Ben Gurion và lịch sử hình thành nhà nước Israel - Kỳ 5: Giải cứu Jerusalem

09/05/2014 00:00 GMT+7

Các máy bay của Do Thái cuối cùng đã thực hiện phi vụ ném bom đầu tiên ở phía nam, ở mặt trận Jerusalem và ở các khu vực khác.

>> Ben Gurion và lịch sử hình thành nhà nước Israel - Kỳ 4: Đối đầu liên quân
>> Ben Gurion và lịch sử hình thành nhà nước Israel - Kỳ 3: Chuẩn bị chiến tranh tổng lực

 
Binh sĩ Palmach trong cuộc chiến tại Jerusalem - Ảnh: GPO

Thêm nữa, một con tàu đã cập bến mang theo 5.000 súng trường và 45 đại bác. “Đó là lúc bắt đầu cho một bước ngoặt”, Ben-Gurion viết trong hân hoan.

Ngày 22.5, tình hình ở Jerusalem xấu đi đáng kể. Một bức điện gửi Ben-Gurion cho biết là liên quân đang chiếm hết làng này đến làng khác ở vùng lân cận. Ben-Gurion lo sợ. “Tôi đã ra lệnh cử một đội quân đến Jerusalem không chút chần chừ, gồm các đơn vị được huấn luyện và vũ trang... Các đơn vị được nhận tất cả các vũ khí đang có. Xe bọc thép được chuyển đến ngay lập tức. Họ phải chiếm... tất cả các làng xung quanh và mở đường đến Jerusalem”.

Cuộc tranh luận đầy sóng gió nổ ra giữa Ben-Gurion và Yadin. Cuộc tấn công ngay lập tức vào con đường đến Jerusalem bắt buộc phải đột kích trực diện vào đồn cảnh sát Latrun, nơi kiểm soát con đường. Liên quân đã chiếm đồn cảnh sát bằng lực lượng mạnh và tinh nhuệ, yểm trợ bằng xe bọc thép và pháo binh. Mặt khác, Haganah không có sẵn lực lượng. Lực lượng duy nhất không có nhiệm vụ tại thời điểm đó chỉ có Lữ đoàn số 7 vừa thành lập. Vào phút chót, Ben-Gurion tự chi viện cho lữ đoàn hàng trăm tân binh chưa qua huấn luyện và nhiều người nhập cư vừa xuống tàu. Họ chưa một lần trong đời cầm khẩu súng trường; họ nói đủ các thứ tiếng khác nhau và không hiểu tiếng Hebrew. Nhanh cấp kỳ, chỉ huy của họ cố gắng huấn luyện những điểm chính yếu về vũ khí, và các tân binh nhắc lại như vẹt một số mệnh lệnh căn bản bằng tiếng Do Thái.

Theo quan điểm của Yadin, Lữ đoàn 7 chưa phải là một đơn vị chiến đấu, nhưng Ben-Gurion không quan tâm đến sự phản đối này. Buổi tối ngày 22.5, ông triệu tập một cuộc họp khẩn cấp. Khi biết 3.000 quân của Lữ đoàn 7 bị giữ trong doanh trại của họ 3 ngày, Ben-Gurion đã bùng lên giận dữ: “3.000 binh lính đang nhàn rỗi trong doanh trại; 9.000 “ngày công lính” đã bị lãng phí trong khi Jerusalem có thể thất thủ ngay bây giờ!”.

Ben-Gurion đề nghị chiến dịch mở đường về Jerusalem sẽ do Lữ đoàn 7 thực hiện, tăng viện một tiểu đoàn từ Lữ đoàn Alexandroni. Tư lệnh của Lữ đoàn Alexandroni lo lắng việc đó sẽ làm suy yếu lực lượng của ông ta trong lúc đang đương đầu với quân Iraq; người Iraq có thể xuyên thủng và cắt đứt giao thông giữa Tel Aviv và Haifa. Nhưng Ben-Gurion không nhượng bộ: “Tôi sẵn sàng nhận trách nhiệm về rủi ro đó”, ông nói.

