Nhiều người lớn nhập viện điều trị bệnh sởi

23/04/2014 17:21 GMT+7

(TNO) Nhiều người lớn đã nhập viện điều trị bệnh sởi, trong đó có người già và phụ nữ mang thai. Các bác sĩ cảnh báo sởi không chỉ là bệnh ở trẻ em mà cả người lớn cũng cần đề phòng.

(TNO) Nhiều người lớn đã nhập viện điều trị bệnh sởi, trong đó có người già và phụ nữ mang thai. Các bác sĩ cảnh báo sởi không chỉ là bệnh ở trẻ em mà cả người lớn cũng cần đề phòng, đặc biệt là phụ huynh có con nhỏ để tránh lây lan cho trẻ.


Một bệnh nhân bị sởi đang nằm viện điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới (TP.HCM) - Ảnh: Nguyên Mi

Theo số liệu ghi nhận của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới (TP.HCM), hôm nay (23.4), Khoa Nhiễm A của bệnh viện có 91 ca mắc sởi đang điều trị nội trú thì có đến 40 bệnh nhân là người lớn (trên 15 tuổi). Tính từ đầu năm đến nay, trong 1.031 ca nhập viện điều trị bệnh sởi tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, có đến 345 bệnh nhân là người lớn (trên 15 tuổi), chiếm 33%.

Bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, cho biết có một số trường hợp mắc sởi ở người già và phụ nữ có thai. Bệnh nhân sởi lớn tuổi nhất điều trị tại bệnh viện là 66 tuổi.

Các trường hợp người lớn vào viện điều trị sởi đa phần đều không nhớ đã từng tiêm vắc xin sởi chưa, cũng như nhiều trường hợp cho biết “hình như chưa bị sởi lần nào”.

Theo bác sĩ Châu đánh giá, người lớn nhiễm sởi thường ít biến chứng, bệnh nhẹ hơn trẻ em. Chỉ có khoảng 17% trường hợp bệnh sởi ở người lớn có biến chứng viêm phổi, trong khi trẻ em càng nhỏ thì có tỷ lệ biến chứng viêm phổi càng cao (trung bình đợt này là khoảng 50%).

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), khuyến cáo ở trẻ nhỏ thì biến chứng sởi thường là viêm phổi, còn với trẻ lớn và người lớn thì biến chứng sởi thường là viêm cơ tim, viêm não.

Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), trong tuần qua cũng ghi nhận một trường hợp sản phụ mắc bệnh sởi. Sản phụ là bác sĩ làm việc tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương. Khi mang thai, chị có tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm sởi. Ngày 1.4, chị sinh em bé thì đến ngày 7.4 chị xuất hiện phát ban bệnh sởi. Sau đó, ngày 12.4, em bé con chị cũng có dấu hiệu bệnh sởi. Hiện các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 đang theo dõi điều trị cho em bé sơ sinh nghi nhiễm sởi do mẹ truyền sang con trong thời gian ủ bệnh.

Phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur, khuyến cáo người lớn, đặc biệt là những ai đã có con nhỏ cần đề phòng bệnh sởi cho chính mình để tránh lây sang trẻ nhỏ.

Theo bác sĩ Lân, phụ huynh (cha mẹ, ông bà, người giữ trẻ) cần tránh tiếp xúc với nguồn bệnh, không tiếp xúc, sờ, nựng trẻ, người bị bệnh sởi rồi về ôm, nựng con trẻ nhà mình; tránh đến chỗ tụ tập đông người; rửa tay, vệ sinh sạch sẽ khi nựng, tiếp xúc với con; để nhà cửa thoáng mát, sạch sẽ.

Sởi là bệnh nếu ai đã từng mắc thì cơ thể sẽ có miễn dịch với vi rút sởi, hầu như mắc một lần sẽ không mắc lại lần nữa. Nếu tiếp xúc với nguồn bệnh, mặc dù phụ huynh không bị bệnh do đã có miễn dịch nhưng vẫn có thể là trung gian truyền vi rút sởi cho trẻ, người chưa được tiêm phòng, chưa có miễn dịch với vi rút sởi.

Nguyên Mi

>> Phụ huynh 'phát sốt' với bệnh sởi
>> TP.HCM: Nhiều ca sởi nhập viện do… tâm lý
>> Đề phòng biến chứng nặng sau sởi
>> Tiêm miễn phí vắc xin sởi cho trẻ đến 6 tuổi
>> Tư vấn trực tuyến: 'Diễn biến dịch sởi và các biện pháp phòng chống
>> Phát hiện bệnh sởi trên bệnh nhi ở Quảng Trị

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.