(TNO) Các chuyên gia trong khu vực nhận định rằng khi gây hấn với Việt Nam ở biển Đông, Trung Quốc làm phức tạp hóa mối quan hệ với Nga. Ngoài ra, hành động này có thể sẽ khiến các quốc gia Đông Nam Á đang lớn tiếng phản đối các hành động hiếu chiến của Bắc Kinh trong khu vực càng liên minh chặt chẽ hơn, theo tạp chí quốc phòng Foreign Policy.
|
Foreign Policy cho rằng Moscow đã liên tục thắt chặt quan hệ với Hà Nội để kiềm chế sự bành trướng của Trung Quốc ở Đông Nam Á. Chẳng hạn như Nga dự kiến sẽ tài trợ và xây dựng lò phản ứng hạt nhân cho Việt Nam, theo Foreign Policy.
Trong lĩnh vực quốc phòng, Moscow cũng đã giúp tăng cường sức mạnh cho Hải quân Việt Nam bằng thương vụ bán 6 tàu ngầm lớp Kilo hiện đại, tạp chí Mỹ bình luận.
Ngoài ra, Nga cũng đã ký hợp đồng đóng nhiều loại tàu quân sự khác cho Việt Nam, chẳng hạn như 2 chiến hạm săn ngầm lớp Gepard-3.9 mang tên Đinh Tiên Hoàng (HQ-011) và Lý Thái Tổ (HQ-012).
Moscow dự kiến sẽ xây dựng một trung tâm bảo trì, sửa chữa tàu và tàu ngầm Việt Nam tại vịnh Cam Ranh vào năm 2015, hãng tin RIA Novosti cho biết.
Theo Foreign Policy, các động thái nói trên được xem như một phần trong nỗ lực bền bỉ của Nga nhằm tái lập ảnh hưởng của nước này trong khu vực và cũng để kiềm hãm sự bành trướng của Trung Quốc ở châu Á.
Trung Quốc và Nga đã từng đối đầu dữ dội về địa chính trị trong nhiều năm dọc theo vùng biên giới rộng lớn giữa 2 nước và việc Bắc Kinh gia tăng ảnh hưởng tại Trung và Đông Nam châu Á đã khiến Nga lo ngại rằng quốc gia láng giềng sẽ thống trị châu Á, tạp chí Mỹ phân tích.
Trung Quốc đang khiến các quốc gia Đông Nam Á đoàn kết lại
|
Hành động hung hăng của Trung Quốc, như việc dùng đến cả tàu hải quân và tàu tuần duyên để che chắn cho giàn khoan HD-981 tại vùng biển của Việt Nam, dường như gây tác dụng ngược với Bắc Kinh, theo Foreign Policy.
Philippines đã tạo ra một tiền lệ chưa từng có hồi đầu năm 2014 khi đưa tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung Quốc ở biển Đông ra tòa án quốc tế.
Các quốc gia khác trong khu vực, gồm Indonesia và Malaysia, cũng đã từ bỏ thái độ trung lập mà họ vẫn duy trì đối với các tranh chấp biển đảo ở biển Đông. Cả hai quốc gia này hiện đã lên tiếng phản đối các hành động của Trung Quốc.
Các quan chức Indonesia gần đây thường công khai bày tỏ quan ngại về cách hành xử của Bắc Kinh ở biển Đông.
Trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg (Mỹ) ngày 7.4, ông Marty Natalegawa, Ngoại trưởng Indonesia, cho biết Indonesia muốn Trung Quốc giải thích về một bản đồ in trên hộ chiếu Trung Quốc có chứa những "tuyên bố chủ quyền" trên biển Đông.
Indonesia đã đề nghị Liên Hiệp Quốc giúp đỡ để có một sự giải thích rõ ràng về mặt pháp lý, theo ông Marty.
Trước đó, trả lời phỏng vấn báo chí Indonesia hồi tháng 3.2014, ông Fahru Zaini, Phó trợ lý Bộ trưởng Bộ an ninh phụ trách về học thuyết chiến lược quốc phòng Indonesia, cho biết tuyên bố chủ quyền “đường lưỡi bò” phi lý của Trung Quốc trên biển Đông đã lấn sâu vào vùng biển của Indonesia.
Trong khi đó, hồi tháng 4, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Malaysia Najib Razak cũng đã đưa ra tuyên bố chung nhấn mạnh rằng tất cả các quốc gia trên thế giới cần phải bảo vệ quyền tự do hàng hải và tránh dùng vũ lực để giải quyết tranh chấp trên biển.
Tuyên bố này, rõ ràng là nhằm vào Trung Quốc, Foreign Policy nhận xét.
“Indonesia đã có nhiều phát biểu hơn, và tuyên bố chung Mỹ - Malaysia nhân chuyến thăm của ông Obama cũng đã tiến xa hơn về các vấn đề trên biển so với dự đoán”, ông Ely Ratner, một quan chức cấp cao tại Trung tâm An ninh Mỹ mới, phát biểu.
"Một khả năng có thể phát sinh từ vụ Trung Quốc gây hấn với Việt Nam là việc các bên có tuyên bố chủ quyền tại biển Đông, đặc biệt là Philippines, Malaysia và Việt Nam, tăng cường hợp tác với nhau”, chuyên gia này nhận định.
Kiểu hành xử hiếu chiến của Trung Quốc trong các tranh chấp chủ quyền với các quốc gia láng giềng ở biển Đông nhiều khả năng sẽ khiến nỗ lực nối lại quan hệ với Nga của Trung Quốc trở nên khó khăn hơn, theo ông Ratner.
“Việc Trung Quốc bắt nạt các nước châu Á sẽ làm hạn chế mức độ gần gũi trong quan hệ của nước này với Nga vì một số nước bị Bắc Kinh chèn ép lại có mối thân cận với Nga”, ông Ratner nói.
Hoàng Uy
>> Trung Quốc dùng giàn khoan HD-981 để cố ôm các tuyên bố chủ quyền phi lý
>> Đưa giàn khoan phi pháp vào biển Đông, Trung Quốc ngang ngược tố Việt Nam 'can thiệp
>> Mỹ: Trung Quốc 'khiêu khích' khi đưa giàn khoan vào biển Đông
>> Điện đàm cấp cao về việc giàn khoan Trung Quốc
>> Báo Trung Quốc: Không có chuyện ngừng đưa giàn khoan vào vùng biển Việt Nam
>> HD-981 chính là giàn khoan ‘khủng’ của Trung Quốc
>> Đưa giàn khoan vào vùng biển Việt Nam: Trung Quốc vi phạm DOC
>> PVN yêu cầu CNOOC rút giàn khoan khỏi vùng biển Việt Nam
Bình luận (0)