(TNO) Nhiều ý kiến đã được đưa ra tại Hội thảo góp ý nội dung dự thảo Quy hoạch tổng thể phát triển nghệ thuật biểu diễn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 diễn ra tại Cục công tác phía Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (quận 3, TP.HCM) vào ngày 22.5.
|
Buổi Hội thảo diễn ra với sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch Vương Duy Biên, Phó cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Phạm Đình Thắng, Phó chánh Văn phòng Cục Nghệ thuật biểu diễn Nguyễn Lê Huy, cùng sự tham gia của đông đảo đại biểu các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại các địa phương và TP.HCM.
Hứa hẹn mang đến nhiều lợi ích cho nghệ sĩ
Phần lớn các đại biểu đều bày tỏ sự không hài lòng với chế độ chính sách đãi ngộ các nghệ sĩ biểu diễn cùng nhiều vấn đề khúc mắc còn tồn đọng hiện nay như: lương quá thấp, diễn viên trẻ không chịu về đoàn…
Ông Lê Văn Hồng - Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp tiết lộ ông thường phải dùng chiêu “dụ dỗ” để lôi kéo các diễn viên chịu về làm việc, và diễn viên nào có khả năng đều được giao vai chính hoặc vai thứ chính ngay.
Bà Trần Thị Bình - Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum, cho biết, bà rất đau lòng khi một đêm diễn ở địa phương mình, giá cát sê biểu diễn của nghệ sĩ có khi chỉ bằng 1 tô phở (30.000 đồng), phí bồi dưỡng (50.000 đồng/ngày) cho các nghệ nhân già khi đi dạy cũng quá thấp.
“Người làm nghệ thuật tại địa phương chỉ có mức lương 1,5 triệu đồng/tháng, thì không thể đảm bảo được cuộc sống của mình, nói gì tới cuộc sống của gia đình”, bà nói.
|
Phó cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Phạm Đình Thắng cho biết với đề án Quy hoạch trên sẽ hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích thiết thân cho các nghệ sĩ biểu diễn.
Theo đó sẽ giải quyết được những lo ngại hiện nay như chế độ nghỉ hưu phù hợp cho nghệ sĩ, chính sách bảo đảm thanh sắc, chế độ thang bảng lương được điều chỉnh theo trình độ bằng cấp…
“Đối với các nghệ sĩ được nhận danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú, Nghệ sĩ Nhân dân hoặc các nghệ sĩ được giải thưởng lớn… sẽ được nâng bậc lương vượt cấp. Ngoài ra còn có những mức lương cao khác để các nghệ sĩ phấn đấu”, ông Thắng hứa hẹn.
Nhọc nhằn tìm nôi đào tạo
|
Nhiều đại biểu cũng bày tỏ sự lo lắng về việc khan hiếm các khóa học bồi dưỡng diễn viên nghệ sĩ tại các địa phương, đặc biệt đối với các ngành nghề nghệ thuật truyền thống, khó thu hút sự quan tâm của giới trẻ.
Theo ông Nguyễn Minh Phương, Trưởng phòng Phòng Nghệ thuật, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP.HCM, cần khảo sát kỹ xem lĩnh vực nghệ thuật nào đang thiếu và yếu để tập trung đầu tư.
“Ngoài một số nghệ sĩ được đào tạo bài bản, còn nhiều hụt hẫng trong đào tạo, đặc biệt là các ngành nghệ thuật truyền thống như tuồng… không chiêu sinh được”, ông thừa nhận.
Ông Võ Trọng Nam, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP.HCM, cũng thừa nhận các bộ môn nghệ thuật truyền thống (tuồng, hát bội…) ngày càng không được khán giả ưa chuộng và dễ bị quên lãng.
Ông Nam chia sẻ, thành phố đã dành 5 hecta đất trên đường Nguyễn Văn Linh cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch, và đề xuất Bộ xây dựng một đơn vị hành chính sự nghiệp cấp quốc gia, có nhà hát để hoạt động hiệu quả hơn nữa.
Ngọc Bi
>> Cục Nghệ thuật biểu diễn không cấm Diễm Hương tham gia biểu diễn
>> Cục Nghệ thuật biểu diễn có thể kiện Tòa án tỉnh Khánh Hòa về cuộc thi Nữ hoàng biển
>> Công ty Rồng Việt thắng kiện Cục Nghệ thuật biểu diễn
>> Rút giấy phép cuộc thi 'Nữ hoàng biển VN', Cục Nghệ thuật biểu diễn bị kiện
Bình luận (0)