự ngu dốt và thái độ vô trách nhiệm mà nó trở nên dị hình, tàn tạ như vậy. Yên ổn suốt nghìn năm, biến dạng trong phút chốc. Trải bao chiến tranh, loạn lạc, bao mưa dập gió vùi mà không hề suy suyển, kể cả khi giặc Minh thế kỷ 15 lật xuống chôn vùi, vậy mà lúc thanh bình lại thành phế bi (bia hỏng). Hậu sinh thật có lỗi, đắc tội với cha ông.
Nếu biết rõ hơn về lý lịch bảo vật, chúng ta càng thêm sững sờ. Bia được dựng từ thời nhà Lý, năm 1121 triều vua Lý Nhân Tông, ông vua đã làm nên bao sự nghiệp hiển hách trong lịch sử nước nhà. Không chỉ có tuổi gần nghìn năm, trên bia còn lưu giữ bút tích của đức vua mà đời sau ví rằng đẹp như rồng bay phượng múa và cả bài văn bia tuyệt tác 4.500 chữ chứa đựng bao kiến thức về xã hội, tôn giáo, lịch sử, con người… cách nay 10 thế kỷ. Bia là hiện vật cực kỳ quý báu cho các nhà nghiên cứu về sau. Di sản đặc biệt này cũng gắn với nhiều tên tuổi lớn trong lịch sử, văn hóa nước nhà như Lý Nhân Tông, Nguyễn Công Bật, Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương... Mỗi chữ, mỗi nét chạm khắc đã vượt ra khỏi thớ đá xanh để dựng nên một phần lịch sử. Chỉ có điều, báu vật không gặp được quý nhân mà gặp kẻ phá hoại.
Họ là ai, trong trường hợp xúc phạm bia cổ này, có thể chỉ ra 2 đối tượng: những người dân bình thường ít học, kém hiểu biết; thứ hai là những cán bộ được nhà nước giao công tác quản lý văn hóa, những cán bộ địa phương nơi có bảo vật, có di sản văn hóa. Sự nhiệt tình cộng với kém hiểu biết, vô trách nhiệm của họ đã gây nên bao tai họa. Họ đều đáng trách, đều là kẻ phá hoại, nhưng với mấy người thợ xây nhắm mắt nhắm mũi dùng giấy nhám, bàn chải sắt, dùi đục để tân trang bia thì chúng ta dễ thông cảm, tha thứ hơn. Còn các vị cán bộ, có học hành đàng hoàng, hiểu biết chẳng thua kém ai, ăn cơm nhà nước làm việc công, dân tin cậy vào các vị, cớ sao những chuyện động trời xảy ra với di sản quốc gia, với bảo vật mà không biết, không quan tâm, không tường tận. Mặt bia bảo vật Sùng Thiện Diên Linh bị cào xước, rỗ nhằng rỗ nhịt, các vị không đau sao? Vô cảm, vô trách nhiệm đến thế, há chẳng hổ thẹn ư?
Nguyễn Thông
Bình luận (0)