(TNO) Tất cả hành động hung hăng của Trung Quốc trên biển Đông là nhằm mục đích củng cố tuyên bố chủ quyền phi lý “đường lưỡi bò” của nước này, nuốt gần hết biển Đông. Nhưng các nước trong khu vực sẽ liên minh chống lại sự hung hăng và mưu đồ bá quyền của Trung Quốc.
|
Trong một bài xã luận trên tờ South China Morning Post (Hồng Kông) ngày 18.5, nhà báo Philip Bowring ở Hồng Kông cho rằng Trung Quốc đã phớt lờ các chứng cứ lịch sử, tăng cường những hành động hung hăng trên biển Đông thời gian gần đây chỉ nhằm vào mục đích tuyên bố chủ quyền phi lý “đường lưỡi bò” của Trung Quốc, nuốt trọn trên 90% biển Đông.
Tình hình biển Đông trở nên căng thẳng sau khi Trung Quốc ngang ngược đưa giàn khoan Hải Dương-981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Trung Quốc cũng điều máy bay, tàu quân sự đến khu vực hạ đặt giàn khoan trái phép. Tàu Trung Quốc còn ngang ngược đâm, bắn nước vào tàu Việt Nam đang làm nhiệm vụ chấp pháp trên vùng biển của Việt Nam.
Mới đây, Philippines lên tiếng tố cáo Trung Quốc ngang ngược xây dựng đường băng trái phép trên đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Lâu nay, Philippines cũng có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc trên biển Đông.
Riêng về việc Trung Quốc ngang ngược đưa giàn khoan xâm phạm vùng biển Việt Nam, thời gian qua truyền thông báo đài cùng các nước trên thế giới cũng đã lên án hành động gây hấn của Trung Quốc.
Mới đây, ông Didier Guillaume, Thị trưởng thành phố Choisy-le-Roi, phía nam thủ đô Paris của Pháp, đã viết thư bày tỏ tình đoàn kết với nhân dân Việt Nam, đồng thời lấy làm tiếc về hành động xâm phạm trái phép của Trung Quốc vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, theo TTXVN.
Ông Didier Guillaume khẳng định việc hạ đặt giàn khoan đã "vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam", ảnh hưởng đến an ninh và an toàn hàng hải của cộng đồng quốc tế tại vùng biển này, đồng thời đánh giá cao quyết tâm bảo vệ độc lập dân tộc và cuộc đấu tranh vì hòa bình và hợp tác giữa các quốc gia của Việt Nam.
Ngoài ra, một số nghị sĩ Pháp và Ý cũng lên tiếng phản đối Trung Quốc, cho rằng hành động đơn phương của Trung Quốc sẽ đe dọa nghiêm trọng an ninh tại biển Đông, cũng theo TTXVN.
Không chỉ riêng Việt Nam và Philippines, Trung Quốc còn chuyển hướng sang “bắt nạt” cả Indonesia. Trong những tháng gần đây, Indonesia đã hai lần phản đối Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi lý tại quần đảo Natuna của Indonesia trên biển Đông.
BBC dẫn lời giáo sư Mark Beeson, chuyên nghiên cứu về chính trị quốc tế và cũng là một chuyên gia về an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương, thuộc Đại học Murdoch (Úc) nhận định: “Việt Nam không phải là một nước dễ bị đánh ngã như lịch sử phức tạp giữa Việt Nam-Trung Quốc nhắc nhở chúng ta điều đó”.
Nếu Trung Quốc càng đẩy mạnh những hành động ngang ngược nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền phi lý của nước này, thì các nước trong khu vực sẽ hợp sức cùng nhau tạo thành một liên minh để chống lại mưu đồ bá quyền của Trung Quốc, theo nhận định của ông Geoff Dyer, một nhà báo - tác giả nhiều quyển sách và là cựu trưởng văn phòng tờ Financial Times (Anh) tại Bắc Kinh, trên trang tin The Washington Free Beacon (Mỹ).
Phúc Duy
>> Trung Quốc 'né' diễn đàn kinh tế thế giới vì vụ giàn khoan trái phép
>> Tường thuật từ Hoàng Sa: Tàu Trung Quốc hung hăng tông thẳng tàu cảnh sát biển Việt Nam gây hư hại nặng
>> Báo Hồng Kông: Nhật có thể cùng Việt Nam, Philippines đối phó Trung Quốc
>> New York Times: Nội bộ Trung Quốc 'mâu thuẫn' về chính sách biển Đông
Bình luận (0)