'Miếng ngon' dành cho nước ngoài - Kỳ 3: Giá thức ăn chăn nuôi đè nông dân

06/05/2014 08:55 GMT+7

Các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đang chiếm 65 - 70% thị phần thức ăn chăn nuôi, găm giá khiến dù ngành chăn nuôi đang lao đao, giá gà, heo rớt thê thảm nhưng giá thức ăn chăn nuôi vẫn cao chót vót, đè nặng lên vai người chăn nuôi.

'Miếng ngon' dành cho nước ngoài - Kỳ 3: Giá thức ăn chăn nuôi đè nông dân

Giá thức ăn chăn nuôi quá cao trong khi giá thịt, trứng giảm mạnh khiến người chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn - Ảnh: Q.Thuần

Vung tay chi để chiếm thị trường

Theo thống kê của Bộ NN-PTNT, hiện cả nước có hơn 58 doanh nghiệp (DN) sản xuất thức ăn chăn nuôi (TĂCN) với hơn 200 nhà máy, trong đó DN nước ngoài chiếm 1/3 số nhà máy nhưng thị phần lại chiếm tới 65 - 70%. Các DN ngoại này chỉ giữ lại khoảng 10% lượng thức ăn sản xuất ra để chăn nuôi gia công, còn lại bán ra thị trường cho các trang trại, hộ chăn nuôi. Các tên tuổi đang thống lĩnh ngành công nghiệp TĂCN VN có thể kể C.P Group (Thái Lan), Cargill (Mỹ), New Hope (Trung Quốc), Emivest (Malaysia)...

Với sản lượng 15,5 triệu tấn, ngành sản xuất TĂCN VN đứng đầu Đông Nam Á và đứng thứ 12 thế giới với mức tăng trưởng trung bình hằng năm từ 13 - 15%. Tuy nhiên, mức tăng trưởng này chủ yếu nằm ở các DN ngoại, còn các DN vừa và nhỏ trong nước tăng trưởng không đáng kể. Đơn cử, công ty đang dẫn đầu lĩnh vực này là C.P, năm 2013 doanh thu ngành nông sản của C.P tại VN tăng 18,3 % so với năm 2012, đạt 1,808 tỉ USD. Trong đó, ngành thức ăn chăn nuôi chiếm 46,6% doanh thu, còn lại là ngành nuôi trồng và thực phẩm. Trong năm 2013, mặc dù tình hình chăn nuôi khó khăn nhưng doanh thu ngành hàng TĂCN của C.P vẫn tăng 0,6% so với cùng kỳ năm trước, đạt 1,48 triệu tấn, trong đó thức ăn cho lợn, gia cầm, thủy sản và các sản phẩm thức ăn chăn nuôi khác chiếm lần lượt 49%, 23%, 25% và 3% doanh thu.

Trong khi đó, theo Hiệp hội TĂCN VN, các DN trong nước đang hoạt động rất èo uột, nhiều DN vừa và nhỏ đã phá sản vì không thể vượt qua các khó khăn về chi phí đầu vào cao, thiếu vốn, chính sách bán hàng thiếu linh hoạt. Nếu như các DN ngoại chi rất nhiều “hoa hồng” cho đại lý, có cơ chế thưởng theo doanh số, cho nông dân mua chịu thức ăn… thì DN nội chỉ có thể chi một phần rất nhỏ nên không thể cạnh tranh. Nhiều DN ngoại tổ chức hệ thống bán hàng tầng nấc, hoa hồng và thưởng doanh số cho nhiều cấp đại lý, hậu quả là người nông dân phải mua TĂCN với giá cao.

Thao túng giá bán

Liên tiếp nhiều năm nay, ngành chăn nuôi trong nước gặp khó khăn vì dịch bệnh và thị trường tiêu thụ sụt giảm. Đỉnh điểm dịch cúm gia cầm năm nay đã khiến giá thịt, trứng giảm sâu dưới giá thành, nhiều nông dân thua lỗ phải bỏ chuồng trại. Thế nhưng, điều bức xúc nhất của nông dân là giá TĂCN vẫn cứ tăng. Bên cạnh yếu tố phụ thuộc nguồn nguyên liệu nhập khẩu, theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), giá TĂCN tăng là do việc điều hành giá mặt hàng này nằm trong tay các DN ngoại.

Năm 2013, giá TĂCN trong nước bị đẩy lên cao với lý do biến động nguyên liệu nhập khẩu. Theo tính toán của Hiệp hội TĂCN VN, trong khi  chỉ cần bán TĂCN với giá 8.000 đồng/kg là đã có lãi thì hiện giá bán trên thị trường lên đến trên 12.000 đồng/kg, người chịu thiệt không ai khác chính là các hộ chăn nuôi trong nước. Năm 2014, ngành chăn nuôi cả nước thật sự lâm cảnh bi đát khi cung vượt cầu, sức mua giảm sút do ảnh hưởng dịch bệnh. Ước tính tổng số gia cầm của cả nước tháng 4.2014 giảm 1 - 1,5% so với cùng kỳ năm 2013. Trong khi đó, giá nguyên liệu bắp, cám gạo giảm rất mạnh. Bắp từ 6.200 đồng/kg giảm còn 5.600 đồng/kg, giá cám gạo cũng giảm… nhưng giá TĂCN vẫn giữ mức như năm trước. Các công ty sản xuất TĂCN đối phó với tình hình bằng cách điều chỉnh giảm sản lượng nhưng tăng khuyến mãi hay thưởng doanh số cho đại lý, người nuôi vẫn phải cắn răng mua TĂCN với giá cao.

Trước tình hình này, Hiệp hội TĂCN VN kiến nghị: “Để tạo động lực cho người chăn nuôi phát triển sản xuất, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành vào cuộc trong điều hành giá TĂCN một cách hợp lý”. Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, ngành nông nghiệp cần thay đổi cơ cấu sản xuất để tận dụng tối đa nguyên liệu sẵn có trong nước để sản xuất TĂCN, tránh tình trạng phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu.

Mảnh đất màu mỡ

Mảnh đất cho phát triển chăn nuôi ở nước ta từ nhiều năm qua thật sự rất màu mỡ, nhất là dành cho các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực  sản xuất TĂCN. Dù liên tục kêu lỗ, xin tháo gỡ, xin giảm thuế, nhưng nhìn chung DN TĂCN vẫn làm ăn rất béo bở, nhất là các DN nước ngoài. Thực tế kêu họ cứ kêu, nhưng làm gì có nhà máy nào giảm sút sản lượng, chỉ thấy tăng thêm, mở rộng.

Giáo sư Lê Viết Ly, nguyên Phó viện trưởng Viện Chăn nuôi

Giá chỉ tăng chứ không giảm

Giá TĂCN đã chiếm đến 70% giá thành sản phẩm thịt gia súc, gia cầm. Nghịch lý là dù người chăn nuôi lao đao nhưng trước nay giá TĂCN chỉ tăng chứ không giảm. Dù cho người chăn nuôi đang thua lỗ thê thảm họ cũng không giảm giá bán vì đang giữ thị phần lớn. Do đó mọi thiệt hại đều thuộc về người chăn nuôi.

Ông u Thanh Long, chủ trại chăn nuôi tại Đồng Nai

Quang Thuần 

>> ‘Miếng ngon’ dành cho nước ngoài
>> Miếng ngon' dành cho nước ngoài - Kỳ 2: Nhân sự Việt mất phần 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.