PGS-TS Bùi Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học - Bộ GD-ĐT, khẳng định Bộ đang xây dựng lại chính sách liên quan đến chuyển đổi các trường ĐH, CĐ dân lập sang tư thục; phối hợp các bên rà soát xem xét sửa đổi, bổ sung các vấn đề liên quan cho phù hợp, sau khi Báo Thanh Niên đăng loạt bài Chuyện khó tin ở trường ĐH tư từ ngày 27.3.
|
Một trong những nguyên nhân khiến nhiều trường ngoài công lập (NCL) hiện nay lâm vào khủng hoảng là do những khó khăn, vướng mắc khi chuyển đổi từ mô hình ĐH dân lập sang tư thục. Bộ có xem xét để điều chỉnh chính sách này?
Hiện nay, Bộ đang xây dựng lại chính sách liên quan đến chuyển đổi các trường ĐH, CĐ dân lập sang tư thục. Bộ cũng có kế hoạch phối hợp cùng tất cả các bên rà soát xem xét để sửa đổi, bổ sung các vấn đề đã nêu cho phù hợp với điều kiện và quy luật phát triển hiện tại.
|
Nghị quyết 05 của Chính phủ năm 2005 cho phép khuyến khích cơ sở hoạt động không vì lợi nhuận nhưng các quy chế về ĐH tư thục đều hướng tới mô hình vì lợi nhuận (sở hữu cá nhân và chia lãi cho các cổ đông) dẫn tới trình trạng có không ít ĐH tư trở thành công ty kinh doanh giáo dục. Theo ông, đây có phải là sai lầm của chính sách?
Trước hết cần khẳng định sở hữu cá nhân và chia lãi cho các cổ đông góp vốn là một hình thức phát triển kinh tế tư nhân. Việc người có tài sản đầu tư vào lĩnh vực nào đó vì mục tiêu lợi nhuận không có gì sai, nếu họ tuân thủ luật pháp, tạo ra việc làm và thu nhập cho người lao động, đồng thời bổ sung vào nguồn thu cho ngân sách nhà nước qua việc nộp thuế. Quy định cho phép chia cổ tức cho các cổ đông và bảo vệ quyền sở hữu tư nhân trong đầu tư phát triển trường ĐH tư là một chủ trương và chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, vì giáo dục nói chung và giáo dục ĐH nói riêng là lĩnh vực đầu tư đặc biệt, vì vậy cần phải có những quy định đặc biệt áp dụng cho các nhà đầu tư khi muốn đầu tư vào lĩnh vực này.
Có ý kiến cho rằng có thể chấp nhận loại hình trường vì lợi nhuận và không vì lợi nhuận nhưng phải phân biệt rõ ràng. Mới đây, Nghị định 141 của Chính phủ hướng dẫn thi hành luật Giáo dục ĐH đã có phân biệt 2 loại hình này nhưng vẫn không rõ ràng dẫn đến tình trạng có thể các trường hoạt động lợi nhuận nhưng vẫn tuyên bố phi lợi nhuận. Ông có thấy đây là điều chưa ổn và cần phải sửa đổi?
Thứ nhất, cần khẳng định luật Giáo dục ĐH 2012 đã luật hóa loại hình trường ĐH tư hoạt động không vì lợi nhuận. Như vậy, đến thời điểm này không phải nên hay không nên nữa, mà chúng ta đã chấp nhận và phân định rõ 2 loại hình trường tư: vì lợi nhuận và không vì lợi nhuận. Loại trường nào cũng đã có khuôn khổ pháp lý để hoạt động.
Thứ hai, tại Nghị định hướng dẫn thi hành luật Giáo dục ĐH đã xác định rõ loại hình trường tư hoạt động không vì lợi nhuận và những chính sách ưu tiên để khuyến khích đối với loại hình này.
Thứ ba, không nên nhầm lẫn giữa trường hoạt động không vì lợi nhuận và trường không có lợi nhuận. Trường hoạt động không vì lợi nhuận vẫn có thể có lợi nhuận, thậm chí có thể có nhiều lợi nhuận. Vấn đề, là việc sử dụng lợi nhuận vào những mục tiêu nào và Nghị định hướng dẫn thi hành luật Giáo dục ĐH đã có quy định cụ thể về vấn đề này.
Tại sao ở các nước mô hình trường ĐH tư không vì lợi nhuận thành công còn ở nước ta, đến nay, sau 20 năm ra đời trường ĐH tư, vẫn trầy trật? Chính sách nhà nước nên như thế nào để kích thích sự ra đời và phát triển của loại hình trường tư không vì lợi nhuận?
Trong những năm gần đây, nhà nước đã có chủ trương ưu tiên về đất đai, thuế, tín dụng, đào tạo cán bộ để khuyến khích các cơ sở giáo dục ĐH tư thục và cơ sở giáo dục ĐH có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động không vì lợi nhuận.
Theo ông, ở Việt Nam, có khả năng các trường ĐH tư huy động vốn theo dạng hiến tặng như ở các nước?
Điều này là hoàn toàn có thể vì tại điều 5 của Nghị định 141 hướng dẫn luật Giáo dục ĐH đã quy định: Tài sản, giá trị tài sản của cơ sở giáo dục đại học tư thục bao gồm cả giá trị tài sản được tài trợ, ủng hộ, hiến tặng.
Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chưa đồng bộ Ông Bùi Anh Tuấn cho rằng tuy chủ trương phát triển giáo dục ĐH NCL đã được thể chế bằng nhiều văn bản pháp luật, tạo điều kiện cho các trường phát triển nhưng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục ĐH NCL vẫn chưa đồng bộ, chưa tạo đủ cơ chế pháp lý cho việc thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa giáo dục đào tạo. Ông dẫn chứng: “Chẳng hạn quy định về sở hữu, xác định tính chất vì lợi nhuận và không vì lợi nhuận trong giáo dục ĐH NCL vẫn chưa cụ thể, chưa định lượng rõ. Chủ trương cho vay vốn ưu đãi, giao đất sạch cho các trường NCL gặp nhiều khó khăn và gần như không thực hiện được ở các thành phố lớn. Bên cạnh đó, nhà nước chậm ban hành chính sách và cơ chế hỗ trợ tài chính đối với sinh viên các trường NCL trong điều kiện học phí tại các trường này cao hơn so với mức áp dụng trong trường công lập (được nhà nước hỗ trợ một phần) là khó khăn cho các trường trong tuyển sinh...”. Về phía các trường, quy mô đào tạo tăng nhanh nhưng điều kiện đảm bảo chất lượng chưa tương xứng, đội ngũ giảng viên cơ hữu còn mỏng, cơ sở vật chất phục vụ các hoạt động ở một số trường chưa đáp ứng yêu cầu của ngành đào tạo. Về quản lý, mối quan hệ giữa hội đồng quản trị và ban giám hiệu chưa rõ ràng. Ở nhiều trường, hiệu trưởng không có thực quyền, chủ tịch hội đồng quản trị quán xuyến tất cả công việc, quyết định mọi hoạt động, kể cả hoạt động chuyên môn của nhà trường nên vai trò của hội đồng khoa học và đào tạo chưa được phát huy, làm cho mục tiêu hoạt động của một số trường bị lệch lạc… |
Thanh Niên
Bình luận (0)