Màn nhảy múa “Giáo náp chém” của đội “họ đóng” làng Mỹ Thủy - Ảnh: Lê Đức Việt |
Truyền kỳ “Họ đóng”
Làng biển mà tôi nhắc đến là làng Mỹ Thủy (thuộc xã Hải An, H.Hải Lăng, Quảng Trị). Ngôi làng này cũng không khác mấy với những làng chài ven biển Quảng Trị, nhưng tôi đồ rằng, điệu nhảy mà người Mỹ Thủy gọi nôm na là nhảy “thiên-hạ-thái-bình” là thứ tài sản mà không làng biển nào sở hữu.
Màn nhảy “thiên hạ thái bình” chỉ được thực hiện trong những lễ lớn của làng, như: lễ nghinh sơn, nghinh thủy, hội làng, lễ cầu ngư, hay lễ tưởng niệm vụ thảm sát Mỹ Thủy... Và việc tập hợp “đạo quân” cho màn nhảy cũng không đơn giản. “Đạo quân” đó được người dân địa phương gọi là “họ đóng”, tuổi trung bình trên 40, phải là người làng Mỹ Thủy. Đó còn là một nhóm binh lính, có trách nhiệm gìn giữ bình an cho xóm làng, trước quỷ dữ, thiên tai, giặc giạ...
“Họ đóng” gắn liền với một truyền thuyến ly kỳ. Theo nhiều cụ cao niên trong làng Mỹ Thủy cũng như một số tài liệu cổ được các cụ diễn ra tiếng Việt thì thưở hồng hoang, để thử thách con trai, vị vua nọ đã đưa chàng ra một hòn đảo, nơi có rất nhiều con quái vật hung tợn. Trong tay không một tấc sắt, chàng tìm những hòn đá lớn, có vóc dáng tựa con người rồi sắp ngay ngắn như hai hàng lính đứng canh gác. Lũ quái thú thấy thế bèn sợ hãi không dám đụng đến hoàng tử và chàng sống bình yên cho đến khi vua cha triệu về kinh trao ngôi báu. Tưởng nhớ tích xưa, những đội “họ đóng” từ đó mà thành. Cụ Phan Thanh Siêu, một vị cao niên của làng Mỹ Thủy nói như đinh đóng cột rằng “họ đóng” đã có ở làng chài này từ thời Chúa Nguyễn. “Chính xác năm nào thì chịu nhưng từ đời ông cụ kỵ ở làng tôi đã có “họ đóng” rồi. Chúng tôi tự hào rằng, “họ đóng” và điệu nhảy cổ đã được gìn giữ gần như nguyên vẹn...”, Cụ Siêu hồ hởi nói.
Ước mơ “thiên - hạ - thái - bình”
Mỗi đội “họ đóng” khi “xuất quân” phải có đủ 17 người, trong đó có 1 ông cai và 16 anh lính. Ông cai được xem như một vị tướng, chỉ cầm một cặp dùi gỗ dài bằng 2 gang tay (còn gọi là cặp sanh), luôn đi đầu và đứng ra điều hành nhất cử nhất động của đội quân. Một ông cai được coi là xuất sắc khi am tường các điệu múa, có động tác dứt khoát và phải thực sự “có uy” với “đám người dưới”.
Nghe thì vậy, nhưng để đứng trong hàng ngũ của “họ đóng”, mỗi cá nhân đều phải thuộc dạng tuyển chọn kỹ lưỡng. Ở xứ biển này, những ai vào được đội “họ đóng” là niềm tự hào cho gia đình, dòng tộc. Ông Phan Văn Khuyến (58 tuổi, là người nhiều năm làm cai cho đội “họ đóng” làng Mỹ Thủy) cho biết: “Khó là ở chỗ, đây là những điệu nhảy múa cổ, mình phải tuân thủ những quy tắc bất di bất dịch chứ không thể cải biên vì mỗi động tác đều có ý nghĩa riêng. Phần nữa, đây là điệu nhảy tập thể, phải phối hợp nhịp nhàng với nhau, chỉ cần một anh tách ra là hỏng bét!”.
Không phải lúc nào “họ đóng” cũng nhảy một bài giống nhau mà tùy từng buổi lễ, họ sẽ có những bài nhảy tích hợp. Tuy vậy, phổ biến, một buổi biểu diễn của “họ đóng” sẽ có 6 bài cơ bản. Đầu tiên là điệu nhảy “Tam xà”, sau điệu nhảy “Chữ Á”, tiếp tục là điệu “Giáo náp chém”, điệu “Tam sơn tứ hải” cũng được nối liền sau đó. Và được người xem trong đợi nhất của đội “họ đóng” được xếp sau cùng. Đó là màn nhảy múa và xếp thành những chữ hán: Thiên - Hạ - Thái - Bình.
Theo giảng giải của cụ Siêu thì màn nhảy “Thiên - Hạ - Thái - Bình” quả mang hàm ý thâm sâu. Tất cả khái quát lên rằng trên có không khí, dưới có quả đất hiền hòa, con người đôn hậu, vạn vật hiền từ, cây cỏ xanh tươi, con người - vạn vật đều chung sống hòa thuận, bình đẳng, không chém giết lẫn nhau…
Nguyễn Phúc
Bình luận (0)