Tại Q.Ngũ Hành Sơn, hàng trăm trường hợp đã bàn giao mặt bằng, nhưng chưa được bố trí tái định cư thực tế tạo nên điểm nóng mới về an cư tại TP.Đà Nẵng.
Thảm cảnh ở khu Đông Hải
Trong buổi làm việc với lãnh đạo Q.Ngũ Hành Sơn mới đây, ông Văn Hữu Chiến, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng thẳng thắn việc triển khai các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng ở Q.Ngũ Hành Sơn đang gặp rất nhiều vấn đề. Nổi lên là tình trạng thi công hạ tầng dang dở; đền bù, giải tỏa, bố trí tái định cư kéo dài khiến người dân lẫn doanh nghiệp bức xúc. Đơn cử, tại dự án khu dân cư Đông Hải (P.Hòa Hải) do BQL dự án hạ tầng giao thông đô thị (Sở GTVT TP.Đà Nẵng) điều hành, đơn vị 532 (Bộ Quốc phòng) trúng thầu thi công.
Ông Đào Tấn Bằng, Bí thư Q.Ngũ Hành Sơn và ông Lê Hoàng Đức, Chủ tịch quận cho rằng đơn vị thi công yếu năng lực, chậm thi công hạ tầng, khiến hàng trăm trường hợp người dân đã bàn giao mặt bằng, nhưng đến nay vẫn chưa có đất tái định cư để bố trí. “Tại quận có trên 600 trường hợp chưa bố trí tái định cư thực tế cho người dân, thì ở khu Đông Hải này chiếm hơn một nửa”, ông Bằng nhấn mạnh. Đại diện ban điều hành dự án phân bua: “Thực tế nợ đất bố trí tái định cư tại chỗ là 285 lô, còn nơi khác chuyển đến là 164 lô. Chưa có đất bố trí là do giải tỏa như da báo, không liên cư liên địa khiến đơn vị thi công không thể tập trung nhân lực, máy móc thi công được”.
Trong khi đó, hàng loạt dự án đầu tư hạ tầng tại P.Hòa Quý cũng đang giẫm chân tại chỗ do các đơn vị được giao quản lý, điều hành dự án không biết tìm đâu ra đất để bố trí tái định cư cho dân nếu xốc ngay vào đền bù, giải tỏa trong thời điểm này. “Mấu chốt là phải đầu tư xây dựng ngay khu tái định cư Bình Kỳ mới giải quyết được hàng loạt vấn đề về tái định cư cho các dự án trong khu vực này”, ông Đào Tấn Bằng nói.
Nỗi lo thiếu vốn đền bù
Với tư cách là Chủ tịch UBND quận, Chủ tịch hội đồng giải phóng mặt bằng Q.Ngũ Hành Sơn, ông Lê Hoàng Đức thẳng thắn đề cập đến những vướng mắc, tồn tại khi đền bù, vận động người dân di dời, bàn giao mặt bằng cho các đơn vị thi công: “Tại các dự án này còn thiếu tiền nữa thôi. Nếu có tiền đền bù cho người dân thì người dân nhận và bàn giao mặt bằng ngay”. Tại các khu tái định cư Bá Tùng, ông Trần Phước Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP xây dựng - phát triển hạ tầng Đà Nẵng cho biết phải cần ít nhất 70 tỉ trong năm 2014 để đền bù cho dân và xây dựng các khu tái định cư. Tại Khu số 4 - Nam cầu Tuyên Sơn mở rộng cũng còn 58 hồ sơ nhà, đất chưa đền bù, bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư là Công ty CP đầu tư - phát triển Nam Việt Á dù đơn vị này đã nộp tiền sử dụng đất cho TP.Đà Nẵng từ năm 2010. Nguyên nhân chưa thể bàn giao mặt bằng được ông Nguyễn Văn Tiến, Trưởng Ban giải tỏa đền bù các dự án đầu tư xây dựng Đà Nẵng cho hay là “thiếu vốn, cần ngay 10 tỉ để chi trả cho dân”. Tại Khu đô thị FPT, ông Nguyễn Văn Tiến phụ trách đền bù, giải tỏa ở đây cũng mong có trong tay 15 tỉ để di dời hàng chục hộ dân. Ngoài ra, theo tính toán của các đơn vị liên quan, để giải quyết bài toán tái định cư tại các khu tái định cư P.Hòa Quý phải cần thêm hàng trăm tỉ đồng nữa…
Nói về nguồn vốn để đền bù, giải tỏa, ông Văn Hữu Chiến cho rằng thành phố đang tích cực tìm nguồn: “Mà nguồn vốn này cũng từ khai thác quỹ đất mà ra mới có để chi trả đền bù, giải phóng mặt bằng. Yêu cầu Văn phòng UBND thành phố phối hợp với các sở, ngành liên quan đốc thúc chủ đầu tư còn nợ nộp tiền sử dụng đất. Đối với chủ đầu tư hoàn thành nghĩa vụ tài chính cần ưu tiên nguồn vốn chi trả đền bù”. Ông Văn Hữu Chiến cũng chỉ đạo Q.Ngũ Hành Sơn phải tập trung huy động cả hệ thống chính trị vào vận động người dân di dời, bàn giao mặt bằng. Đối với các nhà thầu thi công yếu kém, ông Văn Hữu Chiến chỉ đạo ban điều hành buộc ký cam kết, anh nào vi phạm phải thay ngay để đảm bảo có đất bố trí tái định cư cho người dân.
Hữu Trà
>> Nhà 'nằm trên giấy' vì chưa xong khu tái định cư
>> Xén đất tượng đài để... tái định cư
>> Chất lượng khu tái định cư thủy điện quá kém
>> Quảng Nam thu hồi vốn đối ứng tại các khu tái định cư
>> Quy định mới nhất về bồi thường và tái định cư
Bình luận (0)