Người lính già làm theo lời Bác

07/05/2014 10:27 GMT+7

Trong ngôi nhà nhỏ nằm hun hút cuối hẻm sâu thuộc tổ 52, P.Thạc Gián (Q.Thanh Khê, TP.Đà Nẵng), cựu binh trận Điện Biên Phủ lẫy lừng 60 năm trước vẫn hoạt bát, vui vẻ kể cho chúng tôi nghe một thời hào hùng.

Trong ngôi nhà nhỏ nằm hun hút cuối hẻm sâu thuộc tổ 52, P.Thạc Gián (Q.Thanh Khê, TP.Đà Nẵng), cựu binh trận Điện Biên Phủ lẫy lừng 60 năm trước vẫn hoạt bát, vui vẻ kể cho chúng tôi nghe một thời hào hùng.

 Người lính già làm theo lời Bác
Bàn giao ngôi nhà tình nghĩa cho gia đình ông Thực - Ảnh: H.T

Ông là Đào Xuân Thực, sinh tháng 8.1932 ở Gia Lâm (Hà Nội). “Từ năm 1946, tôi đã tham gia du kích, bộ đội địa phương. Sau đó, đơn vị được chuyển lên Việt Bắc và phiên hẳn vào đại đoàn chủ lực 308 - đại đoàn quân tiên phong trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Hồi đó, tôi ở C6D6 thuộc trung đoàn 88, tham gia hầu hết các trận đánh lớn, trong đó có trận Tu Vũ - trận đánh mở màn chiến dịch Hòa Bình 12.1951 - 2.1952”, ông Đào Xuân Thực chậm rải nhắc lại những trận đánh lớn mà mình trực tiếp tham gia. Hỏi ông đã kinh qua nhiều trận đánh lớn, từ chiến dịch Cao - Bắc - Lạng (1949), chiến dịch Biên giới (1950)... sao trận Tu Vũ để lại cho ông nhiều kỷ niệm vậy? Ông Thực nhẹ nhàng: “Dù đây là trận mở màn của chiến dịch Hòa Bình, nhưng do quân ta chuẩn bị đầy đủ, tinh thần chiến sĩ lên rất cao, chỉ qua một đêm tấn công đã làm chủ được Tu Vũ, tiêu diệt rất nhiều tên địch”.

Tuổi đã cao, sức đã giảm, đi lại khó khăn, nhưng trí nhớ của ông vẫn còn rất tốt, không có sự kiện nào, trận đánh nào mà ông không nhớ từng chi tiết. Rồi ông nói: Hồi đó, đánh hăng vậy là nhờ anh em sức trẻ, hào khí tràn đầy. Nói xong, ông đọc những bài thơ đã theo ông suốt những năm tháng chiến dịch Điện Biên Phủ: Đêm hôm nay tôi cùng anh thi gan với chúng/Xem mai đồn Tu Vũ ở tay ai/Suốt đêm súng giặc vẫn nổ hoài/Ta cứ tiến hăng dưới làn mưa đạn/Mặc cho chúng bây bắn đạn tuôn ra muôn vàn/Chết người này trăm vạn người khác xông lên/Khắp bốn bề quân ta đã bố trí/miệng súng ngoảnh đen ngòm về phía giặc/Lệnh truyền xuống, súng cười lên sằng sặc/Cười cho lũ quỷ giặc phải tan hoang/Chúng ta là Vệ quốc đoàn/Mang hồn dân Việt phá tan cường đồ/Đêm nay Tu Vũ bóng cờ/Sông Đà bềnh nổi xác thù lênh đênh...

Sau chiến dịch Thượng Lào 1953, quân Pháp co cụm ở lòng chảo Điện Biên Phủ. “Cuối năm 1953, anh em bộ đội không ăn tết mà tập trung chuẩn bị súng đạn, lương thực cho trận đánh lớn. Ở nơi đóng quân, bên hậu cần phát bánh chưng, mỗi chiến sĩ được 3 cái cũng coi như ăn tết lớn rồi. Tại đây, ngày đêm chiến sĩ luyện tập với sa bàn mô hình cứ điểm Điện Biên Phủ mà anh em trinh sát vẽ lại”, ông Đào Xuân Thực kể lại không khí trước khi quân ta tập trung toàn lực tấn công cứ điểm Điện Biên Phủ và giành thắng lợi vẻ vang, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Genève năm 1954.

