Những tay máy này, thay vì phải đặt một cái hẹn, họ phải cuốc bộ trong rừng mấy ngày liền, uống mật nằm gai để đặt “bẫy”...
|
Đó là những cán bộ của Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông (H.Đakrông, Quảng Trị, gọi tắt BQL). Họ là những người làm công tác khoa học, nhưng trong quá trình thu thập tư liệu, phục vụ mục đích nghiên cứu họ “bén duyên” với nghiệp “phó nháy”.
“Cơm đùm gạo bới” đi... chụp ảnh
Anh Trà Minh Tý, Phụ trách phòng kế hoạch kỹ thuật của BQL, “tay máy đầu đàn” của đơn vị cho hay việc đặt máy bẫy ảnh thú rừng được “du nhập” vào đơn vị chưa lâu, từ khoảng năm 2010. “Các khu bảo tồn tại nhiều địa phương khác trong cả nước đã thực hiện việc “bẫy ảnh” này khá lâu rồi nhưng Quảng Trị thì vẫn còn mới. Các chuyên gia, các nhà nghiên cứu đến rồi đi, họ không thể ở mãi nơi núi rừng này. Nên mỗi lần họ đến chúng tôi đều tranh thủ học lỏm...”, anh Tý nói. Về sau, khi đã có kinh nghiệm, các cán bộ phòng kế hoạch kỹ thuật của BQL có thể tự thực hiện các dự án điều tra cho từng loài cụ thể, phân bố từng vùng cụ thể. Trong khi, khu bảo tồn thiên nhiên này có diện tích hơn 37.000 ha với hệ động thực vật phong phú, đa dạng như có 67 loài thú quý hiếm, 1.412 loài thực vật, 193 loài chim, 210 loài bướm, 72 loài cá và nhiều loài côn trùng khác...
Thường mỗi lần “xuất kích” họ có rất nhiều thứ để chuẩn bị, từ máy móc, bản đồ, vật dụng, cơm gạo, nước uống cho đến... sức khỏe, tinh thần. Cũng phải, bởi mỗi chuyến, ít nhất họ phải đi chừng 4 ngày và di chuyển trên dưới 30km đường rừng.
Anh Hồ Đắc Thắng, người có kinh nghiệm chụp ảnh cho... thú rừng gần 3 năm giải thích: “Với 13 cái máy chụp ảnh chuyên dụng hiện có, chúng tôi sẽ thực hiện trên dưới 4 lần vào rừng để đặt “bẫy ảnh” đối với mỗi chuyên đề. Chừng 20 ngày thì chúng tôi lại lên rừng để thay pin và lấy thẻ nhớ xem có chụp được tấm hình nào đắt giá không”. Bị gọi là “phó nháy” nhưng thực chất họ chỉ phụ trách việc lắp đặt, chọn vị trí đặt máy, bởi máy ảnh mà họ sử dụng là loại cảm biến nhiệt và cảm biến hồng ngoại, sẽ tự động chụp ảnh nếu phát hiện có sự chuyển động với khoảng cách tối đa 15 m. Cũng vì tính năng hiện đại này mà đã xảy ra nhiều câu chuyện dở khóc dở cười.
“Nhiều khi mấy tuần sau quay lại, thẻ nhớ vẫn trống không. Có khi thì máy chụp liên lục cả 1.000 tấm nhưng không tìm ra “nhân vật” bởi chỉ chụp những loài quá nhỏ bé. Cũng có khi, bà con dân tộc đi rừng, thấy cái máy là lạ, đưa về nhà cho con chơi, báo hại chúng tôi đi tìm trối chết”, anh Nguyễn Văn Thắng, một cán bộ của BQL kể vui. Nhưng cũng không ít lần các “phó nháy’ này chụp được ảnh nhiều loài như: khỉ, voọc, mang, chồn, gà rừng, gà lôi... Khi đặt máy, họ thường phải dựa ít nhiều vào kinh nghiệm khi đánh giá nguồn thức ăn, dấu chân hoặc tiếng kêu của các loài chim thú... Dù làm khoa học nhưng họ cũng kiêm luôn thực hiện công tác bảo vệ rừng khi “gặp lâm tặc thì đuổi, gặp lán trại thì đốt, gặp bẫy thú thì phá” anh Tý kể thêm.
“Truy tìm” gà lôi lam mào trắng
Giống gà lôi lam mào trắng là loài cực hiếm. Có lẽ cũng bởi sự quý hiếm đó mà giống gà lôi này đã được chọn làm biểu tượng cho khu bảo tồn. Nhưng tiếc thay, từ mấy năm trở lại đây, nhiều nhà nghiên cứu cũng như các “phó nháy” của khu đã không còn nhìn thấy hoặc ghi lại được hình ảnh của nó nữa. Theo anh Tý thì dù đã có rất nhiều lần anh em lên rừng với hy vọng thu được một hình ảnh, dù nhão nhoẹt về giống gà lôi này nhưng tất cả đều trống không. “Tìm cho ra con gà lôi lam mào trắng chính là khát vọng và cũng là tâm nguyện của anh em chúng tôi. Mỗi lần lấy thẻ nhớ ra kiểm tra chúng tôi đều rất hy vọng nhưng kết quả vẫn chưa đạt như mong muốn. Biết chắc sẽ khó nhưng chắc chắn rằng, chúng tôi sẽ không bỏ cuộc”, anh Tý nói chắc nịch.
Những anh em trong tổ “chụp ảnh” thừa nhận một điều rằng, không chỉ riêng với việc truy tìm gà lôi lam mào trắng mà cả với những loài khác, hiệu quả của việc chụp ảnh chưa cao phần nhiều vì kinh phí quá eo hẹp. Chùn xuống vài giây, rồi anh Tý quay sang bảo tôi rằng: “Lỡ bén duyên với nghề này rồi chúng tôi không ngại khổ, chúng tôi có thể lên rừng chỉ bằng... niềm đam mê. Nhưng nếu có thêm nhiều nguồn lực thì hiệu quả của công việc sẽ xứng đáng hơn”. Nghe câu nói quyết tâm ấy, chẳng hiểu sao tôi đinh ninh rằng, rồi có một ngày họ sẽ được toại nguyện với giấc mơ về con gà lôi lam mào trắng...
Nguyễn Phúc
>> Thú rừng xuất hiện ở Đông Giang có thể là bò tót quý hiếm
>> Giải cứu thú rừng
>> Thả thú rừng bị mua bán trái phép về tự nhiên
Bình luận (0)