Học sinh lớp 11 chế tạo rô bốt máy cẩu

13/05/2014 08:20 GMT+7

Rô bốt máy cẩu hai tay múc chạy bằng điện do em Trần Văn Phát, học sinh lớp 11A3, Trường THPT Hậu Lộc 2 (huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) tự chế chỉ trong thời gian vỏn vẹn 2 tuần. Nếu được ứng dụng, rô bốt có thể giúp ngành xây dựng rút ngắn thời gian thi công cùng nhiều tiện ích khác.

Rô bốt máy cẩu hai tay múc chạy bằng điện do em Trần Văn Phát, học sinh lớp 11A3, Trường THPT Hậu Lộc 2 (huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) tự chế chỉ trong thời gian vỏn vẹn 2 tuần. Nếu được ứng dụng, rô bốt có thể giúp ngành xây dựng rút ngắn thời gian thi công cùng nhiều tiện ích khác.


Phát đang vận hành chiếc máy cẩu hai tay múc bán tự động điều khiển từ xa - Ảnh Nhật Linh
 

Sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo xã Văn Lộc (huyện Hậu Lộc), hồi còn là cậu bé 8 tuổi, những buổi rong ruổi đi học hay thả trâu ra đồng, tình cờ Phát bắt gặp hình ảnh chú công nhân đang điều hành máy cẩu xúc đất, đá. Với bản tính năng động và hiếu kỳ, em đứng lại quan sát.

“Nhìn các chú công nhân gầy gò phải lao động trên cao và trong môi trường độc hại, nguy hiểm, trong đầu em nảy lên ý tưởng sáng chế ra một loại máy móc để có thể nâng cao hiệu quả công việc, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, không mất nhiều sức lực”, Phát tâm sự.

Đầu năm lớp 11, Phát bắt đầu hiện thực hóa ý tưởng thiết kế máy cẩu hai tay múc bán tự động điều khiển từ xa. Phát đã phác thảo bằng hình ảnh minh họa và nhờ thầy Đinh Sỹ Hùng, giáo viên dạy môn Công nghệ, hướng dẫn về mặt lý thuyết.

Những buổi đi học về, bất kể thời gian nào rảnh rỗi, Phát lại bắt tay vào công việc tự sáng chế. “Công đoạn khó nhất là gò khung, em phải tháo ra lắp vào hàng chục lần. Vì làm bằng thủ công nên nhiều khi em bị tấm nhôm cứa đứt tay, bị điện giật trong công đoạn đấu các đầu dây lại với nhau”, Phát kể lại.

Rô bốt máy cẩu của Phát chỉ cần một người điều khiển từ xa là dễ dàng xúc cả hai tay. Trường hợp làm việc với những tảng đá lớn, một tay có thể dùng làm búa đập còn tay kia xúc, ngoài ra có thể xúc cả hai nơi khác nhau và cùng đổ về một vị trí. Phía trước thân máy còn có bộ phận ủi san lấp, đặc biệt là bộ phận di chuyển với 16 bánh răng chuyền lực đảm bảo trong việc di chuyển trên các địa hình khó khăn.

Rô bốt tự chế của Phát đã đạt giải 3 cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp tỉnh. Thầy Vũ Đức Thành, Hiệu trưởng trường THPT Hậu Lộc 2, cho biết: “Mô hình sáng tạo của em Phát được ban giám khảo cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia đánh giá là có ý tưởng tốt và có khả năng ứng dụng vào thực tế. Nhà trường luôn khuyến khích, động viên và tạo điều kiện ủng hộ trang thiết bị để các em học sinh phát huy hết khả năng sáng tạo của mình”.

“Trong thời gian tới, em dự định sẽ bắt tay ngay vào việc nâng cấp rô bốt máy cẩu điều khiển từ xa chạy bằng điện kết hợp với bình ắc quy khô để có thể ứng dụng vào thực tiễn. Ngoài ra, em còn dự định sáng chế một chiếc xe bánh xích gầm cao nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông để tham dự cuộc thi trong năm tới”, Phát chia sẻ.

Nhật Linh

>> Mê sáng chế robot
>> Nhật Bản muốn chế robot “thi hộ” đại học

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.