 Ông Đào Xuân Thực,
Ông Đào Xuân Thực, cựu binh Điện Biên Phủ - Ảnh: H.T

Hòa bình. Trong đoàn quân tiến về Hà Nội tiếp quản thủ đô, ông Đào Xuân Thực cho biết chỉ tranh thủ về thăm nhà được vài hôm lại tiếp tục lên đơn vị huấn luyện để chuẩn bị di chuyển vào miền Nam. Lúc này ông được tuyển chọn vào lính đặc công, huấn luyện tại Sơn Tây. Năm 1966, lần đầu tiên nhận lệnh vào miền Nam, ông thao thức cả đêm không ngủ. Quân số trong đoàn hơn 700 người. Ông được giao nhiệm vụ Trung đội trưởng, đeo lon trung úy. “Đi bộ từ Nam Định theo các cánh rừng, có lúc đi vòng sang đất bạn Lào, mất gần 5 tháng mới vào Quảng Ngãi”, ông Thực kể. Từ người lính ở chiến trường Điện Biên Phủ, ông ở lại chiến trường Khu 5 khốc liệt đạn bom. Tham gia các chiến dịch Mậu Thân (1968), rồi Đường 9 Nam Lào, Quảng Trị (1972). Sau nữa được chuyển về E230 (hậu cần Quân khu 5) lo chuyện tải lương, đạn dược.

Miền Nam thống nhất. Công việc bộn bề, mãi đến năm 1979 ông gặp và kết hôn với cô Nguyễn Thị Lan. Năm 1982, ông ra quân, về sống với vợ và hai con, trên cầu vai vẫn mang lon trung úy. Ông về sum vầy với gia đình các con, cháu sống chung trong ngôi nhà nhỏ, chật hẹp, nhưng không bao giờ thiếu tiếng cười vui. Ông kể, ông được giao xây dựng Xí nghiệp 27/7 ở Quảng Ngãi. “Nhà xưởng hoành tráng, thời ấy mà đặt 500 máy may là khủng khiếp lắm. Nhiều người nghĩ xây dựng cơ sở thế này, chắc ông Thực kiếm cũng khá đây nên dèm pha... Mình học ở Bác Hồ nhiều điều, không tham ô, không lấy một tất sắt nào, thành ra nó vậy...”, ông Đào Xuân Thực tâm sự khi nghe tôi thắc mắc về một đời binh nghiệp hào hùng, về khoảng thời gian làm hậu cần cho quân khu, nhưng không “đủ sức” xây ngôi nhà nhỏ cho gia đình và cũng không màng đến chuyện làm đơn xin đất, xin nhà theo diện “chế độ chính sách” như bao người khác.

Ngày vợ chồng ông nhận bàn giao ngôi nhà nghĩa tình rộng chưa đầy 50m2 mà Hội Cựu chiến binh TP.Đà Nẵng, UBND Q.Thanh Khê và Công ty CP vận tải-dịch vụ Phú Hoàng-Taxi Tiên Sa trao tặng, tôi thấy ông rơm rớm nước mắt xúc động không nói thành lời. Còn đại diện Hội Cựu chiến binh TP.Đà Nẵng và Ban liên lạc cựu binh Điện Biên Phủ TP.Đà Nẵng chỉ nói ngắn gọn: “Các anh thấy đường vào nhà anh Thực đây khó như thế nào, để chia sẻ với chúng tôi rằng phải vất vả lắm, đến bây giờ chúng tôi mới tìm ra địa chỉ...”. Trong ngày vui về nhà mới, ở tuổi 82, trên người đeo đầy huân, huy chương các loại, tôi thấy ánh mắt sáng trong và nụ cười mãn nguyện của người lính già, trung úy, cựu binh đã kinh qua những trận chiến vẻ vang của dân tộc: Điện Biên Phủ, thống nhất Tổ quốc 30.4.1975...

Hữu Trà

>> Điện Biên Phủ - Bản hùng ca bất diệt
>> Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử
>> Triển lãm chiến thắng Điện Biên Phủ ở các trường đại học
>> Người quản tù hàng binh trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.