|
Ngày 26.4, UBND TP.HCM tổ chức hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 21-CT/TW ngày 26.3.2008 của Bộ Chính trị (về tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng chống ma túy và kiểm soát ma túy trong tình hình mới) và triển khai kết luận số 95-KL/TW ngày 2.4.2014 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 21. Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an và ông Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM, chủ trì hội nghị.
“Chưa kiểm soát một cách hiệu quả”
|
Báo cáo tại hội nghị, thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó giám đốc Công an TP.HCM cảnh báo, trước sự gia tăng dân số và sự phát triển về mọi mặt trong tiến trình đổi mới, TP.HCM cũng đang trở thành địa bàn hoạt động trọng điểm của các loại tội phạm mang tính nội địa lẫn quốc tế, trong đó có tội phạm ma túy. Trong 5 năm qua, TP đã phát hiện 8.034 vụ mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy; xử lý 16.140 đối tượng (tăng hơn 19% so với cùng thời gian trước đó), trong đó lượng ma túy tổng hợp thu giữ hơn 142 kg (tăng hơn 22 lần), 123 kg heroin (tăng hơn 2,5 lần).
Nhìn nhận “chưa kiểm soát một cách hiệu quả tệ nạn ma túy vì TP.HCM được xem là cửa ngõ về hội nhập”, ông Minh cho rằng công tác phòng chống ma túy là một áp lực lớn do sự phát triển lan rộng nhanh chóng của các loại ma túy mới và nhu cầu sử dụng ma túy bất hợp pháp ngày càng nhiều.
Theo thiếu tướng Minh, có nhiều vấn đề tồn tại rất đáng lo ngại, đó là hiện trên địa bàn TP có hàng loạt người chưa được cai nghiện một cách căn cơ; nhiều đối tượng được đặc xá, tha tù về, các đối tượng hồi gia khi chấm dứt thực hiện Nghị quyết 16 của Quốc hội (về việc thực hiện thí điểm tổ chức quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma túy) chưa có việc làm ổn định, tiếp tục tái phạm,
tái nghiện; số đối tượng trốn trường, trốn trại và nhất là số đối tượng có tiền án, tiền sự từ các nơi khác theo dòng nhập cư đến TP ẩn nấp, lén lút hoạt động tội phạm; việc quản lý và giúp đỡ đối tượng sau cai nghiện còn nhiều bất cập và chưa đảm bảo yêu cầu.
“Việc lập hồ sơ quản lý đối tượng nghiện ma túy còn sót, lọt rất lớn. Một số nơi giảm sút rõ rệt tỷ lệ phát hiện và xử phạt người nghiện”, ông Minh thẳng thắn nhìn nhận, và cho biết thêm về một thực trạng đáng lo ngại khác, đó là hiện chưa có phác đồ điều trị đối với các trường hợp nghiện ma túy tổng hợp, trong khi đối tượng sử dụng ngày càng nhiều.
Quyết liệt “bịt” các kẽ hở
Bộ trưởng Trần Đại Quang cũng cho biết tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy trên thế giới, nhất là khu vực Đông Nam Á đang diễn biến ngày càng phức tạp. Việc sản xuất và sử dụng ma túy tổng hợp đang lan rộng ở mức độ nghiêm trọng. Riêng khu vực “Tam giác vàng” mỗi năm ước tính sản xuất khoảng 2 tỉ viên ma túy tổng hợp. Đặc biệt là đã xuất hiện nhiều đường dây mua bán, vận chuyển trái phép ma túy với số lượng lớn qua đường hàng không từ châu Phi, Trung Đông và một số nước Trung Á vào khu vực Đông Nam Á.
Tại Việt Nam, trong 5 năm qua đã bắt giữ 93.394 vụ/138.592 đối tượng phạm tội về ma túy, thu giữ 2.319 kg heroin, 671 kg thuốc phiện, 368 kg và gần 2 triệu viên ma túy tổng hợp..., trong đó lực lượng công an bắt giữ xử lý trên 90% số vụ việc.
Đại tướng Trần Đại Quang yêu cầu Công an TP.HCM triệt xóa kịp thời các cơ sở sản xuất trái phép ma túy tổng hợp; tổ chức phòng ngừa và cai nghiện hiệu quả để ngăn chặn sự gia tăng của tệ nạn ma túy; tăng cường hợp tác quốc tế, phối hợp chặt chẽ với các nước nằm trên tuyến vận chuyển, nơi sản xuất, nguồn cung cấp ma túy trong chia sẻ thông tin, phối hợp đấu tranh chống mua bán, vận chuyển trái phép qua biên giới...
Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải cũng nhấn mạnh trong thời gian tới, TP.HCM tiếp tục là địa bàn trọng điểm mà các tổ chức, đường dây gia tăng vận chuyển ma túy vào tiêu thụ. Để đảm bảo cuộc sống bình yên cho người dân TP, ông Hải yêu cầu các ngành, các cấp cần phải chấm dứt những mặt còn hạn chế, bất cập như tình trạng “không thường xuyên kiểm tra”, “buông lỏng công tác quản lý”, “thiếu hiệu quả trong công tác lập hồ sơ quản lý người nghiện”, “chưa quyết liệt trong đấu tranh chuyển hóa địa bàn ma túy”...
Nhiều vướng mắc trong xử lý tội phạm Kiểm sát viên Dương Ngọc Hải, Phó viện trưởng Viện KSND TP.HCM, phân tích một số quy định của pháp luật về xử lý tội phạm ma túy còn nhiều bất cập. “Quy định hành vi vận chuyển, tàng trữ, chiếm đoạt trái phép chất ma túy khác ở thể rắn có trọng lượng 1 gr trở lên mới xử lý hình sự là chưa phù hợp với một số chất như methamphetamine (MA) và MDMA, là hai chất ma túy gây ảo giác cực mạnh và ngày càng có nhiều thanh thiếu niên sử dụng”, ông Hải dẫn chứng. Cũng theo ông Hải, bên cạnh việc thiếu quy định thống nhất về đơn vị tính định lượng tiền chất ma túy, kết luận giám định về ma túy trong một số trường hợp cũng sử dụng không thống nhất, chưa rõ ràng như sử dụng các cụm từ “là chế phẩm heroin”, “có methamphetamine”, “có thành phần heroin hay MA”... dẫn đến cách hiểu khác nhau giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, gây khó khăn trong quá trình giải quyết vụ án. “Cơ quan tiến hành tố tụng TP.HCM đã có kiến nghị liên ngành gửi Trung ương từ năm 2010 nhưng đến nay vẫn chưa có sự điều chỉnh”, ông Hải nói. Đối với những vụ án ma túy có liên quan đến yếu tố nước ngoài, ông Hải cho biết kết quả điều tra chỉ mới xử lý được các đối tượng mang hàng phạm pháp vào Việt Nam hoặc ngược lại do mối quan hệ giữa Văn phòng Interpol và hệ thống Interpol quốc tế về lĩnh vực phòng chống ma túy còn hạn chế, lực lượng mỏng. Cơ quan điều tra không có điều kiện xuất cảnh để xác minh mở rộng kết quả điều tra nên việc khám phá án cũng còn hạn chế. |
Đình Phú
>> Buôn bán ma túy có tính chất ‘cha truyền con nối’
>> Nghi phạm vận chuyển ma túy tông xe vào CSGT
>> Phá vụ vận chuyển 6.000 viên ma túy tổng hợp qua biên giới
>> Bắt hai nghi can buôn bán ma túy bị truy nã đặc biệt
Bình luận (0)