Quả cam Trần Quốc Toản

19/05/2014 03:00 GMT+7

Sử cũ chép: “Tháng 10 năm 1282, các vua Trần mở hội nghị Bình Than để bàn kế chống quân Nguyên, vua thấy Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản lúc này mới 16 tuổi, không cho dự bàn. Quốc Toản trong lòng hổ thẹn, phẫn kích, tay cầm quả cam, bóp nát lúc nào không biết.

Sau đó Quốc Toản lui về, huy động hơn nghìn gia nô và thân thuộc, sắm vũ khí, đóng chiến thuyền, viết lên cờ sáu chữ: "Phá cường địch, báo hoàng ân" (phá giặc mạnh, báo ơn vua)… Ngày 10 tháng 5 năm 1285, có người về báo tin cho vua Trần việc thượng tướng Quang Khải, Hoài Văn hầu Quốc Toản và Trần Thông, Nguyễn Khả Lạp cùng em là Nguyễn Truyền đem dân binh các lộ đánh bại quân giặc ở các xứ Kinh Thành, Chương Dương. Quân giặc tan vỡ. Thoát Hoan, Bình Chương A Lạt rút chạy qua sông Lô…”.

Chàng thanh niên thuộc dòng dõi vương hầu, đã sớm ý thức được đất nước trước hiểm họa xâm lăng, nếu không đuổi giặc thì nước mất nhà tan, nên đã không quản ngại hy sinh góp phần cùng quân dân Đại Việt đánh tan giặc Nguyên hung hãn, từng được xem là đội quân bách chiến bách thắng vào thời kỳ ấy.
 
Xem lại sử, thấy hành động nghiến răng phẫn uất trước kẻ thù bạo ngược, bóp nát quả cam của Trần Quốc Toản thể hiện một cách đầy đủ phản ứng của một thanh niên trước hiện tình đất nước. “Trái tim nóng, cái đầu lạnh” là cụm từ mà thanh niên cần phải học được từ vị danh tướng trẻ tuổi triều đại nhà Trần hơn 700 năm trước. Để từ đó, chọn cho mình một cách hành xử đúng đắn, tỉnh táo trước tình huống hiện nay, không để bị kẻ xấu kích động, lợi dụng để phá quấy, gây nên những cảnh rối ren, khiến cho công cuộc bảo vệ chủ quyền đất nước gặp thêm khó khăn.
  
Với sự đồng lòng, nhất trí tuyệt đối, và có những danh tướng trẻ văn thao võ lược như Trần Quốc Toản, cộng với sự đồng lòng của muôn dân trăm họ, sẵn sàng bỏ qua hiềm khích của hai trụ cột triều đình là Quốc công Tiết chế Hưng Đạo vương Quốc Tuấn và Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải, nhà Trần đã đánh tan mọi âm mưu xâm lược của ngoại xâm phương Bắc, đem lại hòa bình no ấm cho nhân dân.

“Cường địch” nhưng không có lẽ phải, chính nghĩa thì cũng sẽ không thể nào có được lòng người. Trái lại, một đất nước dù nhỏ, nhưng dân tộc đó có ý chí quyết tâm bảo vệ bờ cõi thì cuối cùng sẽ chiến thắng, đó là chân lý đúc rút ra từ những trang sử hàng ngàn năm của dân tộc trong công cuộc gìn giữ, bảo vệ đất nước. Mà hình ảnh của chàng thanh niên Trần Quốc Toản và biết bao người con nước Việt là một minh chứng hùng hồn!

Trần Thanh Bình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.