|
Hiệp ước nói trên, được ký bởi ông Abe và Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen nhân chuyến thăm của thủ tướng Nhật đến trụ sở chính của tổ chức này ở Bỉ, nhằm thắt chặt quan hệ hợp tác giữa Tokyo với NATO trong nhiều lĩnh vực như chống hải tặc, cứu hộ thiên tai và hỗ trợ nhân đạo.
Trong cuộc họp báo chung, ông Abe đã chỉ ra sự tương đồng giữa vụ Nga sáp nhập Khu Tự trị Crimea của Ukraine và tình hình tại châu Á, nơi Tokyo đang có tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư với Bắc Kinh.
“Chúng tôi sẽ không chấp nhận bất kỳ thay đổi nào thông qua hăm dọa, áp bức hay vũ lực. Quan điểm này không chỉ áp dụng với châu u hoặc Ukraine, mà cả Đông Á và cho toàn thế giới”, Reuters dẫn lời ông Abe nói.
Giới phân tích cho rằng mục tiêu của Nhật Bản là nhằm giành được ngày càng nhiều hỗ trợ của thế giới về an ninh của đảo quốc này, đặc biệt là đối với việc Trung Quốc tăng cường sức mạnh quân sự hay các vụ thử nghiệm tên lửa và vũ khí hạt nhân của CHDCND Triều Tiên.
“Nhật thực ra không kỳ vọng NATO đóng một vai trò trực tiếp tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nhưng mong muốn các nước đồng minh chia sẻ nhận định và giải pháp”, ông Michito Tsuruoka, một chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại Viện nghiên cứu quốc phòng Nhật, bình luận.
Căng thẳng giữa Nhật Bản và Trung Quốc đã leo thang từ năm 2013, khi Bắc Kinh đơn phương tuyên bố thiết lập vùng nhận dạng phòng không mới ở biển Hoa Đông, bao trùm cả quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Thủ tướng Abe nói với các quan chức NATO rằng ông nghĩ Nhật nên đóng một vai trò tích cực hơn trong việc bảo vệ tự do hàng không.
Được biết, ưu tiên của chính quyền Abe là khôi phục nền kinh tế trong nước, nhưng thủ tướng Nhật cũng đã cam kết sẽ tăng cường sức mạnh cho quân đội nhằm đối phó với những điều mà ông gọi là mối đe dọa từ việc Trung Quốc tăng cường mạnh sức mạnh quốc phòng.
Ngoài ra, ông Abe cũng muốn bãi bỏ lệnh cấm áp dụng quyền phòng vệ tập thể, vốn cho phép Tokyo tham chiến nếu các đồng minh bị tấn công, nhằm tăng cường quan hệ an ninh với Mỹ.
Tổng thư ký Rasmussen cho biết NATO hoan nghênh Nhật tiến hành các chính sách “để chuyển biến thành một quốc gia đóng góp tích cực cho hòa bình”.
“Chúng tôi có chung mối quan tâm về lĩnh vực chống hải tặc và chống khủng bố. Chúng tôi cũng có cùng quan tâm về việc giải trừ vũ khí”, ông Rasmussen nói.
Hoàng Uy
>> Trung Quốc đóng thêm tàu sân bay đối phó với Nhật Bản
>> Tổng thống Obama: Nếu Nhật Bản bị Trung Quốc tấn công, Mỹ sẽ hành động
>> Trung Quốc thả tàu Nhật Bản sau khi nhận bồi thường 28 triệu USD
>> Nhật Bản điều quân, khí tài quân sự đến đảo sát Đài Loan
>> Quân đội Nhật Bản đẩy mạnh quảng bá hình ảnh
y
Bình luận (0)