Phải 'cưỡng bức' cải cách doanh nghiệp nhà nước

29/04/2014 02:20 GMT+7

Đó là một trong những kiến nghị tại Diễn đàn Kinh tế mùa xuân 2014, do Ủy ban Kinh tế của QH, Viện Hàn lâm khoa học xã hội VN, Phòng Thương mại và Công nghiệp VN và UNDP tổ chức, khai mạc sáng 28.4 tại Hạ Long (Quảng Ninh).

Theo TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, phải cải cách doanh nghiệp (DN) nhà nước quyết liệt hơn, đồng thời khuyến khích DN tư nhân mạnh hơn. Ông đề nghị sớm chấm dứt cơ chế chủ quản với DN nhà nước và thành lập ngay ủy ban/bộ quản lý vốn và tài sản nhà nước trong các DN, thực hiện nhiệm vụ chỉ đạo thống nhất việc cải cách các DN nhà nước trong cả nước.

TS Lưu Bích Hồ cho rằng chỉ nên giữ lại các DN nhà nước quy mô lớn, chiếm tỷ lệ vốn nhà nước chi phối và khu vực này chiếm khoảng 15% GDP; thực hiện việc quản trị DN theo mô hình công ty hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế. Sớm thực hiện phần lớn DN nhà nước kinh doanh đều niêm yết trên thị trường chứng khoán. “Không giao nhiệm vụ chính trị, xã hội cho loại DN này mà chỉ có trách nhiệm xã hội như các loại hình DN khác”, TS Hồ kiến nghị.

Theo TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế VN, hiện thiếu hẳn những cải cách thể chế mang tính đột phá, còn quá trình tái cơ cấu nền kinh tế vẫn diễn ra chậm chạp, khiến cho cơ cấu kinh tế, sau gần 3 năm “quyết liệt hô hào”, hầu như vẫn không nhúc nhích theo lộ trình tái cơ cấu. Ông Thiên khẳng định “phải cưỡng bức” cải cách DN nhà nước thì quá trình mới có thể diễn nhanh.

Cũng tại diễn đàn, TS Thiên cho rằng điểm tắc nghẽn lớn, khó tháo gỡ nhất của nền kinh tế hiện nay là vấn đề lạm phát thấp và chính sách duy trì tỷ giá cơ bản ổn định quá lâu. Chúng gây tác động tổ hợp: Chế độ tỷ giá đánh giá cao đồng nội tệ có tác động khuyến khích nhập khẩu, ít hỗ trợ sản xuất trong nước và không thúc đẩy xuất khẩu. “Đó là một trong những lý do căn bản giải thích tại sao sau hàng chục năm, VN vẫn không thể phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ và nền kinh tế bị lệ thuộc ngày càng nặng nề vào nhập khẩu đầu vào. Sau 40 năm nền công nghiệp của VN vẫn “chuyên” về khai thác tài nguyên; cơ bản vẫn chưa thoát khỏi trình độ “gia công, lắp ráp”, TS Thiên nói.

Vấn đề nợ công cũng được TS Thiên cảnh báo khi cho rằng năng lực trả nợ của cả Chính phủ và DN đều rất yếu. Năm 2014, Chính phủ có nghĩa vụ trả nợ 208.000 tỉ đồng (26,7% thu ngân sách), con số này trong năm 2015 có thể tăng lên 30%. “Chi lớn hơn thu, thâm hụt ngân sách liên miên qua nhiều năm với mức độ ngày càng nghiêm trọng, buộc chính phủ phải vay nợ để bù đắp cho khoản thiếu hụt, biểu hiện ở khối lượng trái phiếu chính phủ phát hành tăng mạnh trong các năm và hệ quả tất yếu là nợ công trở thành vấn đề ngày càng nghiêm trọng”, TS Thiên nhận định và lưu ý: “Dự kiến dư nợ công đến hết năm 2013 là 56,2% GDP, nợ Chính phủ là 42,6%GDP, nợ nước ngoài của quốc gia là 39,5% GDP, nếu theo tiêu chí nợ công của VN thì các chỉ tiêu nợ vẫn nằm trong giới hạn an toàn, không tác động lớn đến kinh tế vĩ mô. Nhưng nếu tính theo tiêu chí quốc tế thì tỷ lệ nợ công so với GDP của VN đã vượt xa mức an toàn theo các khuyến cáo của các tổ chức quốc tế”.

Còn theo TS Vũ Sỹ Cường, Học viện Tài chính: “Dù hiện nay quy mô nợ công của VN vẫn được coi là trong ngưỡng an toàn song với việc duy trì thâm hụt ngân sách nhiều năm ở mức xấp xỉ 5% GDP trong khi hiệu quả chi tiêu công chưa được cải thiện thì nguy cơ mất ổn định tài khóa không chỉ là cảnh báo”.

Trường Sơn - Thúy Hằng

 >> Doanh nghiệp nhà nước giảm 40% lợi nhuận
>> TP.HCM sẽ cổ phần 14 doanh nghiệp nhà nước
>> Dứt khoát phải tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.