Cuộc tấn công được ấn định vào đêm 23.5. Tuy nhiên, trong ngày hôm đó, chuyện lữ đoàn chưa được chuẩn bị tốt bị lộ ra và cuộc tấn công không thể diễn ra như kế hoạch. Bằng một nỗ lực to lớn, Yadin xoay xở để thuyết phục Ben-Gurion hoãn chiến dịch lại một ngày. Ben-Gurion nhận thấy căng thẳng đang gia tăng. Các cuộc trao đổi đã bắt đầu nói đến chuyện ngừng bắn, và nếu chiến sự ngừng lại trong khi đường đến Jerusalem còn nằm trong tay liên quân thì thành phố này sẽ tiếp tục bị cô lập và tinh thần của dân chúng sẽ suy sụp. Tin tức đến từ chính Jerusalem rất u ám. Đạn pháo của liên quân nổ khắp nơi, lương thực và nước phải chia thành những khẩu phần cho tiết kiệm. Khu vực Do Thái của Thành Cổ, vốn bị cô lập khỏi các khu vực Do Thái khác, đang phát đi lời kêu gọi chi viện một cách tuyệt vọng.

Vào đêm mở ra chiến dịch, Yadin bay đến kibbutz có các lực lượng tấn công đang tập trung. Ấn tượng của ông là đoàn quân đó đang ở trong tình trạng hỗn loạn. Cùng với các sĩ quan của mình, ông đi đến kết luận là phải hoãn cuộc tấn công vài ngày. Ông quay về Tel Aviv và cố gắng thuyết phục Ben-Gurion rằng chiến dịch phải hoãn lại. Câu trả lời của Ben-Gurion gọn lỏn: “Tấn công, bằng mọi giá”.

Lữ đoàn 7 bị giáng một đòn tồi tệ ngay thử thách đầu tiên, và đoạn xe dài đang sẵn sàng chở đồ tiếp tế cho Jerusalem vẫn giậm chân tại chỗ.

Ben-Gurion hăm hở tìm xem khi nào thì có thể rót một đợt tấn công nữa vào Latrun. Như một kẻ kiên gan, ông bám chặt vào phương án của mình là tấn công Latrun cho đến khi nào mở được con đường dẫn đến Jerusalem. Thậm chí ông còn cho những chiếc máy bay Messerschmitts vừa mới lắp ném bom xuống Latrun và làng Ả Rập Emaus bên cạnh. Tin cực xấu đến từ Jerusalem: khu vực Do Thái ở Thành Cổ đã rơi vào tay liên quân và lực lượng tự vệ ở đó bị bắt làm tù binh. Cùng lúc đó, Liên Hiệp Quốc thúc giục ngừng bắn. Ngày 30.5, Ben-Gurion một lần nữa đưa quân tấn công Latrun - và một lần nữa, ông thất bại.

Sau trận chiến, Mickey Marcus, đại tá cựu chiến binh Mỹ vừa tiếp nhận vị trí tư lệnh của trận Jerusalem, đã gửi điện cho Yadin: “Tôi đã ở đó và nhìn thấy trận chiến. Kế hoạch tốt. Pháo tốt. Xe bọc thép rất tốt. Bộ binh thì thật đáng xấu hổ”.

Nhưng Ben-Gurion không bỏ cuộc. Ngày 9.6, ông bổ sung thêm hai lữ đoàn, cử Yigal Allon chỉ huy chiến dịch [...] Tuy nhiên, cuộc tấn công này cũng rơi vào bế tắc.

Mặc dù vậy, Jerusalem đã được cứu. Ba thành viên của Palmach (lực lượng xung kích ưu tú của Haganah - Thanh Niên) phát hiện một ngả đường đồi không đi ngang qua Latrun, hoàn toàn đi vào trong phần lãnh thổ mà Israel kiểm soát.

Vào lúc tuyên bố ngưng bắn, Jerusalem đã không còn bị cô lập.

Ngô Minh Trí (lược trích)
Tác giả: Michael Bar-Zohar
Bản quyền và thực hiện: Anpha Books

>> Kho báu cổ dưới chân đền Jerusalem
>> Israel triển khai 'Vòm Sắt' tại ngoại ô Jerusalem
>> Xô xát bùng phát ở Bờ Tây và Jerusalem
>> Đụng độ kinh hoàng tại Đông Jerusalem

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.