Bảo tàng tư nhân cổ vật Chămpa

28/04/2014 10:15 GMT+7

Đó là bảo tàng tư nhân với những cổ vật Chămpa đa dạng và giá trị của các cổ vật được chủ nhân sở hữu mang những nét riêng độc đáo khó có ai bì kịp.

Đó là bảo tàng tư nhân với những cổ vật Chămpa đa dạng và giá trị của các cổ vật được chủ nhân sở hữu mang những nét riêng độc đáo khó có ai bì kịp.

 Bảo tàng tư nhân cổ vật Chămpa
NST Hồ Anh Tuấn với tượng sư tử Chămpa bằng đồng tượng trưng cho thần Shiva gần 1.300 năm - Ảnh: V.P.T

Nhặt lại cuộn chỉ đã đánh rơi…

Cái tên Hồ Anh Tuấn đã quá quen thuộc với giới chơi cổ vật, đặc biệt là cổ vật Chămpa của cả nước. Khác với các nhà sưu tập (NST) khác thường chơi đồ cổ theo phong cách đa dạng thì bộ sưu tập của NST Hồ Anh Tuấn chỉ chuyên duy nhất một chủng loại, đó là các hiện vật Chămpa. Anh lý giải: “Các cổ vật Trung Hoa, người chơi chủ yếu để dưỡng thần. Còn với các cổ vật Chămpa, nó không đơn thuần chỉ là để thưởng lãm mà còn để nghiên cứu về khoa học, về tôn giáo, tập quán...”.

Có thể nói, bộ sưu tập gồm hơn 2.000 cổ vật Chămpa như hiện nay của anh là “bộ sưu tập trong mơ” của những ai yêu mến văn hóa Chămpa. Để có được nó - gồm các mẫu vật cổ, từ đồ gia dụng đến đồ khí tự thờ cúng, từ dân giả đến vương giả của các vương triều Chămpa, có niên đại từ thế kỷ 1 đến thế kỷ 17, bằng các chất liệu gốm, đồng, bạc, vàng, ngọc lưu ly - anh đã bắt đầu với ý thức: đây là một phần lịch sử văn hoá quan trọng của đất nước và là dòng cổ vật quý hiếm, độc nhất vô nhị trên thế giới cần phải được giữ gìn. Thời gian, những biến cố lịch sử đã làm chôn giấu, lưu lạc những kiệt tác của một nền văn hóa đỉnh cao, anh như người đi nhặt lại cuộn chỉ mà các thế hệ trước đã đánh rơi. Điều đặc biệt ở NST Hồ Anh Tuấn là anh chỉ mua hiện vật và sưu tầm chứ không đổi bán. Và… để có tiền nuôi dưỡng niềm đam mê của mình, anh đã bôn ba đủ nghề, cùng sự trợ giúp của người cha mình vốn cũng đam mê cổ vật.

Điểm đến độc đáo của du lịch Việt Nam  

Lâu nay văn hoá Chămpa mới chỉ biết đến qua nghệ thuật điêu khắc đá. Ít ai biết được ngoài nghệ thuật điêu khắc, người Chămpa còn có những nghệ kim hoàn (chế tác vàng, bạc) nấu thủy tinh, chế tác ngọc (lưu ly, mã não, phổ phách...) chế tác trầm hương, đúc đồ đồng, làm gốm, chế tác những đồ đi biển, nhạc khí, đồ tế tự, kỹ thuật xây dựng đền tháp rất cao. Đó là chưa kể đến việc nhiều du khách quốc tế sau khi tham quan Thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam), Bảo tàng điêu khắc Chămpa Đà Nẵng đã đặt vấn đề muốn tìm hiểu thêm về phong tục, tập quán, sinh hoạt của người Chămpa thông qua các cổ vật được người Chămpa sử dụng hàng ngày. Và ý tưởng xây dựng một Bảo tàng tư nhân cổ vật Chămpa đã ra đời sau đó.

Trong khuôn viên gần 400m2 tại P.Cửa Đại (TP.Hội An), Bảo tàng tư nhân cổ vật Chămpa của anh chính thức đi vào hoạt động trước tết Giáp Ngọ này. Bảo tàng sẽ gồm 2 không gian trưng bày, với thiết kế nhà cổ Huế ở phía trước sẽ là nơi trưng bày một số cổ vật của văn hóa Sa Huỳnh và phía sau trong không gian rộng hơn của kiến trúc nhà cổ Quảng Nam sẽ là nơi triển lãm các cổ vật Chămpa. Bên cạnh khu trưng bày là khu làm việc, tổ chức hội thảo, giao lưu về văn hóa Chămpa. Không gian hạn chế nên thay vì trưng bày toàn bộ hơn 2.000 hiện vật, Bảo tàng này sẽ luân phiên triển lãm, mỗi lần chỉ 300 đến 400 cổ vật theo các chủ đề như: Cổ vật trong đời sống dân giả, vương giả; Cổ vật trong tế tự tôn giáo, triều nghi cung đình ... 

Việc đầu tư, xây dựng bảo tàng đã làm vị chủ nhân hao công, tổn sức nhiều, nhưng dù mệt mỏi, vất vả nhưng với anh đó là niềm hạnh phúc. “Các cổ vật đều có linh hồn, tôi đưa ra để trưng bày cũng là một cách làm sống dậy và tôn vinh, phát huy giá trị của nền văn hóa rực rỡ trong quá khứ”, anh Tuấn bộc bạch. Từ đó, những phát hiện hay, mới về cổ vật cũng nhờ vậy mà được chắp cánh, khai mở thêm.

Vũ Phương Thảo

>> Trưng bày 500 cổ vật văn hóa Óc Eo, Champa và Khmer
>> Cuốn sách đầu tiên về văn khắc Chămpa
>> Trao đổi hiện vật điêu khắc Champa
>> Khai quật di tích Chămpa ở Đà Nẵng
>> Triển lãm cổ vật và bí ẩn xây dựng Đền tháp Chămpa 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.