Thư Paris: Hội An không thể lạnh

25/04/2014 19:15 GMT+7

Hội An hồn hậu, đằm thắm của chúng ta không thể lạnh lùng theo kiểu: Lượng khách có giảm đi cũng bình thường thôi, họ không đi chỗ này thì đi chỗ khác.


Nhiều ý kiến tranh cãi về việc thu phí phố cổ Hội An - Ảnh: Ngô Huy Hòa

N. thân mến,

Như hầu hết người Việt sống ở nước ngoài, mình rất tự hào về Hội An khi nó luôn được du khách yêu thích, khen ngợi. Mấy ngày nay theo dõi dư luận xung quanh việc thu phí tham quan phố cổ Hội An, mình cũng có ý chờ ý kiến các vị lãnh đạo, đặc biệt Bí thư thành ủy Nguyễn Sự, người được giải Văn hóa Phan Chu Trinh vì có công đưa Hội An theo kịp tốc độ phát triển kinh tế, vừa duy trì được nét văn hóa độc đáo, riêng biệt của mảnh đất này.

Mới đây trên Báo Thanh Niên, ông Sự cho biết: "Quy định mua vé vào xem di tích không có gì sai trái cả. Thế giới cũng thu tiền vé tham quan các di tích đó thôi (…). Nếu miễn phí như thế tiền đâu để duy tu, tôn tạo di tích?".

Theo mình, vấn đề không phải miễn phí mà thu phí thế nào. Thí dụ Pháp có Đạo luật 24.9.1919 cho phép các địa phương có hoạt động du lịch thu thuế cư trú (taxe de séjour) để chi cho phát triển du lịch. Thuế này được thu từ những điểm cho thuê phòng như khách sạn, nhà trọ; kể cả cá nhân cho thuê một phần nhà ở. Taxe de séjour chỉ thu trên du khách, không áp dụng với dân địa phương ở khách sạn hay nhà thuê.

Tại Paris, taxe de séjour 2014 qui định cho một người/ngày như sau: Khách sạn 4 - 5 sao 1,5 euro, 3 sao 1 euro, 2 sao 0,78 euro, 1 sao 0,42 euro, phòng không xếp hạng 0,2 euro.

Ngoài luật chung, các điểm du lịch có dân cư sinh sống còn thêm cách thu riêng, như thành cổ Carcassonne hình thành từ thế kỷ 12 - 13 ở Tây Nam nước Pháp, là quần thể kiến trúc trung cổ rộng 11 héc-ta được UNESCO công nhận năm 1997, nhưng hơn hai triệu du khách tới đây mỗi năm vẫn tự do thăm thú, ăn uống, mua sắm; chỉ mua vé viếng lâu đài, bảo tàng…

Tương tự, đến thăm "thành phố nhỏ" Mont Saint-Michel vùng Normandie xây dựng cách đây mười ba thế kỷ được UNESCO công nhận năm 1979 - thu hút du khách hàng thứ ba nước Pháp, chỉ sau tháp Eiffel, cung điện Versailles - bạn cũng được miễn phí nghiêng ngắm, mua sắm…, chỉ trả tiền khi viếng bảo tàng, tu viện.

Ngay giữa Paris có khu phố cổ tương đương Hội An là khu phố cổ Marais với các dinh thất xây dựng từ thế kỷ thứ 17 nhưng vẫn để du khách tự do đi lại, chỉ mua vé tham quan bảo tàng. Tự do, nhưng chính qua chi tiêu trong thời gian du lịch, du khách giúp kinh tế địa phương phát triển, đưa thuế cho nhà nước.


Du khách quốc tế tham quan phố cổ Hội An - Ảnh: Diệu Hiền

Trước đây Hội An cũng bán vé tham quan từng điểm, nhưng nay gộp phí tham quan di tích vào tham quan phố cổ, mà lý do theo ông Trương Văn Bay, Phó chủ tịch UBND TP.Hội An, là: "Tham quan Hội An cũng phải vào di tích, chứ có nhiều người mang tiếng vào Hội An nhưng không biết Hội An là gì, chỉ đi nhìn phố để xem nó ra sao. Như vậy làm sao biết được quá trình hình thành, phát triển của từng di sản để lại, đúc kết tinh thần giao lưu văn hóa của Hội An mấy trăm năm nay như thế nào. Làm sao biết được tổng thể của một khu đô thị cổ, nguyên là một bản thị sầm uất nhất thế kỷ 17, 18".

Lập luận này không ổn vì không thể ép du khách tìm hiểu lịch sử nơi đến nếu họ không muốn. Trong vai trò du khách, liệu ông Bay có muốn bị cưỡng ép "tìm hiểu" quá trình phát triển những nơi có lịch sử ngàn năm? Chưa nói cách thu phí của Hội An hiện nay mặt nào đó vi phạm tự do đi lại, bởi phố cổ Hội An là khu dân cư và đường giao thông, không phải di tích trống, khép kín.

Là người có óc nhân văn, ông Sự nhận định du khách phản ứng do thiếu thông tin và thái độ đón tiếp: "Trong quá trình làm việc, anh em kiểm soát vé không giải thích rõ, dẫn đến thông tin không đầy đủ gây ức chế cho du khách (…). Mặt khác phải làm sao phân biệt được du khách với người đến làm việc, thăm thân nhân, mua sắm ở phố cổ…".

Theo mình, đây là cách nghĩ duy cảm, bất khả thi. Làm sao đòi hỏi nhân viên soát vé "Phải hướng dẫn khách bằng thái độ lịch sự, tế nhị. Không được giằng co với khách, không được phách lối, hách dịch (…). Phải tổ chức kiểm soát vé nghiêm túc, đúng người đúng việc", khi đối tượng dân cư, du khách mênh mông ma trận? Vì không thể phân biệt, người soát vé sẽ nhận diện theo cảm tính thô thiển, mà thô thiển dễ dẫn đến thô bạo. Bất khả thi khi phải thu vé nhưng "Không được kè kè theo du khách hỏi mua vé chưa". Bất khả thi luôn việc "hướng dẫn du khách cặn kẽ" vì du khách không có thời gian nghe giải thích, và làm sao cặn kẽ trong lũ lượt người?
 
Hoạt động du lịch không chỉ là đạo đức, văn minh mà là chuỗi giải pháp dựa trên luật pháp. Mình tin ông Sự - người đã từng vì một bài hát hay ra quyết định trồng hoa sữa dọc phố, nhưng đến mùa hoa nở cả con phố nồng nặc khó chịu, đã đứng ra xin lỗi dân, đốn đi, trồng cây mới - sẽ có cách giải quyết đúng như tinh thần ông luôn nói: "Điều tạo nên Hội An đặc sắc không chỉ ở di tích, kiến trúc cổ xưa mà chính là người dân, vừa dân dã, bình dị nhưng lại rất văn minh, quý phái".

Hội An hồn hậu, đằm thắm của chúng ta không thể lạnh lùng theo kiểu: Lượng khách có giảm đi cũng bình thường thôi, họ không đi chỗ này thì đi chỗ khác (!).

Việt Linh (*)

(*) Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một đạo diễn điện ảnh sống tại Pháp.

>> Thu phí tham quan phố cổ Hội An: Cần thuận lợi cho du khách
>> Thu phí tham quan phố cổ Hội An gây tranh cãi
>> Rực rỡ đèn lồng phố cổ Hội An đêm giao thừa
>> Ngẩn ngơ phố cổ Hội An

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.