Buổi sinh hoạt dưới cờ với người bơi từ Tây Tạng đến Việt Nam

21/04/2014 11:07 GMT+7

(TNO) Sáng 21.4, học sinh Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1, TP.HCM) đã có một buổi sinh hoạt dưới cờ sôi nổi do Rémi Camus (chàng trai 29 tuổi, một mình bơi 4.400 km từ Tây Tạng đến Việt Nam), dẫn dắt.

(TNO) Sáng 21.4, học sinh Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1, TP.HCM) đã có một buổi sinh hoạt dưới cờ sôi nổi do Rémi Camus (chàng trai 29 tuổi, một mình bơi 4.400 km từ Tây Tạng đến Việt Nam), dẫn dắt.


Anh Rémi Camus trò chuyện với học sinh trước sân trường trong giờ sinh hoạt dưới cờ

Sau khi thực hiện nghi thức chào cờ, cô Lê Thị Ngọc Điệp, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, giới thiệu đến học sinh buổi sinh hoạt dưới cờ với chủ đề bảo vệ nguồn nước sạch, và khách mời đến trò chuyện là anh Rémi Camus, người vừa hoàn thành hành trình bơi từ Tây Tạng đến Việt Nam trên sông Mekong.

Hôm nay, anh Rémi xuất hiện trước toàn thể học sinh với áo thun trắng và quần shorts. Trước khi bắt đầu câu chuyện, anh phải xin lỗi các học sinh vì không thể mặc lịch sự hơn do những vết thương trên chân ngâm nước trong 6 tháng vẫn còn đau.


Nhiều câu hỏi học sinh đặt ra cho anh Rémi như vì sao lại thực hiện chuyến phiêu lưu này, khi đang bơi đói bụng quá thì phải làm sao, những khó khăn nào anh gặp phải trên hành trình,...



Rémi kể về lần chạy bộ 5.300 km ở Úc, khi anh phải đi qua hoang mạc không lấy một giọt nước uống, và anh phải uống chính nước tiểu của mình để có thể sống sót. “Lúc đó chú mới thấy nước sạch thật sự quan trọng và đó cũng là lý do khiến chú bắt đầu có ý tưởng bơi qua con sông nào đó để giúp người dân ý thức bảo vệ nguồn nước sạch. Sông Mekong là một lựa chọn”, Rémi mở đầu cho câu chuyện một mình bơi hơn 4.000 km trên sông Mekong từ Tây Tạng đến Việt Nam của mình

Anh kể với học sinh anh đã chứng kiến nhiều rác thải như thế nào dọc bờ sông Mekong do chính con người thải ra.

“Rác thải ở thượng nguồn sẽ làm ảnh hưởng nguồn nước ở hạ nguồn và những đất nước ở hạ nguồn con sông sẽ chịu tác động khi nước sông bị ô nhiễm mà Việt Nam là một trong những đất nước ở hạ nguồn của con sông”, anh Rémi diễn giải.   


Mặc dù thời gian sinh hoạt dưới cờ đã hết nhưng rất đông học sinh xếp hàng dài để đặt câu hỏi cho anh Rémi. Nhiều câu hỏi từ các em được đặt ra và Rémi đều tranh thủ giải đáp từng câu một


Cô và trò Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm tặng Rémi giỏ trái cây là chuối, món anh thích nhất

Để thực hiện chuyến phiêu lưu từ Tây Tạng tới Việt Nam với hơn 4.000 km, Rémi kể với học sinh trước đó anh đã phải chuẩn bị một thời gian dài tập luyện hàng ngày với chế độ một ngày sẽ chạy 1 tiếng đồng hồ, bơi 10 km và tập thể hình 1 tiếng đồng hồ nữa.

Trên chuyến hành trình của mình, anh đã nhìn thấy nhiều nơi người dân sống nghèo khổ không có nước sạch để sinh hoạt, không có nhà vệ sinh, trẻ em không được đến trường. Vì thế, khi đến trường tiểu học tại TP.HCM, anh cho các học sinh ở đây biết rằng, các em thực sự may mắn khi được đi học, được học tiếng Anh, đặc biệt là được tạo điều kiện để nhìn ra thế giới.


Anh Rémi giao lưu, kể chuyện và giải đáp thắc mắc học sinh ngay tại lớp

Kết thúc buổi nói chuyện, Rémi hứa sẽ quay trở lại Việt Nam sau 1 năm nữa và sẽ theo đuổi dự án về nước sạch của mình, đồng thời mong muốn các học sinh sẽ là thế hệ góp phần bảo vệ môi trường sống chung.

Tin, ảnh: Hoàng Quyên

>> Một mình bơi 4.000 km, từ Tây Tạng đến Việt Nam - Kỳ 1: Lang bạt trên dòng Mekong
>> Một mình bơi 4.000 km, từ Tây Tạng đến Việt Nam - Kỳ 2: Làm sao Rémi Camus bơi qua 5 quốc gia?
>> Một mình bơi 4.000 km, từ Tây Tạng đến Việt Nam - Kỳ 3: Ngủ đầm lầy, cạnh rắn rết

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.